Các nước nói gì sau thành công COP21?

Thứ Hai, 14/12/2015, 07:52
Sau 13 ngày đàm phán căng thẳng với nhiều cuộc thương lượng kéo dài suốt đêm, vào lúc 1h30 ngày 13-12 (giờ Việt Nam), các đại biểu từ 195 nước tham dự Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên Hợp Quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP21) tại Paris (Pháp) đã thông qua thỏa thuận lịch sử để cứu thế giới thoát khỏi “thảm họa khí hậu”.


Đây được coi là bước đột phá trong nỗ lực của LHQ trong suốt hơn hai thập kỷ qua, nhằm thuyết phục các chính phủ hợp tác để giảm lượng khí thải gây ô nhiễm mà các nhà khoa học cho rằng đang khiến nhiệt độ của trái đất tăng lên. Các đại biểu nhấn mạnh, đây không chỉ là một thỏa thuận, mà còn là dấu mốc mới, mở ra hi vọng cho hơn 7 tỉ người dân trên trái đất.

Việc thỏa thuận được thông qua cho thấy đại biểu các nước tham dự Hội nghị đã có nhiều quyết tâm cũng như chấp nhận những thỏa hiệp nhất định để đi đến kết quả cuối cùng. Các đại biểu đánh giá Thỏa thuận đạt được là một “bước ngoặt lịch sử” trong nỗ lực toàn cầu chống biến đổi khí hậu. 

Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon tuyên bố Hiệp ước Paris là “một thành công vĩ đại đối với hành tinh và người dân địa cầu. Ngày hôm nay, chúng ta cuối cùng cũng có thể nói với con cháu chúng ta rằng, chúng ta đã chung tay cho việc để lại một thế giới tốt đẹp hơn cho thế hệ mai sau”. 

Các nhà lãnh đạo thế giới vui mừng khi Hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu được thông qua. Ảnh: Reuters.

Là một trong những mắt xích quan trọng nhất tại COP21, Thư ký điều hành Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (UNFCCC) Christiana Figueres chia sẻ: “Một hành tinh, một cơ hội để hành động và chúng ta đã làm được điều đó ở Paris. Chúng ta đã cùng nhau làm nên lịch sử. Đây là một thỏa thuận của lòng tin, một thỏa thuận của sự đoàn kết với những nơi dễ bị tổn thương nhất. Đây là một thỏa thuận có tầm nhìn lâu dài, vì vậy chúng ta phải chuyển nó thành động lực phát triển an toàn. Những thế hệ sau sẽ nhớ rằng ngày 12-12-2015 là một ngày lịch sử của sự hợp tác, của tầm nhìn, trách nhiệm, với trung tâm là sự chia sẻ và quan tâm. Có được thành công trong thời khắc đáng nhớ này cần phải ghi nhận sự quyết tâm, khả năng ngoại giao và nỗ lực tuyệt vời của Chính phủ Pháp cũng như sự ủng hộ của chính phủ các nước kể từ COP17 ở Durban (Nam Phi)”. 

Với vai trò là Chủ tịch COP21, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius nhấn mạnh đây là một “thời khắc lịch sử”, sau sáu năm thất bại của Hội nghị tại Copenhagen (Đan Mạch) năm 2009. Tổng thống nước chủ nhà Francois Hollande thì nhấn mạnh “ngày 12-12-2015 là một ngày tuyệt vời đối với Trái đất. Trong nhiều thế kỷ, đã có hàng loạt cuộc cách mạng ở Paris, song đây là cuộc cách mạng đẹp và bình yên nhất mà chúng ta có, cuộc cách mạng về biến đổi khí hậu”. 

Tuy nhiên, Tổng thống Hollande lưu ý, cộng đồng thế giới không thể tự mãn với kết quả này và đây mới chỉ là “một sự khởi đầu” trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ca ngợi thỏa thuận này là một chiến thắng lớn dành cho người dân toàn thế giới, chứ không chỉ riêng quốc gia nào. Người đứng đầu ngành Ngoại giao Mỹ chỉ ra rằng, Hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu là một thỏa thuận về chống biến đổi khí hậu toàn cầu có tham vọng mạnh mẽ nhất từng được đàm phán. 

Ngoại trưởng Kerry cho rằng, không có thỏa thuận nào có thể làm hài lòng tất cả mọi người, song văn kiện vừa đạt được sẽ hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch và ngăn chặn những hậu quả tồi tệ của biến đổi khí hậu. Thỏa thuận Paris có khả năng thực hiện thành công bởi nó có sự tham gia của tất cả các nước. 

Phát biểu từ Washington, Tổng thống Mỹ Barack Obama ca ngợi thỏa thuận khí hậu đạt được tại COP21 là “mạnh mẽ và mang tính lịch sử”: “Thỏa thuận này là cơ hội tốt nhất mà chúng ta có để cứu Trái đất khỏi nguy cơ biến đổi khí hậu”. Ông chủ Nhà Trắng cũng nhấn mạnh đây là “một bước ngoặt đối với thế giới”, một cơ sở giúp thiết lập khuôn khổ bền vững để đối phó hiệu quả với tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu; đồng thời cho thấy những cơ hội đầu tư, đối mới và sử dụng năng lượng sạch ở quy mô chưa từng thấy. 

