“Bóng đen” COVID-19 bao trùm mối quan hệ Mỹ - Trung

Thứ Bảy, 16/05/2020, 07:48
Đại dịch COVID-19 tiếp tục khoét sâu những mâu thuẫn vốn có và làm gia tăng những căng thẳng mới giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Và điều không may là vào thời điểm thế giới cần có sự dẫn dắt và quản lý thì hai cường quốc lớn nhất lại đang trong trạng thái đối đầu gay gắt.

Tác động tiêu cực đến quá trình hợp tác quốc tế

Trả lời phỏng vấn đài Fox Business Network, ngày 14/5 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố, ông có thể cắt đứt hoàn toàn quan hệ ngoại giao với Trung Quốc liên quan tới đại dịch COVID-19 và nước Mỹ sẽ tiết kiệm được 500 tỉ USD nếu hành động như vậy. 

Ông nói: “Chúng tôi có nhiều thứ có thể làm. Chúng tôi có thể cắt hoàn toàn quan hệ (với Trung Quốc). Nếu làm việc đó, điều gì sẽ xảy ra? Các bạn sẽ tiết kiệm được 500 tỷ USD. Hãy nhìn xem. Tôi từng nói trong năm nay, cũng như nói với một số nước khác, rằng Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất gây phương hại cho chúng ta”. 

Theo Tổng thống Mỹ, 500 tỷ USD chính là qui mô khoản thâm hụt thương mại của Washington với Bắc Kinh. Khi được hỏi ông có nói chuyện với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong thời gian gần đây hay không, người đứng đầu Nhà Trắng nói: “Không. Tôi có mối quan hệ rất tốt, nhưng lúc này tôi không muốn nói chuyện với ông ấy”. 

Tổng thống Donald Trump cũng cho rằng, sự thất bại của Trung Quốc trong việc ngăn chặn COVID-19 đã khiến thỏa thuận thương mại giữa hai nước hồi tháng 1 trở nên u ám cho dù thỏa thuận này được Mỹ xem là một thành tựu quan trọng. 

“Họ đáng lẽ không được để chuyện này xảy ra. Tôi đã đàm phán một thỏa thuận thương mại tuyệt vời và giờ tôi không cảm thấy nó giống như trước nữa. Mực còn chưa khô và dịch bệnh đã tràn đến”, ông khẳng định. 

Giờ đây, khi COVID-19 đe dọa xóa sổ thành tựu kinh tế, Tổng thống Donald Trump coi việc đối đầu với Trung Quốc là thành tố trung tâm trong chiến lược tái cử nhằm đánh bại ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden.

Về phía Trung Quốc, Bắc Kinh phản bác tất cả cáo buộc về đại dịch khi nhấn mạnh, nước này luôn minh bạch trong cuộc chiến chống COVID-19 và đã hợp tác chặt chẽ với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). 

Trong cuộc họp báo ngày 14/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên kêu gọi Washington ngừng tấn công Bắc Kinh, mà thay vào đó tập trung bảo vệ công dân của mình và đóng góp nhiều hơn cho hợp tác toàn cầu chống dịch COVID-19. 

Quan chức này nói: “Chúng tôi hy vọng Mỹ có thể đáp ứng kịp thời các mối quan tâm của người dân một cách cởi mở, minh bạch, có trách nhiệm và thực hiện các biện pháp thiết thực, hiệu quả để đảm bảo cuộc sống và sức khỏe của người dân, thay vì chỉ đổ lỗi cho người khác”.

Với tư cách là hai nền kinh tế đầu tàu thế giới, những tranh cãi liên quan đến dịch COVID-19 không chỉ có tác động tiêu cực trực tiếp đến mối quan hệ của hai nước mà còn ảnh hưởng lớn đến quá trình hợp tác quốc tế trong ứng phó với các thách thức toàn cầu. 

Bằng chứng là hôm 7/5 vừa qua, Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) kêu gọi ngừng bắn trong các cuộc xung đột khu vực trên thế giới đã gặp trở ngại do tranh cãi giữa hai nước liên quan đến WHO. Nguyên nhân được cho là bởi Mỹ chống lại nội dung kêu gọi ủng hộ hoạt động của WHO trong toàn bộ thời gian đại dịch. Trong khi đó, Trung Quốc kiên quyết rằng HĐBA cần đề cập và ủng hộ hoạt động của tổ chức này.

