Bước tiến lớn trong chống phân biệt chủng tộc ở Mỹ

Thứ Năm, 22/04/2021, 07:53
Tổng thống Joe Biden nhận định, việc kết luận cựu sĩ quan cảnh sát Dereck Chauvin có tội liên quan đến cái chết của George Floyd “có thể là một bước tiến lớn” đối với một quốc gia từ lâu chứng kiến nạn phân biệt chủng tộc có hệ thống như Mỹ, tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm.


Ngày 20/4, sau phiên tòa kéo dài ba tuần và 10 giờ nghị án trong hai ngày qua, bồi thẩm đoàn 12 thành viên, kết luận rằng cựu sĩ quan cảnh sát thành phố Minneapolis, Dereck Chauvin, phạm cả ba tội danh là giết người cấp độ hai và ba, ngộ sát cấp độ hai. Cựu sĩ quan cảnh sát này sẽ không được bảo lãnh và chính thức bị tuyên án trong 8 tuần tới, khả năng phải ngồi tù nhiều thập kỷ.

Sau khi kết luận của bồi thẩm đoàn được đưa ra, nhiều người tại thành phố Minneapolis cũng như một số nơi khác đã xuống đường, hò reo “ăn mừng”, hô to tên của George Floyd, hãng tin Al Jazeera đưa tin.

Từ Nhà Trắng, Tổng thống Joe Biden nhận định rằng đây “có thể là một bước tiến lớn”, tuy nhiên, nước Mỹ còn nhiều việc phải làm và “chưa thể dừng lại ở đây”. Ông Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris kêu gọi Quốc hội nhanh chóng hành động để giải quyết vấn đề cải cách lực lượng cảnh sát, bao gồm cả việc thông qua dự luật được đặt tên theo Floyd, đã qua cửa Hạ viện. Ngoài ra, ông Biden cũng kêu gọi người dân Mỹ đoàn kết chống lại hận thù để “thay đổi trái tim và tâm trí cũng như luật pháp và chính sách”.

Người dân tại Minneapolis xuống đường “ăn mừng” sau phán quyết ngày 20/4. Ảnh Reuters.

Bà Harris, người phụ nữ da màu đầu tiên giữ chức phó tổng thống, nhận định rằng phân biệt chủng tộc đã khiến nước Mỹ không thực hiện được lời hứa ban đầu là “tự do và công lý cho tất cả mọi người”. “Đó không chỉ là vấn đề của người Mỹ da màu, mà là cả với mọi người Mỹ. Nó đang kìm hãm đất nước của chúng ta phát huy hết tiềm năng của mình”, bà Harris nhấn mạnh.

Tháng 5-2020, George Floyd, một người đàn ông da màu bị bắt vì tình nghi dùng tờ 20 USD giả để mua thuốc lá. 4 sĩ quan cảnh sát giải quyết vụ việc. Bất chấp người này hoảng sợ và cầu xin khi bị khống chế, Dereck Chauvin vẫn ghì đầu gối vào gáy khi Floyd nằm áp mặt lên đường.

Cuộc “đối đầu” không cân sức này được nhiều người trên phố ghi lại, trong đó, cư dân mạng từng bày tỏ ám ảnh với lời khẩn cầu của người đàn ông da màu rằng mình không thể thở được khi bị cảnh sát khống chế trong gần 9 phút. Floyd từ từ im lặng và lịm dần. Video này cũng được chiếu trong phiên xét xử, cùng với đó, công tố viên khẳng định trước bồi thẩm đoàn “hãy tin những gì các vị đang thấy” và cứ thế, video được chiếu nhiều lần, phân tích từng khung hình, theo AP.

Sau cái chết của Floyd, các cuộc biểu tình và cả bạo lực đã nổ ra ở Minneapolis cũng như nhiều nơi khác tại Mỹ. Thậm chí, nhiều khu vực phải áp đặt lệnh giới nghiêm, huy động lực lượng Vệ binh quốc gia để ổn định tình hình. Trong những tháng sau đó, nhiều bang và thành phố đã hạn chế việc sử dụng vũ lực của cảnh sát, cải tổ hệ thống thực thi pháp luật hoặc buộc các sở cảnh sát giám sát các sĩ quan của mình chặt chẽ hơn.

“Bức tường xanh im lặng” thường bảo vệ cảnh sát bị buộc tội oan sai đã sụp đổ sau cái chết của Floyd, Reuters nhận định. Cảnh sát trưởng Minneapolis nhanh chóng gọi đây là một “vụ giết người” và sa thải cả 4 viên cảnh sát có liên quan. Chính quyền thành phố đã đạt được thỏa thuận bồi thường đáng kinh ngạc lên đến 27 triệu USD với gia đình Floyd.

Phán quyết được đưa ra hôm 20/4 và những diễn biến tiếp sau sẽ là tiếp tục là một cuộc thử lửa đối với chính quyền Biden. Ông Biden từng cam kết chống lại nạn phân biệt chủng tộc, giúp đỡ những người Mỹ gốc Phi đã ủng hộ ông trong cuộc bầu cử năm ngoái. Tuy vậy, Tổng thống Mỹ thứ 46 trước đây từng tuyên bố là một đồng minh của cảnh sát, lực lượng đang phải đối mặt với những lời chỉ trích về các chiến thuật, phương pháp huấn luyện và những khó khăn trong tuyển dụng.

Trong khi đó, các nghị sĩ từ hai đảng của Quốc hội Mỹ bày tỏ tin tưởng rằng phán quyết có thể tạo động lực cho luật cải cách lực lượng cảnh sát đã được đề xuất ở cả Hạ viện và Thượng viện. Thượng nghị sĩ da màu Tim Scott từ Nam Carolina cho rằng “đây là một ngày hoành tráng” và rằng “phán quyết sẽ củng cố hệ thống tư pháp trở nên công bằng hơn”.

Nhiều nhà lập pháp của Mỹ đã cùng theo dõi, hồi hộp chờ đợi phán quyết được đưa ra. Hạ nghị sĩ Hank Johnson từ bang Georgia cho biết, “căn phòng tràn ngập cảm xúc và lòng biết ơn. Bồi thẩm đoàn đã thực sự quan tâm đến mạng sống của người da màu. Tôi rất hài lòng với phán quyết và đây là sự minh hoan cho công lý tại Mỹ”.

Nhận định của ông Biden được giới quan sát ủng hộ, bởi phân biệt chủng tộc và cách hành xử bạo lực của cảnh sát ở Mỹ là vấn đề không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Căng thẳng vẫn bộc phát tại các thành phố của Mỹ, đặc biệt là sau vụ một thanh niên da màu bị bắn chết tại Brooklyn Center hôm 11/4.

Trong vụ việc này, một nữ cảnh sát đã nhầm súng thật với súng điện, dẫn đến cái chết của thanh niên 20 tuổi tên Daunte Wright. Tuy vậy, phán quyết này vẫn đủ để khiến nhiều người dân Mỹ, đặc biệt là người da màu, “thở phào nhẹ nhõm”, trút bỏ phần nào nỗi lo lắng bị dồn nén bấy lâu và “hít một hơi tràn đầy cảm giác hy vọng”, dù chỉ là thoáng qua, hãng tin AP nhận định.

Tiến Dũng
.
.
.