Tuy nhiên, Tổng thống Obama cũng thận trọng rằng “không thỏa thuận nào là hoàn hảo kể cả thỏa thuận vừa đạt được tại Paris” và việc đàm phán với sự tham gia của gần 200 quốc gia luôn luôn là một thách thức rất lớn. “Ngay cả khi mọi mục tiêu tại COP21 đều đạt được thì chúng ta mới chỉ tiến được một bước nhỏ trong việc giảm lượng khí thải carbon ra không khí”, Tổng thống Mỹ nói.

Trong bản thỏa thuận cuối cùng, 195 nước thành viên COP21 đã nhất trí hạn chế mức tăng nhiệt độ Trái đất không quá 2ºC so với thời kỳ tiền cách mạng Công nghiệp, và sẽ cố gắng đưa con số này về mức 1,5ºC. Đây là điểm quan trọng nhất về mục tiêu cần đạt được của COP21. 

Về trách nhiệm của các bên, thỏa thuận đã đề cập tới việc các quốc gia phát triển phải đóng vai trò đầu tàu trong việc giảm khí thải, khi họ được khuyến khích nhanh chóng nỗ lực giảm sử dụng năng lượng hóa thạch và giảm dần lượng khí thải với sự hỗ trợ của các nước giàu. Một nội dung quan trọng khác đạt được trong thỏa thuận là quy định về nghĩa vụ tài chính. 

Theo đó, các quốc gia phát triển sẽ cung cấp tài chính giúp các nước đang phát triển chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo, cũng như tăng cường khả năng ứng phó với các thảm họa thiên nhiên do biến đổi khí hậu gây ra, như hạn hán hay lũ lụt. Về tính minh bạch, thỏa thuận quy định các quốc gia phải báo cáo về tiến trình thực thi cam kết, song không có hình thức chế tài đối với các quốc gia chưa hoàn thành mục tiêu về cắt giảm khí thải. 

Một điểm khác đáng chú ý là các đại biểu đã quyết định đưa vào Hiệp ước Paris một điều khoản thừa nhận “thiệt hại và mất mát” do thiên tai liên quan đến biến đổi khí hậu gây ra. Điều khoản này không bao gồm nghĩa vụ pháp lý và khoản bồi thường cho những nước bị ảnh hưởng, nhưng cũng được coi là chiến thắng đối với các quốc đảo nhỏ và những nước nghèo đang phải chịu tác động nghiêm trọng của tình trạng ấm lên toàn cầu. 

Trần Linh

Cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về chống biến đổi khí hậu tại Hội nghị COP 21

Dẫn đầu đoàn cấp cao Việt Nam dự Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu đề nghị, nội dung thỏa thuận cần bảo đảm sự đóng góp công bằng giữa các quốc gia và có sự cân bằng trong các nội dung về giảm nhẹ, thích ứng, tài chính, phát triển và chuyển giao công nghệ... Các nước phát triển cần đi đầu trong thực hiện cam kết của mình, đồng thời hỗ trợ và tăng cường năng lực cho các nước đang phát triển để cùng nhau thực hiện thành công thỏa thuận này. 

Cùng với ý kiến phát biểu của nhiều nhà lãnh đạo các nước đang phát triển, đề nghị quan trọng nêu trên của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã được các nước phát triển và toàn thể Hội nghị, với các đại biểu đến từ 195 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới ghi nhận. Kết quả thể hiện rõ trong các điều khoản, cam kết ràng buộc của Thỏa thuận Paris. 

Phát biểu của Thủ tướng cũng đã thể hiện trách nhiệm rất rõ ràng của Việt Nam đối với cộng đồng thế giới. Cụ thể, giai đoạn từ nay đến năm 2020, trong điều kiện khó khăn về nguồn lực nhưng Việt Nam tiếp tục tích cực triển khai chiến lược, chương trình, kế hoạch về ứng phó với biến đổi khí hậu trên nhiều lĩnh vực với các biện pháp thiết thực. Thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ trong Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) và Nghị định thư Kyoto. Việt Nam sẽ đóng góp 1 triệu USD vào Quỹ Khí hậu xanh giai đoạn 2016-2020. Đối với giai đoạn sau năm 2020, mặc dù là một nước đang phát triển còn nhiều khó khăn, chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, Việt Nam vẫn cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và có thể giảm đến 25% nếu nhận được hỗ trợ hiệu quả từ cộng đồng quốc tế. Việt Nam sẽ xem xét định kỳ, điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tế.

Sự tham gia tích cực cũng như cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu tại Hội nghị COP 21 đã được nhiều quốc gia chia sẻ và đánh giá cao, qua đó đóng góp thiết thực cho thành công của Hội nghị lịch sử này. 

Nguyễn Thành

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.