Chuyến công du củng cố mối quan hệ đối tác chiến lược

Thứ Tư, 12/02/2020, 08:54
Theo nguồn tin từ Nhà Trắng, từ ngày 24 đến 25/2 tới, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ thực hiện chuyến công du Ấn Độ nhằm tăng cường quan hệ đối tác chiến lược song phương. Đây là chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Trump đến Ấn Độ kể từ khi lên cầm quyền năm 2016.


Trong khuôn khổ chuyến công du này, người đứng đầu Nhà Trắng sẽ có cuộc hội đàm với Thủ tướng nước chủ nhà Narendra Modi, thăm Thủ đô New Delhi và bang miền Tây Gujarat, quê nhà của ông Narendra Modi đồng thời cũng là quê hương của Anh hùng dân tộc và lãnh tụ tinh thần của người dân Ấn Độ Mahatma Gandhi.

Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Narendra Modi tại Houston, Mỹ hồi tháng 9/2019.

Trước đó, hai nhà lãnh đạo đã cùng chia sẻ quan điểm theo đuổi mối quan hệ gắn bó hơn giữa hai nước, với việc Thủ tướng Ấn Độ thăm Mỹ vào tháng 9/2019. Khi lên cầm quyền, Tổng thống Donald Trump đã thông báo chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nâng cao hơn nữa vai trò của Ấn Độ trong cục diện an ninh khu vực. Hai bên đều có động lực tăng cường hợp tác trong khuôn khổ chiến lược này.

Ngay trước thềm chuyến thăm này, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 10/2 (giờ địa phương) đã phê chuẩn thương vụ tiềm năng bán Hệ thống vũ khí phòng không tích hợp (IADWS) trị giá 1,867 tỷ USD cho Ấn Độ. Thương vụ này sẽ được xử lý thông qua chương trình bán vũ khí cho nước ngoài (FMS), nay sẽ do Quốc hội Mỹ xem xét với thời hạn 30 ngày để đưa ra bất cứ sự phản đối nào.

Người phát ngôn bộ trên cho biết: “Hệ thống vũ khí phòng không tích hợp, còn được gọi là hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến quốc gia (NASAM), cung cấp hệ thống phòng thủ tên lửa tích hợp và hiện đang được triển khai quanh thủ đô Washington. Hệ thống IADWS bao gồm radar, bệ phóng, hệ thống nhắm mục tiêu và dẫn đường, tên lửa không đối không tầm trung hiện đại (AMRAAM) và tên lửa Stinger, cùng các thiết bị và hỗ trợ liên quan”.

Cũng theo tuyên bố, Chính phủ Ấn Độ đã đề nghị mua một hệ thống IADWS bao gồm 5 hệ thống radar Sentinel AN/MPQ-64Fl; 118 tên lửa AMRAAM AIM-120C-7/C-8; 3 bộ phận dẫn đường AMRAAM; 4 bộ phận điều khiển AMRAAM và 134 tên lửa Stinger FIM-92L. Bên cạnh đó còn có các thiết bị thông tin liên lạc, thử nghiệm và huấn luyện, các tài liệu cũng như hỗ trợ kỹ thuật và hậu cần.

Nói về quan hệ Mỹ - Ấn Độ, trong hai thập niên qua, Washington đã đặt nhiều hi vọng vào New Delhi trên vũ đài thế giới. Và với tư cách là nền dân chủ lớn nhất thế giới, theo những hi vọng đó, nước này hứa hẹn sẽ trở thành đối tác quan trọng của Mỹ vào thời điểm cuộc cạnh tranh giữa các bên thách thức đang ngày càng gia tăng.

Gần 20 năm trước, cũng dựa trên những kỳ vọng như vậy, Washington đã bắt đầu giải quyết những bất đồng từ lâu đã kìm hãm mối quan hệ Mỹ-Ấn trong suốt giai đoạn Chiến tranh Lạnh và cho đến những năm 1990.

Dưới thời Tổng thống George W. Bush, các quan chức Mỹ không còn khăng khăng yêu cầu Ấn Độ phải từ bỏ vũ khí hạt nhân, cho phép Washington và New Delhi ký kết một thỏa thuận hạt nhân mang tính bước ngoặt và mở đường cho các khoản đầu tư khổng lồ của Mỹ - cả về ngoại giao, kinh tế và quân sự - nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự trỗi dậy của Ấn Độ.

Các đời chính quyền Mỹ kế nhiệm đã cho phép Ấn Độ tự do tiếp cận các công nghệ quân sự và thúc đẩy vai trò của Ấn Độ tại các thể chế quốc tế, đỉnh điểm là việc Tổng thống Mỹ Barack Obama tán thành nguyện vọng của Ấn Độ trở thành thành viên thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Cách tiếp cận cơ bản này của Mỹ vẫn được duy trì cho tới ngày nay.

Tuy vậy, logic của mối quan hệ Mỹ-Ấn vẫn bị nhiều người hiểu lầm, đặc biệt là ở Mỹ. Họ cho rằng Mỹ đã đầu tư quá mức vào Ấn Độ, những ưu ái dành cho New Delhi đã không được đền đáp xứng đáng. Ngay cả những người ủng hộ quan hệ đối tác giữa hai nước đôi khi cũng bực bội do mối quan hệ này đã tốn quá nhiều thời gian mà không mang lại kết quả như mong đợi.

Gần đây Mỹ đã rút lại đặc quyền tiếp cận thương mại của Ấn Độ với Mỹ theo chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP), thẳng thừng thông báo quyết định này chỉ vài giờ sau khi Thủ tướng Narendra Modi tuyên thệ nhậm chức lần thứ hai sau chiến thắng ngoạn mục của ông trong cuộc bầu cử vào mùa Xuân vừa qua.

Cả những người chỉ trích lẫn những người ủng hộ mối quan hệ Mỹ-Ấn dường như đều nhất trí rằng cam kết mới giữa hai nền dân chủ này vẫn chưa mang lại sự gắn kết giống như một liên minh mà hai bên từng hi vọng.

Những lời phàn nàn này là không chính xác. Kể từ đầu thế kỷ này, Ấn Độ đã ủng hộ mạnh mẽ trật tự quốc tế do Mỹ dẫn dắt, mặc dù tỏ ra không quan tâm đến một liên minh với Mỹ. Nếu mục tiêu của Mỹ là biến Ấn Độ thành một đồng minh thân cận, dù chính thức hay không, thì Mỹ cũng sẽ thất bại.

Thay vào đó, Washington và New Delhi cần phải cố gắng tạo dựng một mối quan hệ đối tác hướng tới các lợi ích chung mà không trông chờ vào một liên minh dưới bất cứ hình thức nào. Nói một cách đơn giản, thước đo cho sự thành công trong những nỗ lực của Mỹ ở Ấn Độ không phải là những gì Ấn Độ làm cho Mỹ mà là những gì Ấn Độ làm cho chính mình.

Nếu New Delhi kết hợp các nỗ lực kinh tế và chính trị để tự biến mình thành một cường quốc – đặc biệt là vào thời điểm ảnh hưởng của Trung Quốc đang ngày càng gia tăng, thì tham vọng của Washington nhằm duy trì cái mà cựu Cố vấn an ninh quốc gia Condoleezza Rice từng gọi là “cán cân sức mạnh ủng hộ sự tự do” sẽ được thỏa mãn ở châu Á.

Để đạt được mục tiêu đó, các quan chức Mỹ và Ấn Độ phải cùng suy nghĩ về mối quan hệ này theo một cách khác.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.