Cảnh báo nguy cơ tái bùng phát dịch COVID-19

Thứ Tư, 27/05/2020, 07:48
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, thế giới vẫn đang ở giữa làn sóng thứ nhất của dịch COVID-19 và có thể đối mặt với “đỉnh dịch thứ hai ngay lập tức” nếu dỡ bỏ quá sớm những biện pháp phòng chống dịch. Do đó, tất cả các nước vẫn cần phải duy trì cảnh báo cao.


Phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến hôm 25/5 (giờ địa phương), Giám đốc điều hành Chương trình y tế khẩn cấp của WHO, Tiến sĩ Michael Ryan cảnh báo các quốc gia đang chứng kiến diễn biến dịch COVID-19 thuyên giảm vẫn có thể phải đối mặt với “đỉnh dịch thứ hai ngay lập tức” nếu dỡ bỏ quá sớm những biện pháp ngăn chặn dịch bệnh bùng phát.

Ông khẳng định thế giới vẫn đang ở trong làn sóng đầu tiên của sự bùng phát virus SARS-CoV-2. Mặc dù số ca bệnh đang giảm xuống ở nhiều quốc gia, song tình trạng này lại gia tăng ở các khu vực Trung và Nam Mỹ, Nam Á và châu Phi. Theo Tiến sĩ Michael Ryan, các dịch bệnh thường diễn biến thành nhiều làn sóng. Do đó, một đợt bùng phát mới có thể tái diễn trong năm nay ở các khu vực mà làn sóng đầu tiên đã suy giảm.

“Chúng ta vẫn còn ở trong giai đoạn mà đường cong dịch bệnh vẫn đang theo hướng đi lên. Chúng ta cũng cần phải hiểu rõ thực tế rằng dịch bệnh có thể tăng đột biến bất cứ lúc nào. Chúng ta không thể nhận định rằng, dịch bệnh đang có chiều hướng đi xuống thì nó sẽ tiếp tục đi xuống và chúng ta có thể có vài tháng chuẩn bị cho làn sóng thứ 2. Theo cách này, chúng ta có thể sẽ phải đối mặt với đỉnh dịch thứ hai”, ông nói.

Quan chức WHO đánh giá, tỷ lệ lây nhiễm cũng sẽ có cơ hội gia tăng trở lại một cách nhanh chóng hơn nếu các biện pháp ngăn chặn làn sóng đầu tiên bị dỡ bỏ quá sớm. Cũng theo Tiến sĩ Michael Ryan, các quốc gia ở châu Âu và Bắc Mỹ nên “tiếp tục thực hiện những biện pháp y tế công cộng và xã hội, những biện pháp giám sát, những biện pháp xét nghiệm và một chiến lược toàn diện để đảm bảo đẩy lùi dịch bệnh thay vì một đỉnh dịch thứ hai ngay lập tức.

Trong khi đó, bà Maria Van Kerkhove, một nhà nghiên cứu dịch bệnh truyền nhiễm của WHO cho biết, “tất cả các nước cần phải duy trì cảnh báo cao. Tất cả các nước cần sẵn sàng để nhanh chóng phát hiện các ca bệnh mới, ngay cả những nước đã thành công trong việc khống chế dịch bệnh”.

Những cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ đang tiếp tục nới lỏng các biện pháp hạn chế. Tại Trung Đông, hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ của khu vực này đã thông báo nới lỏng hơn nữa các biện pháp phòng ngừa nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong dịp lễ Eid al-Fitr đánh dấu kết thúc tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo.

Tại Iran, giới chức địa phương đã cho phép mở cửa trở lại một số đền thờ Hồi giáo của dòng Shiite trên cả nước sau hơn 2 tháng đóng cửa nhằm kiềm chế dịch bệnh. Saudi Arabia thì thông báo từng bước nới lỏng các biện pháp phong tỏa từ ngày 28/5 cho đến khi cuộc sống trở lại bình thường nhưng vẫn phải tuân thủ quy định giãn cách xã hội và dựa trên những báo cáo y tế về tình hình dịch bệnh.

Chính quyền Palestine cũng tuyên bố chấm dứt lệnh phong tỏa và triển khai các biện pháp mới nhằm ngăn chặn dịch bệnh, dỡ bỏ ngay lập tức lệnh cấm đi lại giữa các thành phố và cho phép hoạt động giao thông công cộng được nối lại nhưng phải tuân thủ những quy định về an toàn. Dubai - một trong các tiểu vương quốc của UAE, cho biết sẽ cho phép nối lại hoạt động kinh doanh và đi lại tự do từ ngày 27/5. 

WHO cảnh báo các nước có thể đối mặt với “đỉnh dịch thứ hai ngay lập tức” nếu chủ quan. Ảnh: Reuters.

Tại châu Âu, do lo ngại nguy cơ làn sóng thứ hai nên một số nước đang quay trở lại cuộc sống bình thường một cách chậm chạp và đầy lo lắng. Giao thông công cộng đang được nối lại mặc dù vẫn còn nhiều hạn chế.

Truyền thông Đức ngày 26/5 đưa tin, Thủ tướng nước này Angela Merkel đã nhất trí kéo dài  thời hạn giãn cách xã hội đến ngày 29/6 thay vì thời hạn đưa ra trước đó là ngày 5/7. Tuy nhiên, bà cũng kêu gọi một sự thận trọng và cảnh báo về nguy cơ xảy ra một làn sóng lây nhiễm mới. Ngoài ra, Chính phủ Đức đang có kế hoạch dỡ bỏ cảnh báo du lịch đối với 31 quốc gia châu Âu kể từ ngày 15/6 tới với điều kiện tình hình dịch bệnh COVID-19 nằm trong sự kiểm soát cho phép.

Trước đó, hôm 25/5, Thủ tướng Nga Mikhail Mishutin thông báo một số nới lỏng các biện pháp phong tỏa nhưng khẳng định vẫn cần phải thận trọng. Cộng hòa Czech cũng mở cửa biên giới với Australia và Đức từ ngày 26/5 nhưng yêu cầu người nhập cảnh cung cấp chứng nhận âm tính với virus SARS-CoV-2. Hoạt động kiểm tra toàn diện tại biên giới sẽ được thay thế bằng hình thức kiểm tra ngẫu nhiên và vẫn không cho khách du lịch nhập cảnh.

Trong khi đó, Luxembourg cũng thông báo sẽ nới lỏng các biện pháp hạn chế từ ngày 27-5, cho phép các quán càphê và nhà hàng mở cửa trở lại, các hoạt động kỷ niệm và nghi lễ tôn giáo cũng sẽ được tiến hành với các điều kiện nghiêm ngặt…

Nới lỏng một cách thận trọng là điều cần thiết để người dân thế giới sống chung với dịch COVID-19, trong bối cảnh triển vọng tìm kiếm vaccine và phương pháp điều trị hiệu quả sẽ không có sớm. WHO hôm 25/5 đã “tạm thời” đình chỉ các thử nghiệm lâm sàng đối với thuốc chữa sốt rét hydroxychloroquine để điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 tại một số quốc gia. Quyết định này được xem như một biện pháp đề phòng sau khi có nghiên cứu cho thấy việc sử dụng hydroxychloroquine điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 sẽ dẫn đến các rủi ro khác.

Trong khi đó, cuộc đua bào chế vaccine của thế giới vẫn đang đạt được bước tiến tích cực nhưng theo các chuyên gia y tế, phải đợi đến mùa thu này mới có thể đánh giá được những hiệu quả đầu tiên của các ứng cử viên vaccine và vẫn còn một con đường dài phía trước để vaccine có mặt rộng rãi trên thị trường.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.