Cảnh báo mới về các cấu trúc Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông

Thứ Bảy, 13/08/2016, 10:04
Những bức ảnh chụp qua vệ tinh cùng thông tin về việc Trung Quốc xây dựng các nhà kho máy bay trên những hòn đảo nhân tạo mà nước này bồi đắp trái phép ở Biển Đông đang khiến cả thế giới lo ngại.

Nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế tiếp tục đưa ra những khuyến cáo và khuyến nghị, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng phán quyết hôm 12-7 của tòa án trọng tài tại The Hauge, Hà Lan.

Australia là quốc gia đưa ra những cảnh báo mới nhất về vấn đề này. Theo đó, ngày 12-8, báo chí Australia đã dẫn lời của cựu cố vấn an ninh quốc gia Andrew Shearer cho rằng, những nhà kho để máy bay tiêm kích của Trung Quốc xuất hiện trên hình ảnh vệ tinh do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (CSIS) đưa ra cho thấy, Bắc Kinh đang nhanh chóng thay đổi sức mạnh quân sự trên các hòn đảo nhân tạo để kiểm soát các tuyến đường biển quan trọng ở Biển Đông. 

Thậm chí, ông Andrew Shearer còn nhận định rằng, với khoảng 70 gian nhà chứa máy bay chiến đấu, các nước cần phải đề phòng trước nguy cơ Bắc kinh định thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông giống như những gì mà nước này đã thực hiện ở biển Hoa Đông. 

Đặc phái viên của Tổng thống Philippines về quan hệ với Trung Quốc, cựu Tổng thống Fidel Ramos khẳng định, Manila muốn xúc tiến các cuộc thảo luận chính thức với Trung Quốc để thăm dò lộ trình hướng tới hòa bình và hợp tác. Ảnh: EPA.

Đồng quan điểm này, TS Jerry Hendrix, Giám đốc chương trình đánh giá và chiến lược quốc phòng tại Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS) cho rằng, Trung Quốc đang lựa chọn thời điểm cẩn thận để xây dựng các công trình này và rằng mỗi nhà kho trên đảo nhân tạo có thể chứa tới 24 chiến đấu cơ, nghĩa là Trung Quốc có thể triển khai một phi đội tiền tiêu gồm 71 tiêm kích ở Biển Đông vào bất cứ lúc nào. 

TS Jerry Hendrix nhấn mạnh, với một phi đội máy bay hùng hậu như vậy, Trung Quốc có thể dễ dàng chiếm ưu thế trên không ở Biển Đông trong một thời gian dài. Nhà phân tích cấp cao thuộc Viện Chính sách chiến lược Australia Malcolm Davis thì gọi đây là “sự ép buộc chính trị” và là “hành động đe dọa, ép buộc để xâm chiếm chủ quyền của nước khác hoặc đơn phương thay đổi hiện trạng khu vực”…

Trước những cảnh báo trên, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay và Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida đã kêu gọi Trung Quốc từ bỏ sự đe dọa và tuân thủ pháp trị ở những vùng biển tranh chấp. 

Trong khi đó, Phó Chánh án tòa án tối cao Philippines Antonio Carpio cho biết, nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục những hành động đơn phương trên Biển Đông, Manila có thể tiếp tục kiện Bắc Kinh ra tòa án trọng tài tại The Hague về việc hủy hoại môi trường và hệ sinh thái biển do các hoạt động xây dựng, cải tạo trái phép ở Biển Đông. Tuy vậy, ông Antonio Carpio vẫn nhấn mạnh rằng chính phủ Philippines luôn bỏ ngỏ cơ hội đàm phán với Trung Quốc. 

Ngay cả cựu Tổng thống Philippines đồng thời là Đặc phái viên của Tổng thống Philippines về quan hệ với Trung Quốc Fidel Ramos cũng khẳng định, Manila muốn xúc tiến các cuộc thảo luận chính thức với Trung Quốc để thăm dò lộ trình hướng tới hòa bình và hợp tác. 

Hiện ông Fidel Ramos đang ở Hong Kong và chuẩn bị kết thúc các cuộc đàm phán với cựu quan chức Trung Quốc trong đó có cựu Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Phó Oánh về vấn đề Biển Đông và mối quan hệ giữa hai nước. 

Cựu Tổng thống Philippines Fidel Ramos cho rằng, sứ mệnh của ông trong chuyến đi này không phải là thương lượng mà giúp mở đường, phá băng và thúc đẩy quan hệ mà hai nước đã có khi ông còn làm Tổng thống. 

Bước đầu, cuộc gặp với các cựu quan chức Trung Quốc đã đạt kết quả tốt và ông Fidel Ramos cho biết, ông đang tìm cách tăng cường mối liên hệ kinh tế và du lịch như việc cho phép đánh bắt thêm ở ngư trường đánh bắt chung giữa hai nước tại bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham… 

Trong khi đó, các cựu quan chức Trung Quốc cũng ngỏ ý cho thấy, chính quyền Bắc Kinh sẵn sàng tiến hành đối thoại với Philippines về các chủ đề liên quan đến Biển Đông. Họ cũng ngỏ ý nói rằng có thể giúp Đặc phái viên của Tổng thống Philippines về quan hệ với Trung Quốc được tiếp cận với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng như các doanh nhân làm ăn thành đạt quan tâm đến việc đầu tư tại Philippines. 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh còn nói: “Trung Quốc mở cửa với tất cả các biện pháp liên hệ giữa Trung Quốc-Philippines và hoan nghênh ông Fidel Ramos tới Trung Quốc”.

Các hội đoàn Pháp-Việt kêu gọi tôn trọng phán quyết trong vụ kiện Biển Đông

Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, Hội đồng đại diện các hội đoàn Pháp-Việt (CRAFV) có trụ sở tại Pháp vừa ra kiến nghị “Vì sự tôn trọng phán quyết của tòa trọng tài liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông”. 

Nội dung bản Kiến nghị đề cập đến tình hình tranh chấp phức tạp trên Biển Đông và điểm lại những hoạt động sai trái của Trung Quốc tại Biển Đông từ năm 1974 đến nay, nhất là các hoạt động bồi đắp trái phép các đảo nhân tạo, xây dựng ở đó các cơ sở hạ tầng, cầu cảng quy mô lớn có thể phục vụ mục đích quân sự. 

Kiến nghị yêu cầu Trung Quốc tôn trọng phán quyết của Tòa Trọng tài, tôn trọng Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) mà nước này là thành viên, chấm dứt việc xây dựng trái phép các đảo nhân tạo và quân sự hóa, cũng như chấm dứt các hành động ngăn cản bất hợp pháp ngư dân Việt Nam đánh bắt trên ngư trường truyền thống của mình. 

Bản kiến nghị của CRAFV được đăng tải trên trang mạng của tổ chức này và trên địa chỉ www.change.org để lấy chữ ký mọi người. 

Sau đó, Kiến nghị sẽ được gửi tới lãnh đạo và các cơ quan nhà nước của Pháp; các thể chế của Liên minh Châu Âu, đại sứ các nước Mỹ, Trung Quốc, Australia, Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Pháp và các phương tiện truyền thông quốc tế. 

(S.Thương)

Huyền Chi
.
.
.