"Chính sách phương Bắc mới" tạo sức bật mạnh mẽ cho quan hệ Hàn Quốc – Nga

Thứ Bảy, 23/06/2018, 09:56
Là vị Tổng thống Hàn Quốc đương nhiệm đầu tiên có chuyến thăm cấp nhà nước tới Nga sau gần 19 năm (kể từ thời cố Tổng thống Kim Dae-jungvào năm 1999), ông Moon Jae-in cho biết Seoul không những coi trọng vai trò then chốt của Moscow trong việc thiết lập trật tự trên bán đảo Triều Tiên, mà ông còn chỉ ra "sự đồng điệu" trong chính sách phát triển kinh tế của hai bên, góp phần làm sâu sắc sự tin tưởng và tăng cường hợp tác chiến lược vì hòa bình và thịnh vượng tại khu vực Đông Bắc Á.

Nhận lời mời của Tổng thống Nga Vladimir Putin, ngày 21-6, chuyên cơ của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã đáp xuống sân bay quốc tế tại Moscow, chính thức thăm cấp nhà nước tới Nga. Trong khuôn khổ chuyến thăm ba ngày, Tổng thống Moon Jae-in đã hội đàm với Thủ tướng Nga Dmitry Medveded, phát biểu trước Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga, có cuộc gặp thượng đỉnh đồng cấp với Tổng thống Vladimir Putin về những vấn đề cả hai bên cùng quan tâm.

"Sự đồng điệu" trong tầm nhìn phát triển kinh tế liên lục địa

Phát biểu trước Duma Quốc gia Nga, Tổng thống Moon Jae-in ngày 21-6 (giờ địa phương) đã bày tỏ sự coi trọng mối quan hệ chính trị lâu bền giữa hai bên, đồng thời hy vọng mối quan hệ này sẽ mở rộng và tạo được những bước tiến đột phá ngoài mong đợi.

"Quan hệ giữa Hàn Quốc và Nga là nền tảng cho việc thiết lập hòa bình trên bán đảo Triều Tiên và sự thịnh vượng tại khu vực Đông Bắc Á. Có thể nói rằng, tôi và các bạn, đã, đang và sẽ nỗ lực hết lòng vì những lợi ích thiết thực đó. Người dân Hàn Quốc, hơn ai hết, mong muốn hòa bình tại bán đảo nơi mọi người đang sinh sống, tại các quốc gia Đông Bắc Á và trên thế giới. Vì thế, với những thành công nhất định đầu tiên về việc phi hạt nhân hóa, chúng tôi hy vọng quan hệ đối tác hai bên giữa Hàn Quốc - Nga, sau đó là quan hệ ba bên Hàn Quốc - Nga - CHDCND Triều Tiên sẽ sớm "đơm hoa kết trái". Điều này sẽ thật tuyệt vời", Tổng thống Moon bày tỏ.

Các chuyên gia phân tích chính trị quốc tế đánh giá, những phát biểu của ông Moon Jae-in thể hiện sự thiện chí, cởi mở và rất mang tính xây dựng, đặc biệt là qua những lý giải của ông về "sự đồng điệu" trong chiến lược phát triển kinh tế lục địa Á - Âu của mỗi nước.

“Nếu Hàn Quốc có "Chính sách phương Bắc mới" thì phía Nga cũng có "Chính sách phát triển kinh tế vùng Viễn Đông", phần lớn là trùng nhau. Điều này cho thấy hai đất nước chúng ta là những đối tác gần gũi, quan trọng. Đặc biệt, khi một chế độ hòa bình được thiết lập, hợp tác Hàn Quốc - Nga sẽ được đẩy mạnh và mở rộng với cả Bình Nhưỡng", ông Moon khẳng định.

