Biển Đông “nóng” tại phiên điều trần Ủy ban quân vụ Thượng viện Mỹ

Thứ Năm, 25/02/2016, 08:09
Tại buổi điều trần trước Ủy ban quân vụ Thượng viện Mỹ hôm 23-2, các nghị sĩ Mỹ đã lên tiếng những hành động đơn phương, trái pháp luật của Trung Quốc trên Biển Đông. Đồng thời, giới chức quân sự Mỹ cũng đã đề xuất triển khai nhiều hoạt động mới để giám sát các động thái của Trung Quốc.


Theo tin từ hãng Fox News của Mỹ, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc vẫn tiếp tục làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông bằng những hành động đơn phương vi phạm pháp luật. Mới đây nhất là vào ngày 23-2, Trung Quốc đã triển khai các máy bay chiến đấu đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Cùng với hệ thống tên lửa phòng không triển khai trước đó hơn một tuần, Trung Quốc đang thực sự muốn biến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thành một căn cứ quân sự riêng của nước này. Các báo cáo của cơ quan tình báo Mỹ cũng khẳng định, máy bay chiến đấu được Trung Quốc triển khai là loại J-11 và Xian JH-7.

Chưa hết, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho rằng, việc triển khai các cơ sở quân sự trên các đảo nhân tạo mà nước này bồi lấn và xây dựng trái phép trong quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là “cần thiết và hợp pháp”. Tuy nhiên, những luận điệu này đều đã bị phía Mỹ bác bỏ một cách mạnh mẽ.

Trong khi đó, tại cuộc điều trần trước Ủy ban quân vụ Thượng viện Mỹ hôm 23-2, các nghị sĩ hàng đầu của Mỹ như Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Jack Reed đều chỉ trích hành động của Trung Quốc. Thượng nghị sĩ John McCain tuyên bố rằng, cách hành xử của Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh không hề có ý định đóng vai trò là “một bên có trách nhiệm” tại châu Á - Thái Bình Dương.

Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ thì cảnh báo về việc Trung Quốc đang gia tăng các hoạt động đơn phương trên Biển Đông nhằm hiện thực hóa “đường lưỡi bò” mà nước này tự vẽ ra. Đặc biệt, việc Bắc Kinh thực hiện nhiều hoạt động mang tính chất củng cố sự hiện diện quân sự ở Biển Đông càng khiến cho tình hình ở khu vực này trở nên phức tạp.

Các hình ảnh thu được từ vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang đẩy nhanh các hoạt động xây đảo trên Biển Đông.

Đô đốc Harry Harris đã kêu gọi chính quyền Washington bãi bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận bán vũ khí cho Việt Nam. Đô đốc Harry Harris lập luận rằng, khi dỡ bỏ lệnh cấm vũ khí đối với Việt Nam, quan hệ Mỹ - Việt Nam sