Trao quyền tự trị cho hai tỉnh miền Đông Ukraine:

Bước đi nhằm củng cố tiến trình hòa bình

Thứ Năm, 18/09/2014, 01:17
Quốc hội Ukraine ngày 16/9 đã phê chuẩn dự luật trao quy chế tự quản đặc biệt trong vòng ba năm cho hai tỉnh miền Đông Donetsk và Lugansk, theo đề xuất trước đó của chính phủ nhằm chấm dứt cuộc xung đột đẫm máu ở khu vực này. Bên cạnh đó, các nghị sỹ trong quốc hội cũng thông qua một luật ân xá cho chiến binh của hai phía trong cuộc xung đột kéo dài 5 tháng qua giữa các lực lượng chính phủ và phe ly khai.
>> Bất chấp lệnh ngừng bắn, NATO bắt đầu cung cấp vũ khí cho Kiev

Quyết định này của Quốc hội Ukraine sẽ mở đường cho một tiến trình phân cấp chính quyền trên cả nước theo đề xuất ngày 15/9 của Tổng thống Petro Poroshenko, dựa theo các điều khoản của một kế hoạch hòa bình đạt được với Nga hôm 5/9. Dự luật do ông Poroshenko đề xuất nhằm chấm dứt 5 tháng xung đột vũ trang tại miền Đông. Dự luật đưa ra những quy định chính cho hai tỉnh trên, bao gồm ân xá cho những người tham gia các sự kiện tại hai tỉnh, được sử dụng tiếng Nga trong các cơ quan chính quyền và tiến hành bầu cử địa phương ở khu vực miền Đông vào ngày 7/12 tới.

Tổng thống Poroshenko và Chủ tịch Nghị viện châu Âu, ông Martin Schulz, gọi đây là ngày lịch sử. Trong một tuyên bố, ông Poroshenko nói: “Tôi bị thuyết phục bởi niềm tin rằng, những gì mà chúng ta có được hôm nay sẽ giúp cho tiến trình hòa bình tại Ukraine không đi chệch hướng. Tôi không hề nghi ngờ khi nói rằng, chúng ta đang tiến gần hơn đến tình huống là không còn ai ở miền Đông Ukraine còn phải đổ máu nữa. Người dân ở hai tỉnh Donetsk và Lugansk sẽ có cơ hội để bầu chọn nhà chức trách mới và với những nhà chức trách mới này, chúng ta có thể tìm được tiếng nói chung và cùng nhau mang lại hòa bình cho Ukraine”.

Còn theo bà Valentina Matvienko, mặc dù đây là một bước đi đúng đắn nhằm củng cố tiến trình hòa bình tại Ukraine, nhưng cần phải nghiên cứu kỹ văn kiện này cũng như phản ứng của chính quyền địa phương Donetsk và Lugansk. Theo bà, đây chính là yêu cầu của người dân Lugansk và Donetsk chứ không phải là một sự ly khai và hiện là lúc cần phải xây dựng lòng tin giữa các bên xung đột. Đồng quan điểm, hai nước “Cộng hòa nhân dân” Donetsk và Lugansk cũng đánh giá tích cực việc Quốc hội Ukraine thông qua dự luật và coi đó là sự phát triển tích cực tiến trình hòa bình Minsk. Tuy nhiên, lãnh đạo của cả nước này đều khẳng định cần phải nghiên cứu kỹ văn kiện này trước khi có tuyên bố chính thức.

Trong khi đó, đại diện cơ quan phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố việc thông qua dự thảo luật về quy chế đặc biệt nói trên phù hợp với kế hoạch hòa bình Minsk. Còn về phía Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này Marie Harf tuyên bố Mỹ hoan nghênh dự luật ân xá và trao quy chế đặc biệt cho một số khu vực thuộc hai tỉnh Donetsk và Lugansk, cho rằng đây là việc thực hiện hai cam kết quan trọng của Kiev khi ký thỏa thuận Minsk ngày 5/9 về ngừng bắn tại miền Đông Nam Ukraine.

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko và bản thỏa thuận FTA với EU. Ảnh: AP.

Cũng trong ngày 16/9, trong một động thái được xem là bước đi đầu tiên hay bước đi quan trọng hướng tới đạt được quy chế thành viên của EU, Quốc hội Ukraine đã phê chuẩn thỏa thuận Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Ukraine và EU. Cùng ngày, với tỷ lệ 535 phiếu thuận, 127 phiếu chống và 35 phiếu trắng, Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu với tỷ lệ áp đảo thông qua thỏa thuận trên. Chủ tịch Quốc hội Ukraine Martin Schulz đã hoan nghênh việc thông qua thỏa thuận này, gọi đây là dấu mốc lịch sử của Ukraine. Còn Chủ tịch Nghị viện Châu Âu Martin Schulz thì gọi đây là một “thời khắc lịch sử”. Tuy vậy FTA giữa Ukraine và EU sẽ tạm hoãn thực thi tới tháng 12/2015 theo thỏa thuận đã được Nga, Ukraine và EU thông qua trước đó. Theo đó, EU sẽ vẫn giữ các ưu đãi thương mại tạm thời dành cho Ukraine trong thời gian này. Tức là phần lớn hàng hóa Ukraine nhập khẩu vào thị trường châu Âu vẫn sẽ được miễn thuế, song hàng hóa châu Âu nhập khẩu vào Ukraine sẽ tiếp tục phải nộp thuế. Theo nhận định của giới chuyên gia, việc thông qua thỏa thuận FTA lần này sẽ đưa Ukraine hướng tới phương Tây và rời xa Nga.

Trong một diễn biến mới nhất, ngày 17/9, Tổng thống Poroshenko đã lên đường thăm chính thức Canada và Mỹ trong nỗ lực tiếp tục kêu gọi sự ủng hộ của phương Tây đối với “chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”, đặc biệt là việc mở rộng các hoạt động hỗ trợ nhân đạo và tái thiết khu vực miền Đông. Theo giới phân tích, chuyến công du tới Canada và Mỹ của người đứng đầu nhà nước Ukraine trong bối cảnh khủng hoảng tại quốc gia Đông Âu chưa có dấu hiệu lắng dịu, bất chấp Quốc hội Ukraine vừa thông qua quy chế tự chủ đặc biệt cho vùng Donbass, được cho là bước ngoặt lịch sử, định hình đường lối ngoại giao của chính quyền Kiev đương nhiệm, cũng như quyết định tương lai của Donbass trong thời gian tới đây.

Hà Khổng
.
.
.