Cảnh báo chiến thuật mới của Trung Quốc ở Biển Đông

Thứ Bảy, 23/09/2017, 10:11
Bằng cách sử dụng thuật ngữ "Tứ xa" thay cho "Đường lưỡi bò” (hay còn gọi là “Đường chín đoạn”), Trung Quốc đang thực hiện một chiến thuật mới nhằm hiện thực hóa tham vọng độc chiếm Biển Đông.

Đây là những cảnh báo được tờ The Washington Free Beacon đưa ra trong bài viết của tác giả Bill Gertz đăng tải hôm 21-9. 

Theo đó, Bill Gertz nhận định rằng, do vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế về cái gọi là "Đường chín đoạn", chính quyền Bắc Kinh đã quay sang sử dụng chiến thuật mới với chính sách gọi là "Tứ xa". "Tứ xa" hay "Đường chín đoạn" đều chỉ nhằm một mục đích là giúp Trung Quốc độc chiếm Biển Đông và thực hiện những yêu sách của mình tại vùng biển này. 

Tác giả Bill Gertz cho biết, thuật ngữ "Tứ xa" được lần đầu tiên tiết lộ bởi Mã Tân Dân, Vụ phó Vụ Điều ước và pháp luật thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong một cuộc họp của giới chức ngoại giao Trung Quốc - Mỹ hồi cuối tháng 8. 

Đồ họa trên tờ Business Insider cho thấy tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc thể hiện qua cái gọi là "Đường chín đoạn" (nay được Trung Quốc sử dụng thuật ngữ "Tứ xa") đã vi phạm chủ quyền các quốc gia và cả luật pháp quốc tế.

Khi đó, Mã Tân Dân đã ngụy biện rằng, "Tứ xa" là cách gọi vùng nước lịch sử và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Trung Quốc đối với một vùng biển rộng lớn quanh 4 khu vực, bao gồm: quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa (đều thuộc chủ quyền của Việt Nam); quần đảo Pratas ở phía Bắc Biển Đông và bãi Macclesfield ở phía Tây. 

Giới chức ngoại giao Mỹ tham dự cuộc họp này cũng khá bất ngờ trước cách thức tiếp cận mới này của Trung Quốc và khẳng định khái niệm này chưa hề được biết đến hay thảo luận trước đó. 

Tuy nhiên, khi được báo chí hỏi về vấn đề này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Justin Higgins đã từ chối bình luận mà chỉ khẳng định rằng, Mỹ có quan điểm rõ ràng, nhất quán là các yêu sách về biển của mọi quốc gia ở Biển Đông và trên thế giới phải phù hợp với luật pháp quốc tế về biển như được thể hiện trong Công ước quốc tế của Liên hợp quốc (LHQ) về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). 

Ông Justin Higgins cũng chỉ rõ, Washington không thừa nhận sự kiểm soát của Trung Quốc đối với các hòn đảo này và rằng, Biển Đông là vùng biển quan trọng vì lượng hàng hóa quốc tế trung chuyển hằng năm ở đây vào khoảng 3.370 tỷ USD. Và do Biển Đông là vùng biển quốc tế nên các tàu chiến và máy bay của Mỹ hoạt động ở khu vực này mà không bị cản trở bởi các yêu sách về kiểm soát của Trung Quốc.

Một khía cạnh nữa cũng được tác giả Bill Gertz đưa vào bài viết của mình chính là việc "Tứ xa" hay "Đường chín đoạn" mà Trung Quốc vẽ ra đã bị tòa án trọng tài LHQ về luật biển bác bỏ trong kết luận về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc hồi tháng 7 năm ngoái... 

Do đó, bài báo có trích dẫn lời phát biểu của Michael Pillsbury, thành viên cao cấp của Viện Hudson và là Giám đốc của Trung tâm Chiến lược Trung Quốc cảnh báo, cơ chế hàng hải mới nhất của người Trung Quốc là "tấm vé luật pháp" - một trong ba công cụ "chiến tranh thông tin" của Trung Quốc. Hai cái còn lại là "chiến tranh truyền thông" và "chiến tranh tâm lý". 

Micheal Pillsbury lưu ý rằng, Chính phủ Trung Quốc dường như đã “tổ chức tốt hơn” cho chiến thuật pháp lý này để phản đối các quy tắc quốc tế một cách bài bản. 

