Căng thẳng Nga - phương Tây khó bùng phát thành Chiến tranh Lạnh

Thứ Hai, 02/04/2018, 09:20
Theo nhận định của Tiến sĩ Nicholas Redman, Giám đốc phụ trách xuất bản thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) của Anh, những căng thẳng trong quan hệ giữa Nga và phương Tây hiện nay khó bùng phát thành Chiến tranh Lạnh hoặc xung đột lớn, do sự đan xen lợi ích về an ninh và kinh tế.

Tuy nhiên, nó đặt ra triển vọng khó khăn cho việc giải quyết quan hệ giữa hai bên trong thời gian tới.

Tiến sĩ Nicolas Redman cho rằng, cách gọi “Chiến tranh Lạnh” có thể gây ra sự hiểu nhầm về bản chất của những căng thẳng giữa Nga và phương Tây. Vì, khác với Chiến tranh Lạnh trước kia, cuộc khủng hoảng đang diễn ra không phải là một cuộc đối đầu về ý thức hệ, cũng không ở quy mô toàn cầu như trước. Tuy nhiên, đây rõ ràng cũng là cuộc xung đột nghiêm trọng về lợi ích quốc gia và về giá trị giữa các bên.

Qua đó chi phối mạnh mẽ vấn đề chính trị nội bộ của các nước liên quan cũng như quan hệ quốc tế, đặc biệt là sự căng thẳng chưa có dấu hiệu giảm bớt giữa Nga và phương Tây, trong đó có Anh.

Theo Giám đốc phụ trách xuất bản của IISS, căng thẳng quan hệ giữa Nga và phương Tây đang “leo thang” nhanh chóng sau những phản ứng rất cứng rắn của Anh liên quan tới vụ cựu điệp viên Nga Sergei Skripal bị đầu độc.  Động thái này xuất phát từ việc Anh “rút kinh nghiệm” khi đã phản ứng được cho là không đủ mạnh sau vụ cựu điệp viên người Nga Alexander Litvienko bị nghi đầu độc bằng chất polonium tại thủ đô London hồi năm 2006.

Đối đầu ngoại giao Nga - phương Tây chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. (Ảnh minh họa: epthinktank.eu).

Bên cạnh đó, Anh đang trong giai đoạn bất định về địa - chính trị, khi ngay cả quan hệ với đồng minh thân cận nhất là Mỹ có lẽ cũng không còn được như trước, trong khi quan hệ với châu Âu bị chi phối bởi các cuộc đàm phán Brexit đầy khó khăn. 

Vụ cựu điệp viên Skripal được ví như phép thử về sự bền chặt của các mối quan hệ đồng minh chiến lược của mình, nhằm bảo đảm rằng những mối quan hệ này vẫn vững chắc và nước Anh không bị cô lập. Và việc London nhận được sự ủng hộ “hơn cả mong đợi” từ Mỹ và các đồng minh châu Âu cũng là kết quả của cả một quá trình dài về sự thay đổi quan điểm của phương Tây với Nga.

Tiến sỹ Nicholas Redman kết luận, sẽ rất khó để dự báo chiều hướng tiến triển của cuộc khủng hoảng hiện nay, vì vấn đề không chỉ là căng thẳng giữa Nga và Anh mà câu chuyện này đã mở rộng sang quan hệ giữa Nga với các nước lớn khác như Mỹ, Đức và Pháp. Nga chắc chắn sẽ có những hành động đáp trả “tương xứng” với những biện pháp trừng phạt mà các nước nói trên đã đưa ra.

Những biện pháp trả đũa lẫn nhau cũng như tranh cãi qua lại giữa hai bên sẽ khiến triển vọng làm dịu căng thẳng giữa Nga và phương Tây trong tương lai gần là rất thấp. Tuy nhiên, căng thẳng này khó bùng phát thành Chiến tranh Lạnh hoặc xung đột lớn, do sự đan xen lợi ích về an ninh và kinh tế.

Phương Tây và Nga đều cần đến nhau, mà quyết định của một số nước châu Âu, gần đây nhất là Đức, về việc cấp phép cho dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream -2 của Nga là một minh chứng. Châu Âu cần khí đốt của Nga, trong khi Nga cần một khách hàng giàu có cho nguồn tài nguyên đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của mình.

Những nhận định của ông Nicolas Redman được đưa ra trong bối cảnh xuất hiện nhiều lo ngại về nguy cơ tái diễn thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres lo ngại rằng “chúng ta đang ở trong tình huống tương tự như thời Chiến tranh Lạnh mà chúng ta đã từng trải qua, nhưng ở chừng mực lớn hơn”.

Thậm chí, chuyên gia Aleksey Fenenko (nhà khoa học cao cấp Viện các vấn đề an ninh quốc tế thuộc Viện hàn lâm Khoa học Nga), không loại trừ khả năng cuộc đối đầu này sẽ đưa thế giới đến một hình thức nào đấy “không phải Chiến tranh Lạnh mà là Chiến tranh Nóng”, xuất phát từ tình hình địa chính trị phức tạp hiện nay.

Việc Anh cáo buộc Nga đứng sau vụ đầu độc trên mà không đưa ra bằng chứng nào, song lại được Mỹ, Canada, Australia cùng 23 nước châu Âu, cả Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đồng loạt hưởng ứng bằng cuộc trục xuất tập thể các nhà ngoại giao Nga, đã bị Moscow coi là hành động thù địch có chủ ý nhằm vào nhân dân Nga, là âm mưu nhằm hạ thấp uy tín của nước Nga.

Tính tới nay, sau “hành động tập thể” chưa từng có tiền lệ nhằm vào Moscow này, hơn 150 nhà ngoại giao Nga tại 28 nước, trong đó có 60 nhà ngoại giao làm việc tại Mỹ, đã bị trục xuất về nước. Đáp lại, Nga đã chính thức có biện pháp đáp trả “sòng phẳng 1-1”. Trước Mỹ, Nga đã ngay lập tức trục xuất 23 nhà ngoại giao Anh, đóng cửa tổng lãnh sự quán Anh tại thành phố Saint Petersburg, cũng như chấm dứt hoạt động của Hội đồng Anh tại Nga - những biện pháp tương ứng với việc London đình chỉ hoạt động tiếp xúc ngoại giao cấp cao với Nga, rút lại lời mời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tới thăm Anh và trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga tại Anh.

Trong bối cảnh này, việc cải thiện mối quan hệ giữa Nga – Anh, Nga - Mỹ và Nga - phương Tây hiện là nhiệm vụ đặc biệt khó khăn, nhưng hết sức cần thiết. Đối thoại vẫn là giải pháp hữu hiệu để tháo ngòi căng thẳng, thu hẹp bất đồng nhằm đưa quan hệ hai bên xa khỏi vòng xoáy đối đầu nguy hiểm.

Thiếu đi sự hợp tác giữa các cường quốc hàng đầu thế giới, việc đối phó với những mối đe dọa truyền thống và phi truyền thống như chủ nghĩa khủng bố, Hồi giáo cực đoan, tấn công mạng, tội phạm có tổ chức xuyên biên giới, phổ biến vũ khí hạt nhân, chạy đua vũ trang... khó có thể đạt kết quả. Chưa kể một thực tế rằng hàng loạt “hồ sơ” quốc tế nóng bỏng nhất trong quan hệ quốc tế, từ Syria, Iran, Ukraine, CHDCND Triều Tiên… đang cần bàn tay phối hợp của Nga, Mỹ và phương Tây.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.