Chiến lược của “Bộ tứ kim cương”

Chủ Nhật, 25/10/2020, 09:23
Sức mạnh quân sự ngày càng tăng, đi kèm với chính sách đối ngoại của Trung Quốc đã khơi gợi những cuộc thảo luận giữa các quan chức Mỹ và đối tác về việc tạo ra một liên minh kiểu NATO ở châu Á gồm các nước lớn trong khu vực. Và liên kết quốc phòng không chính thức giữa Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ - vốn được biết đến với tên gọi “Bộ tứ kim cương” (nhóm QUAD) – được đánh giá có thể là sự khởi đầu của liên minh này.

Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg từng lo ngại sức mạnh trỗi dậy của Trung Quốc, với tham vọng “xuất khẩu” mô hình Trung Hoa, “làm thay đổi căn bản cán cân tương quan lực lượng trên thế giới” và càng thúc đẩy NATO phải “có tính toàn cầu hơn”. 

Tổng thống Mỹ cùng Tổng thống Hàn Quốc và nguyên Thủ tướng Nhật Bản.

Tuy nhiên, dường như Mỹ muốn đi trước một bước dựa trên liên minh Bộ tứ gồm Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen E. Biegun gần đây gợi ý rằng, liên kết quốc phòng không chính thức giữa Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ - vốn được biết đến với tên gọi “Bộ tứ kim cương” (nhóm QUAD) – có thể là sự khởi đầu của một liên minh kiểu NATO ở châu Á. 

“Đó là điều mà tôi nghĩ đến trong nhiệm kỳ thứ hai của chính quyền Tổng thống Donald Trump, hoặc nếu đương kim Tổng thống không giành chiến thắng thì trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống tiếp theo, nó có thể là điều rất đáng để khám phá”, ông Stephen E. Biegun nói tại đối thoại chiến lược Mỹ-Ấn diễn ra hồi cuối tháng 8. Quan chức này cũng cho rằng, “NATO châu Á” sẽ không chỉ dừng ở việc kìm hãm đà bành trướng của Trung Quốc, mà còn có thể tập trung nhiều hơn vào việc phối hợp với quân đội và nền kinh tế của các quốc gia nhỏ trong vùng, dựa trên một hệ giá trị được hình thành trên cơ sở luật pháp. 

Ông nói: “Thực tế là khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thực sự thiếu các cấu trúc đa phương mạnh. Họ không có tổ chức nào vững mạnh như NATO hay Liên minh châu Âu (EU). Các thể chế mạnh nhất ở châu Á thường chỉ mang tính bó hẹp. Chắc chắn đến thời điểm nào đó sẽ có một đề xuất thành lập một cấu trúc như vậy”.

Những phát biểu này đã nhanh chóng gây ra một cuộc tranh luận ở các quốc gia được đề xuất trở thành thành viên của “NATO châu Á”. Một số người lập luận rằng, “Bộ tứ kim cương” đã đủ chín muồi để phát triển hơn. Trở ngại ở đây là họ mặc dù tăng cường tổ chức tập trận quân sự chung trong những năm gần đây, nhưng gặp nhiều khó khăn vì một số thành viên do dự rằng một “NATO châu Á” mang tính chính thức hơn sẽ khiến Trung Quốc tức giận và thực hiện các biện pháp trừng phạt kinh tế. 

Tuy nhiên, khi sức mạnh quân sự và kinh tế của Trung Quốc ngày càng lớn, những lo ngại đó sẽ dần bị xóa nhòa. Bối cảnh hiện tại cho thấy khả năng hình thành một kiểu liên minh mới là điều hoàn toàn có thể, như phân tích của Michael Kugelman, trợ lý giám đốc chương trình châu Á tại Wilson Center, với trang Washington Times: “Nước này hay nước khác, ở thời điểm này hay thời điểm khác, còn lo ngại về việc gây thù địch với Trung Quốc. Nhưng mọi chuyện hiện đã khác. Nhóm Bộ tứ thực sự có cơ hội ở thời điểm này, bởi vì các nước Bộ tứ, cũng như các nước khác trong khu vực, ngày càng nhất trí với nhau rằng các hoạt động của Trung Quốc không chỉ hung hăng mà ngày càng đe dọa sự ổn định toàn cầu”. 

Ngoài việc xây dựng căn cứ quân sự trên các đảo nhân tạo xây dựng phi pháp ở Biển Đông, việc Trung Quốc sử dụng cái gọi là ngoại giao chiến lang trong những năm gần đây đã khiến các nước láng giềng bất bình. Tuy nhiên, theo ông Michael Kugelman, Washington vẫn có thể gặp phải những thách thức khi cố gắng xây dựng một liên minh an ninh tập thể chính thức kiểu NATO ở châu Á. 

Trong khi đó, truyền thông Ấn Độ đưa tin, hôm 25/9, các quan chức Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn đã có cuộc họp trực tuyến. Tại đó, bốn quốc gia này đã kêu gọi xây dựng một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương “tự do, rộng mở, thịnh vượng và hòa nhập” dựa trên sự chia sẻ các giá trị và tôn trọng luật pháp quốc tế.

Nói về NATO châu Á, một số người đã nói về cái gọi là nhóm Bộ tứ mở rộng (QUAD Plus) tập trung vào các sáng kiến phi quân sự như hỗ trợ tài chính cho xây dựng cơ sở hạ tầng với sự hỗ trợ từ Mỹ, Nhật Bản, Australia và các nước khác nhằm mục tiêu chống lại tham vọng to lớn thông qua chương trình đầu tư ra nước ngoài mang tên “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc. Mạng lưới Điểm Xanh (Blue Dot Network) mà Mỹ, Nhật Bản và Australia công bố hồi năm ngoái, hay Mạng lưới kinh tế thịnh vượng (Economic Prosperity Network) được chính quyền Tổng thống Donald Trump thúc đẩy sau đại dịch COVID-19 nhằm giảm sự phụ thuộc của chuỗi cung ứng toàn cầu vào Trung Quốc, cũng có thể là nền tảng để mở rộng nhóm Bộ tứ theo hướng phi quân sự. 

Tầm nhìn của Bộ tứ đã được Trợ lý ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á, ông David Stilwell, tổng kết như sau: “Bộ Tứ tìm cách thiết lập, thúc đẩy và bảo đảm các nguyên tắc Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đặc biệt là khi các chiến thuật, hành động gây hấn của Trung Quốc gia tăng trong khu vực”.

Minh Hải (tổng hợp)
.
.
.