Cảnh báo nguy cơ hạt nhân hóa ở Biển Đông

Thứ Sáu, 14/10/2016, 08:11
Ngày 13-10, hãng CNBC của Mỹ đã có bài viết về việc Trung Quốc đang xây dựng một nhà máy điện hạt nhân trên Biển Đông.

Cùng với những thông tin mà tình báo Mỹ cung cấp, nhiều nhà phân tích bày tỏ lo ngại rằng, tình hình ở Biển Đông sẽ ngày càng phức tạp và sự xuất hiện một nhà máy điện hạt nhân có thể sẽ ảnh hưởng nặng nề đến môi trường biển trong khu vực này.

Thông tin mà hãng CNBC có được cho thấy, Viện Công nghệ an toàn năng lượng hạt nhân thuộc Học viện khoa học Trung Quốc chịu trách nhiệm thực hiện dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân loại nhỏ này.

Theo đó, nhà máy điện hạt nhân này sẽ thuộc loại nhỏ nhất thế giới vì có thể đặt vừa trong một container vận chuyển bằng đường biển từ đất liền Trung Quốc tới một hòn đảo có tranh chấp ở Biển Đông.Thời gian thực hiện dự án là trong vòng 5 năm. 

GS Huang Qunying, một nhà khoa học hạt nhân của Trung Quốc có tham gia dự án này cho biết, một lò phản ứng làm mát bằng chì sẽ được đặt vào trong container với chiều dài 6,1m và chiều cao 2,6m.

Lò phản ứng này có khả năng sản xuất được 10 megawatt nhiệt năng và nếu được chuyển hóa thành điện năng thì đủ cung cấp cho khoảng 50.000 hộ gia đình.

Đáng chú ý là lò phản ứng này có thể hoạt động liên tục trong nhiều năm, thậm chí hàng chục năm mà không cần nạp thêm nhiên liệu. GS Huang Qunying còn cho biết thêm rằng lò phản ứng này không thải ra khói hoặc bụi nên người dân khó có thể phát hiện ra sự tồn tại của nó.

Công trình nghiên cứu này được Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc tài trợ và đang được nghiên cứu thử nghiệm tại tỉnh An Huy. Nhiệt độ của lò phản ứng cao nhất có thể đạt 1.400 độ C. Tuy nhiên, sự xuất hiện của lò phản ứng này ở Biển Đông sẽ tác động xấu đến môi trường biển.

Binh sĩ Trung Quốc trong một cuộc tập trận ở Biển Đông hồi đầu năm. Ảnh: Reuters

Một nhà nghiên cứu người Trung Quốc (giấu tên) thuộc Đại học Đại dương Trung Quốc từng cảnh báo với giới chức Bắc Kinh rằng, việc đưa một lò phản ứng hạt nhân ra khu vực biển sẽ làm xáo trộn tất cả. Kể cả khi nó không thải ra khí độc thì những khu vực quanh đó cũng không an toàn.

Nhà khoa học này từng nhấn mạnh: “Cá và các sinh vật biển có thể sẽ không chịu được “cú sốc về môi trường” do lò phản ứng này gây ra. Nước thải ra từ lò phản ứng có thể ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái biển của toàn khu vực. Nếu thảm họa hạt nhân xảy ra ở Biển Đông thì hậu quả khôn lường”.

Còn GS John McManus thì khẳng định những hoạt động hủy hoại hệ sinh thái ở Scarborough và ở Hoàng Sa, Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) phần lớn do Trung Quốc gây ra.

GS John McManus nói: “Những rạn san hô ở Biển Đông đẹp như những vườn hoa, có thể nói là đẹp nhất trên thế giới. Nhưng khi tàu của Trung Quốc đến đây đánh bắt loài trai khổng lồ thì họ đã tạo nên những rặng núi hình vòng cung từ cát và san hô chết. Thêm vào đó, hoạt động nạo vét và các công trình xây dựng cũng đã bao phủ những rạn san hô này”.

Tính đến nay, các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông đã gây thiệt hại cho khoảng 159/162km² san hô tại vùng biển này.

Trong khi đó, tình báo Mỹ cho rằng, kể từ sau phán quyết của tòa án trọng tài biển, Trung Quốc càng gia tăng hoạt động quân sự hóa trên Biển Đông.

Báo cáo mới nhất của Cục tình báo không gian địa lý quốc gia (NGA) khẳng định, những đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã xây trái phép ở Biển Đông là nơi đặt các thiết bị quân sự. NGA có bằng chứng để chứng minh việc này.

Chuyên gia Robert Cardillo của NGA cho biết, cơ quan này đã phân tích hình ảnh vệ tinh và phát hiện “các cấu trúc và thiết bị liên quan đến lĩnh vực quân sự”.

Trong tháng 9, Trung Quốc đã triển khai loạt 8 thiết bị cảm biến nổi đầu tiên trên Biển Đông như một phần mạng lưới quan sát quốc tế và dự kiến sẽ đưa tổng cộng 20 thiết bị kiểu này trên khu vực Biển Đông.

Khi kết nối với vệ tinh, các thiết bị cho phép giới quân sự và dân sự kiểm soát vùng nước ở độ sâu 2km. Thiết bị cảm biến do Trung Quốc tự chế tạo có hình trụ, cao khoảng 2m, nặng 30kg, được thả ở cách mặt nước biển khoảng 1km, sau đó sẽ lặn xuống sâu hơn và nổi lên theo chu kỳ. 

Theo chuyên gia phân tích quân sự ở Macau, Antony Wong Dong, dữ liệu thu thập được là không thể thiếu và rất có ích cho lực lượng tàu ngầm của hải quân Trung Quốc.

Sông Thương
.
.
.