Quan hệ Mỹ - Trung bị “phủ bóng đen” vì đại dịch COVID-19. Ảnh: Reuters .

Và nhân tố châu Âu trong mối quan hệ Mỹ - Trung

Đại dịch COVID-19 là cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng chưa từng có tiền lệ với nhiều tác động nghiêm trọng đối với tăng trưởng kinh tế, việc làm, sức khỏe và sinh kế của mọi quốc gia trên thế giới. 

Điều không may là vào thời điểm thế giới cần có sự dẫn dắt và quản lý thì hai cường quốc lớn nhất là Mỹ và Trung Quốc lại đang đổ lỗi cho nhau về dịch bệnh, trong khi các thể chế đa phương như WHO hay Ngân hàng Thế giới (WB) lại chưa thể thực hiện vai trò dẫn dắt nhằm đem lại một cách tiếp cận có phối hợp hơn để giải quyết các thách thức. 

Mỹ đổ lỗi cho Trung Quốc che giấu thông tin về dịch bệnh và WHO quá chú tâm vào Trung Quốc. Trong khi đó, Bắc Kinh đổ lỗi cho “phương Tây” về sự chần chừ khi phản ứng và lãng phí thời gian quý báu mà nước này đã mang lại thông qua các chính sách phong tỏa mạnh mẽ ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. 

Sự đổ lỗi lẫn nhau này đã gia tăng trong những tuần qua. Cuộc chiến này giữa Mỹ và Trung Quốc là sự mở rộng các cuộc chiến địa chính trị rộng lớn hơn của họ vốn được bắt đầu từ trước khi đại dịch xảy ra.

Cho đến nay, châu Âu đã cố gắng không bị cuốn vào tình trạng đối địch Mỹ-Trung, nhưng đã có những dấu hiệu cho thấy giờ đây châu Âu đang cảm thấy rằng họ cần phải kiềm chế Trung Quốc trong cuộc chiến này. 

Châu Âu hiện đang thiếu một chiến lược gắn kết đối với Trung Quốc nên hiện giờ vẫn đang bị chia rẽ về cách thức can dự với nước này về mặt chiến lược. Tuy nhiên, một điều là rõ ràng đối với họ, cuộc “chiến tranh về nhận thức” giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ ngày càng không có lợi cho châu Âu. 

EU, giống như nhiều nước khác ở châu Á, đã tìm cách không lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc và kể từ khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, lục địa này đã nói về việc phát triển sự tự trị chiến lược. 

Các nước như Đức và Anh trước đó đã bất chấp sức ép của Mỹ cấm hợp tác với Công ty Công nghệ Huawei của Trung Quốc và tìm cách cân bằng giữa đồng minh truyền thống của họ là Mỹ với đối tác kinh tế ngày càng không thể thiếu là Trung Quốc. 

Tuy nhiên, một số nhà lãnh đạo EU đã tỏ rõ rằng, châu Âu không còn có thể dựa vào Mỹ. Đồng thời, người châu Âu cũng thận trọng hơn đối với sự phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế. Các mối quan hệ về thương mại và đầu tư với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã bắt đầu được xem xét lại. 

Thận trọng trước sự xâm nhập hơn nữa của Trung Quốc vào châu Âu, các chuyên gia đã hối thúc các nước EU mua cổ phần trong các công ty châu Âu để chống lại mối đe dọa bị Trung Quốc thâu tóm trong bối cảnh đại dịch COVID-19. 

Không giống như Mỹ, EU không hướng tới việc tách khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên, một mức độ “giãn cách xã hội” nào đó có thể diễn ra nếu Trung Quốc tiếp tục thể hiện sức mạnh của mình một cách khoe khoang. 

Quan hệ EU-Trung Quốc sẽ tiến triển như thế nào phụ thuộc phần lớn vào hai nhân tố: EU sẽ vượt ra khỏi cuộc khủng hoảng dịch bệnh này một cách mạnh mẽ hay yếu ớt hơn; và liệu ông Donald Trump sẽ tái cử Tổng thống Mỹ trong nhiệm kỳ 4 năm nữa hay không?

Sự đoàn kết của châu Âu có ý nghĩa vô cùng quan trọng để giải quyết thách thức trước mắt là đại dịch COVID-19 và để EU thực sự trở thành một bên tham gia chiến lược.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.