Chính trường Mỹ lại rối bời trước sự ra đi của Bộ trưởng Tư pháp

Thứ Năm, 08/11/2018, 08:46

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump sa thải Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions đã hứng chịu nhiều chỉ trích từ phía đảng Dân chủ, những người cảnh báo rằng ông Trump đang nỗ lực gây khó dễ cho cuộc điều tra về sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử hồi năm 2016.

Ông Trump sa thải Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions ngay sau cuộc bầu cử giữa kỳ. Ảnh Reuters.

Có thể nói, cuộc điều tra do công tố viên đặc biệt Robert Mueller dẫn đầu và được tiến hành dưới sự giám sát của Bộ Tư pháp Mỹ, đã phủ một bóng đen trong suốt thời gian nhiệm kỳ vừa qua của ông Trump. Tổng thống Mỹ từ lâu đã phàn nàn rằng ông Sessions đã tự “cứu” mình khỏi liên quan đến việc giám sát Mueller.

Theo Reuters, việc sa thải quan chức tư pháp hàng đầu của Mỹ đã dấy lên nhiều câu hỏi từ phía Dân chủ về ứng viên thay thế do ông Trump đề cử cũng như những động thái tiếp theo.

“Quốc hội nên tiến hành một hành động lưỡng đảng để bảo vệ tính toàn vẹn của cuộc điều tra do công tố viên đặc biệt Mueller dẫn đầu”, Steny Hoyer, nhân vật số 2 của đảng Dân chủ trong Hạ viện cho biết vài giờ sau khi đảng Dân chủ giành đa số trong cuộc bầu cử ngày 6-11.

Ông Hoyer cho biết thêm, nếu như việc sa thải ông Sessions là một “động thái rõ ràng” của Tổng thống nhằm can thiệp vào cuộc điều tra của Mueller thì “Tổng thống phải chịu trách nhiệm”.

Khi được hỏi về việc liệu người thay thế ông Sessions, ông Matthew Whitaker, có giám sát cuộc điều tra của Mueller hay không, một phát ngôn viên của Bộ Tư pháp Mỹ cho biết: “Quyền Bộ trưởng phụ trách tất cả những vấn đề nằm trong sự giám sát của Bộ Tư pháp”.

Trong khi đó, phát ngôn viên của văn phòng của ông Mueller chưa đưa ra bình luận gì về sự ra đi của ông Sessions cũng như ảnh hưởng của vấn đề này đến cuộc điều tra.

Luật sư riêng của ông Trump, Rudy Giuliani, cho biết việc này sẽ “không ảnh hưởng” gì đến cuộc điều tra.

Trong một tuyên bố trên Twitter, ông Trump sau khi sa thải ông Sessions đã nhanh chóng thông báo nhân vật thay thế là ông Whitaker, người từng là tham mưu cho ông Sessions. Ông Sessions trong một bức thư gửi đến ông Trump đã cho biết việc ông từ chức là theo yêu cầu của Tổng thống.

Nhiều người đảng Dân chủ đã nhanh chóng yêu câu ông Whitaker sớm suy nghĩ về việc “thoát khỏi” giám sát cuộc điều tra của Mueller, như những gì mà ông Sessions đã làm.

“Với những bình luận trước đây của ông ủng hộ việc xóa bỏ và áp đặt các hạn chế đối với cuộc điều tra của Mueller, ông Whitaker nên tự cứu mình khỏi sự giám sát cuộc điều tra này trong quãng thời gian mà ông giữ chức quyền Bộ trưởng”, lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer cho biết.

Tháng 8-2017, ông Whitaker đã cho viết một mẩu ý kiến có tiêu đề “Cuộc điều tra của Mueller đối với ông Trump đang đi quá xa”. Trong đó, ông này có nói rằng ông Mueller đã có quá nhiều quyền hạn trong cuộc điều tra về sự liên quan của Nga trong cuộc bầu cử năm 2016, theo CNN.

Ông này cũng nhấn mạnh rằng cuộc điều tra của ông Mueller không nên mở rộng đến vấn đề tài chính của ông Trump, của gia đình hay công việc kinh doanh của họ hay của tổ chức Trump Organization.

Ông Jerrold Nadler, người dự kiến sẽ trở thành Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện vào tháng 1 tới, tố rằng việc sa thải ông Sessions phù hợp với kế hoạch của ông Trump nhằm can thiệp vào công việc của Bộ Tư pháp cũng như ông Mueller.

“Donald Trump có thể nghĩ rằng ông ấy có quyền để thuê và sa thải bất kỳ ai mà ông ấy muốn, nhưng ông không thể tiến hành hành động đó nếu nó được xác định là có mục đích nhằm không tuân thủ luật pháp và cản trở công lý”, ông Nadler cho biết. “Nếu ông ấy lạm dụng quyền lực của mình theo cách đó, chắc chắn sẽ phải hứng chịu hậu quả”.

Trong khi đó, ông Mitt Romney, ứng viên tranh cử Tổng thống năm 2012, cho biết cuộc điều tra của ông Mueller sẽ không bị ảnh hưởng gì bở sự ra đi của ông Sessions.

Duy Tiến
.
.
.