Chưa thấy ánh sáng cuối đường hầm

Thứ Bảy, 13/03/2021, 13:28
Đây là cụm từ mà giới chuyên gia dùng để miêu tả về thế giằng co giữa Mỹ và Iran liên quan tới vấn đề hạt nhân của quốc gia Hồi giáo. 

Cho dù chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thể hiện mong muốn khôi phục lại thỏa thuận hạt nhân Iran ký năm 2015, hay còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), nhưng Wasinhgton và Tehran lại đang lao vào cuộc tranh cãi việc bên nào phải hành động trước để cứu vãn thỏa thuận này. Iran cho rằng Mỹ nên dỡ bỏ trừng phạt trước, trong khi Mỹ muốn Iran ngừng các hành động đáp trả mà Washington cho là vi phạm thỏa thuận trước.

Hôm 11/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price tái khẳng định Washington sẽ không đưa ra các biện pháp đơn phương để thuyết phục Iran tham gia các cuộc đàm phán liên quan đến việc hai bên nối lại tuân thủ JCPOA.

Bên trong một cơ sở hạt nhân của Iran.

Ông tuyên bố: "Chúng tôi sẽ không có bất cứ hành động giao tiếp hay sự khuyến khích đơn phương nào nhằm thuyết phục Iran ngồi vào bàn đàm phán. Nếu Iran đang có ấn tượng rằng việc họ không có bất cứ động thái nào để tiếp tục tuân thủ JCPOA sẽ buộc chúng tôi đưa ra các đặc ân hay các hành động giao tiếp đơn phương, thì đó là một ấn tượng sai lầm".

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh, chỉ khi nào Iran tham gia đàm phán, Washington mới chuẩn bị để thảo luận các đề xuất giúp hai bên có thể quay lại lộ trình cùng tuân thủ thỏa thuận. Về phía Iran, Tổng thống Hassan Rouhani vẫn kêu gọi Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt chống Tehran.

Ông cho rằng chính quyền mới của Mỹ chưa thực hiện bất cứ "biện pháp thực tế nào" nhằm quay trở lại JCPOA và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt chống Iran. Trước đó, đặc phái viên phụ trách vấn đề Iran của Nhà Trắng Robert Malley hôm 10/3 cho biết Tổng thống Joe Biden sẽ "không vội vàng" trong việc đàm phán về thỏa thuận JCPOA trước cuộc bầu cử của Iran vào tháng 6 tới.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thì cho biết nước này sẽ không nới lỏng bất kỳ lệnh trừng phạt nào đối với Iran, bao gồm việc giải phóng các khoản tiền của Iran bị phong tỏa ở Hàn Quốc, cho đến khi Tehran tái thực hiện các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân. Rõ ràng, cả Washington và Tehran cần thực hiện các bước đi rõ ràng để khôi phục thỏa thuận hạt nhân, song hai bên vẫn đang bất đồng về trình tự thực hiện các bước đi cũng như việc nhượng bộ lẫn nhau.

Tại Hội nghị An ninh Muchen năm 2019, Tổng thống Joe Biden hứa hẹn rằng họ sẽ trở lại. Và giờ đây họ đã trở lại. Tổng thống Joe Biden cũng đã đưa ra hứa hẹn rằng ông sẽ quay lại thỏa thuận hạt nhân Iran với điều kiện Tehran quay trở lại tuân thủ các quy định.

Mọi người có thể đặt câu hỏi tại sao chương trình hạt nhân của Iran được coi là mối đe dọa phổ biến vũ khí hạt nhân. Để tìm câu trả lời, cần xem xét bối cảnh an ninh của đầu những năm 2000 khi các khái niệm về mối đe dọa vượt ra ngoài khuôn khổ các phân tích và tính toán thực tế của chính quyền Tổng thống Mỹ George Bush.

Iraq là một ví dụ sinh động về sự coi thường thực tế, khi Tổng thống George Bush nhất quyết khẳng định sự tồn tại của vũ khí hủy diệt hàng loạt trong kho vũ khí của Iraq, dựa trên những thông tin tình báo sai lầm bất chấp các bằng chứng ngược lại được quốc tế xác minh. Điều này đã dẫn đến việc Mỹ xâm lược Iraq với những ảnh hưởng trong khu vực vẫn được cảm nhận rõ hiện nay.

Trong bối cảnh đó, có thể khẳng định chắc chắn rằng cuộc khủng hoảng hạt nhân của Iran là sản phẩm trực tiếp của "diễn ngôn" chính sách đối ngoại như vậy, trong đó mô tả chương trình hạt nhân của Iran như một mối đe dọa phổ biến vũ khí hạt nhân. Ý thức như vậy đã tiêm nhiễm mọi vấn đề liên quan đến Iran và các chính sách không phổ biến vũ khí hạt nhân của Tehran. Từ giới chính sách đối ngoại đến cộng đồng tình báo, từ các viện tư vấn đến các trung tâm học thuật, từ báo chí đến truyền thông, khái niệm "Iran là một mối đe dọa phổ biến hạt nhân" tràn ngập các cuộc tranh luận và điều dường như được coi là đương nhiên là bất cứ hành động nào Iran tiến hành chắc chắn có liên hệ với các nỗ lực vũ khí hóa.

Các thanh sát viên IAEA đã có mặt tại Iran và họ có quyền tiếp cận những nơi mà họ cho là cần được thanh tra. Tất cả hoạt động hạt nhân ở Iran đều được công bố với cơ quan này và diễn ra trước mắt các thanh sát viên của IAEA. Bên cạnh đó, trong hai năm qua, Iran đã có một lộ trình hành động minh bạch, có thể kiểm chứng và dự đoán được và có thể đảo ngược trong chương trình hạt nhân của mình. Tuy nhiên, cần phải nói rõ rằng Iran đã đồng ý thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin theo quy định của JCPOA trên cơ sở tạm thời. Không thể xây dựng lòng tin mãi mãi và các biện pháp như vậy cũng không thể được mặc nhiên công nhận.

Một số biện pháp nên thực hiện hiện nay bao gồm: Thứ nhất, các nước châu Âu tham gia JCPOA cần đóng vai trò mang tính xây dựng và thừa nhận thực tế rằng Iran là nạn nhân của các chính sách của chính quyền Trump trong hai năm rưỡi qua.

Thứ hai, EU không nên tuyên truyền những quan điểm sai lệch về Iran và không nên tham gia vào cuộc chiến "suy diễn" này và cần cân nhắc quan điểm của dư luận. Việc theo đuổi chính sách trừng phạt và cưỡng ép đã thất bại trong quá khứ và cũng sẽ thất bại trong tương lai. Cuối cùng, với chính quyền Mỹ và các hứa hẹn trở lại JCPOA, điều quan trọng là phải tận dụng động lực này thay vì tạo ra những trở ngại cho tiến trình ngoại giao.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.