"Chính sách phương Bắc mới" đã từng được Tổng thống Moon Jae-in giới thiệu tại Nga trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế phương Đông lần thứ 3 tổ chức hồi tháng 9-2017 tại thành phố Vladivostok. Ông Moon cho rằng việc các quốc gia Đông Bắc Á hợp tác, phát triển thành công vùng Viễn Đông sẽ là một giải pháp căn bản có thể giúp giải quyết vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên.

Theo bà Lee Hae-jeong - chuyên gia kinh tế Hàn Quốc, thì liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) do Nga đứng đầu là một thị trường hứa hẹn đầy tiềm năng, giàu tài nguyên như khí đốt thiên nhiên, với tổng số dân lên tới 180 triệu người, và tổng sản phẩm quốc nội ước tính là 1.600 tỷ USD. Tuy nhiên, thị trường này hiện nay chưa được đầu tư và phát triển đáng kể, và cơ sở hạ tầng còn yếu.

Trong khi đó, Hàn Quốc đang sở hữu công nghệ tiên tiến nhưng nguồn tài nguyên thiên nhiên lại hết sức khiêm tốn. Do đó, Seoul và Moscow hoàn toàn có thể bổ trợ về mặt kinh tế, thúc đẩy khả năng hợp tác song phương.

Ông Moon Jae-in coi trọng vai trò then chốt của Nga trong việc thiết lập hòa bình trên bán đảo Triều Tiên và thịnh vượng tại khu vực Đông Bắc Á. Ảnh: Getty Images.

Cam kết tăng cường thông tin liên lạc chiến lược

Về phía Nga, Tổng thống Putin cho biết, thương mại song phương giữa Hàn Quốc và Nga đã giảm 38% từ 25,8 tỷ USD năm 2014 xuống còn 16 tỷ USD trong năm 2015 và giảm tiếp 16,2% xuống 13,4 tỷ USD trong năm 2016. Mặc dù vậy, cán cân hai bên đã bắt đầu hồi phục vào năm 2017, vượt qua những ảnh hưởng tiêu cực bởi làn sóng bảo hộ thương mại để tăng hơn 40%, đạt 19 tỷ USD.

"Đây mới chỉ là khởi đầu, nhưng cho thấy sự trao đổi thường xuyên trong các lĩnh vực đang phát huy tác dụng rõ rệt. Chúng ta vẫn còn rất nhiều việc phải làm", Tổng thống Putin khẳng định.

Ngoài ra, Tổng thống Vladimir Putin và Thủ tướng Dmitry Medveded cũng đều bày tỏ sự vui mừng và ghi nhận những thay đổi tích cực đang diễn ra trên bán đảo Triều Tiên, đặc biệt là nỗ lực của Hàn Quốc trong việc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Liên Triều hôm 27-4 và thúc đẩy diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều hôm 12-6.

Seoul và Moscow cùng nhất trí tiếp tục tăng cường thông tin liên lạc chiến lược trên cơ sở ngoại giao và hai chính sách kinh tế nêu trên, với mục tiêu cuối cùng là nhằm hỗ trợ tiến trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên và thiết lập một nền hòa bình lâu dài.

Trong một diễn biến khác, hiện tại, các ngân hàng Hàn Quốc đang nỗ lực hết sức để đón đầu các cơ hội kinh doanh lớn ở Triều Tiên sau khi có sự tan băng trong quan hệ liên Triều. Theo các nguồn tin trong giới tài chính, ngân hàng KEB Hana ngay từ đầu tháng 5 đã có kế hoạch thành lập một bộ phận đặc biệt nhằm chuẩn bị cho các hoạt động tài chính liên Triều.

Ngân hàng Shinhan, một trong những tập đoàn tài chính hùng mạnh của Hàn Quốc, cũng đang tìm cách thành lập một bộ phận tư vấn gồm các quan chức từ các công ty con nhằm thích ứng một cách có hệ thống với những thay đổi trong các mối quan hệ và hợp tác kinh tế giữa hai miền Triều Tiên.

Linh Đan
.
.
.