Trong khi đó, người từng phụ trách đơn vị tình báo của Hạm đội Thái Bình Dương Jim Fanell thì nhận định: "Dường như chương trình "Tứ xa" là bước đi hợp lý tiếp theo của Bắc Kinh trong lát cắt nhằm khẳng định tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông" và các quốc gia cần phải "tích cực" hơn nữa trong việc nhắc nhở Trung Quốc về phán quyết của tòa án trọng tài năm 2016. 

Một số tờ báo khác thì dẫn chứng, sau khi đưa ra khái niệm mới "Tứ xa" thay thế cho "Đường chín đoạn", Trung Quốc đang gia tăng hoạt động tuyên truyền chủ quyền đối với phần lớn diện tích Biển Đông với lý do đây là "di sản tổ tiên để lại từ thời cổ xưa". 

Các tài liệu tuyên truyền sai thực tế và sai lịch sử này đã được Trung Quốc thực hiện trên internet và truyền hình bằng cả tiếng Trung, Anh và tiếng Pháp. 

Đồng tình quan điểm này, GS Renato Cruz de Castro, Đại học De la Salle, Philippines cũng cho rằng, hiện tình hình Biển Đông đang có khoảng lặng nhưng căng thẳng có thể sẽ gia tăng sau khi Trung Quốc công bố và sử dụng thuật ngũ "Tứ xa". 

Chưa hết, hãng tin CNBC thì khuyến cáo rằng, khi Trung Quốc có những động thái đe dọa quân sự ở Biển Đông, các nhà khai thác dầu khí trong khu vực tranh chấp cũng sẽ gặp nguy hiểm. Hugo Brennan, chuyên gia phân tích tại Verisk Maplecroft cho hay, để thực hiện tham vọng của mình, Trung Quốc có thể sẽ sử dụng những hành động leo thang khác về kinh tế như gây áp lực lên các giao dịch kinh doanh của các nước trong khu vực. 

Các công ty có lợi ích hoặc hoạt động trong các lô dầu khí do các chính phủ Đông Nam Á cấp phép chắc chắn sẽ phải đối mặt với áp lực, thậm chí đe dọa từ Bắc Kinh.

Học giả Italia tổ chức lễ ra mắt sách về
chủ quyền biển đảo của Việt Nam

Theo phóng viên TTXVN thường trú tại Italia, hôm 19-9, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về Việt Nam tại Turin (Italia) Sandra Scagliotti đã tổ chức lễ ra mắt cuốn sách về Biển Đông bằng tiếng Italia do chính bà biên soạn với nhan đề “Những bãi cát vàng, Việt Nam và các quần đảo trên Biển Đông” (Il Banco Di Sabbia Dorata. Il Viet Nam e Gli arcipelaghi del Mare Orientale). 

Lễ ra mắt cuốn sách được tổ chức tại 2 địa điểm ở thành phố Turin, miền Bắc Italia, với sự tham dự của các học giả, bạn bè đất nước "hình chiếc ủng" vốn ủng hộ và yêu quý Việt Nam. 

Nội dung cuốn sách do nhà xuất bản “Epics Edizioni” phát hành, đề cập chủ yếu đến Biển Đông và những vấn đề liên quan Việt Nam. Là một bộ sưu tập phong phú gồm nhiều bài viết của các học giả uy tín tại Việt Nam cũng như nước ngoài, với những phân tích sâu sắc, có giá trị và nhiều thông tin hữu ích xét từ góc độ lịch sử, địa chính trị, chiến lược, nhân chủng học và pháp lý về một vấn đề cổ đại nhưng rất thực tại, cuốn sách được biên soạn một cách hệ thống, logic cùng nhiều dẫn chứng mang tính thuyết phục cao, chẳng hạn như ảnh chụp châu bản Triều Nguyễn, các hình ảnh và bản đồ khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. 

Ngoài ra, vấn đề liên quan đến chiến lược kiểm soát hàng hải, cũng như việc khai thác các nguồn tài nguyên trên biển cũng được đề cập. Học giả Sandra cho biết, thông điệp chính đầu tiên mà bà muốn gửi tới công chúng Italia thông qua cuốn sách này là: “Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam". 

Bên cạnh đó, cuốn sách cũng gửi đến thông điệp là Turin đã và đang tham gia sưu tầm, tìm kiếm những bằng chứng lịch sử, qua đó khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Bà Sandra cho hay, ở Turin có rất nhiều dữ liệu liên quan đến Việt Nam, đặc biệt là các dữ liệu quốc gia tại thư viện của Nhà thờ Capuccini.

Sông Thương (tổng hợp)
.
.
.