“Chất xúc tác” thúc đẩy tiến trình hòa giải liên Triều

Thứ Ba, 09/01/2018, 09:32
Theo kế hoạch, ngày 9-1, sau hai năm gián đoạn, CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc tiến hành đối thoại cấp cao tại làng đình chiến Panmunjeom ở biên giới hai miền Triều Tiên. Việc Bình Nhưỡng tham gia sự kiện này được kỳ vọng sẽ là “chất xúc tác” cho tiến trình hòa giải liên Triều và tháo gỡ những bế tắc trong vấn đề hạt nhân.

Cuộc đàm phán lần này vốn được cho là để thảo luận về khả năng CHDCND Triều Tiên cử đoàn vận động viên tham dự Thế vận hội (Olympic) mùa Đông PyeongChang, diễn ra từ ngày 9 đến 25-2 tới cũng như cách thức để cải thiện mối quan hệ giữa hai nước. 

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc hôm 8-1 tiết lộ rằng, Seoul cũng sẽ tìm cách thảo luận các cách thức làm dịu căng thẳng quân sự trên bán đảo Triều Tiên và vấn đề đoàn tụ các gia đình bị ly tán do chiến tranh. 

Chính phủ Hàn Quốc hiện đang rất kỳ vọng việc CHDCND Triều Tiên chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán sẽ có thể làm dịu tình hình trên bán đảo Triều Tiên. 

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng hy vọng, trong trường hợp mối quan hệ liên Triều được cải thiện, điều này sẽ góp phần quan trọng trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng và xa hơn là mở đường cho các cuộc đàm phán giữa CHDCND Triều Tiên với Mỹ. 

Theo tinh thần này, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã lên tiếng hoan nghênh cuộc đàm phán liên Triều lần này và đánh giá cao thái độ tích cực của Bình Nhưỡng trong việc nối lại đàm phán với Seoul. 

Tuy nhiên, Thủ tướng Abe cho rằng, cuộc đàm phán phải mang tính thực chất và cần đạt được những tiến bộ đích thực về chương trình phát triển tên lửa đạn đạo và hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Việc đàm phán mà không dẫn tới kết quả thực chất sẽ trở nên vô nghĩa. 

Liên quan tới khả năng Bình Nhưỡng tham gia Olympic PyeongChang, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha ngày 8-1 nêu rõ, Chính phủ Hàn Quốc đang kỳ vọng vào việc này để cân nhắc các biện pháp nhằm cải thiện mối quan hệ liên Triều và tìm cách hợp tác chặt chẽ với cộng đồng quốc tế để CHDCND Triều Tiên giải trừ vũ khí hạt nhân. 

Nếu tham gia Olympic PyeongChang, Bình Nhưỡng sẽ củng cố hồ sơ về sự kiện này như là một kỳ Olympic hòa bình. Trong khi đó, ông Chang Ung - thành viên của Ủy ban Olympics quốc tế (IOC) khẳng định Hàn Quốc sẽ “lắng nghe” và “nỗ lực để CHDCND Triều Tiên có thể tham gia vào các cuộc tranh tài tại Olympic”.

Trưởng đoàn đàm phán Hàn Quốc Cho Myoung Gyyon (trái) và Trưởng đoàn đàm phán CHDCND Triều Tiên Ri Son-gwon. Ảnh: Yonhap

Về phía Mỹ, Tổng thống Donald Trump nói rằng: “Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên đang nói về Thế vận hội Pyeongchang. Đây là một sự khởi đầu lớn. Nếu tôi không can dự vào, họ sẽ không thể nói chuyện vào thời điểm hiện nay. Nếu các cuộc thảo luận có thể dẫn tới một kết quả nào đó, đây là một điều tốt đối với toàn nhân loại”. 

Người đứng đầu Nhà Trắng còn tuyên bố sẵn sàng đối thoại trực tiếp với nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un. 

Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ khẳng định việc này không có nghĩa là cuộc đàm phán sẽ diễn ra vô điều kiện. Chia sẻ quan điểm này, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc (LHQ) Nikki Haley cũng bày tỏ hoan nghênh cuộc đàm phán liên Triều ngày 9-1 và nêu rõ, đối với Mỹ là thật tốt khi hai miền Triều Tiên có thể nối lại các cuộc thảo luận. 

Tuy nhiên, mặt khác, bà Haley tái khẳng định lập trường lâu nay của mình, là “sẽ không đàm phán chừng nào CHDCND Triều Tiên vẫn tiếp tục thử hạt nhân”, khi một lần nữa hối thúc Bình Nhưỡng phải chấm dứt các vụ thử, chấp nhận thảo luận về vấn đề cấm vũ khí hạt nhân trước khi bắt đầu bất kỳ cuộc đàm phán nào. Và việc ngừng các vụ thử hạt nhân cũng phải kéo dài trong một khoảng thời gian “đủ dài”. 

Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Mike Pompeo cũng khẳng định Washington quyết tâm chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên thông qua biện pháp ngoại giao, song cũng sẵn sàng sử dụng vũ lực nếu cần thiết. 

Vị quan chức này nhấn mạnh Washington muốn nhà lãnh đạo Kim Jong-un hiểu rằng chính sách của Mỹ giải quyết vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng thông qua con đường ngoại giao sẽ được duy trì nhất quán dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Việc CHDCND Triều Tiên bất ngờ hòa hoãn với Hàn Quốc không những khiến Mỹ bất ngờ, mà còn đặt nước này vào thế khó, phải làm thế nào để không gây ảnh hưởng tới quan hệ đồng minh với Seoul mà vẫn duy trì được sức ép với Bình Nhưỡng. 

Chính vì thế phản ứng của Mỹ là dễ hiểu, không loại trừ đối thoại với CHDCND Triều Tiên, nhưng vẫn đặt ra điều kiện tiên quyết: đó là Bình Nhưỡng phải chấp nhận từ bỏ kho vũ khí hạt nhân. Đây là cách để Mỹ không bị mất mặt nếu Hàn Quốc và Triều Tiên có thể tiến tới đàm phán về những vấn đề xa hơn Thế vận hội Pyeongchang.

Giới chuyên gia cho rằng, những động thái gần đây của CHDCND Triều Tiên có thể nhằm mục tiêu trước mắt là tham gia Olympic. Bên cạnh đó là những phản ứng của Mỹ. Nên, mặc dù đang được chứng kiến những tín hiệu tích cực, nhưng hòa bình cho Bán đảo Triều Tiên vẫn cần thêm những đòn bẩy.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.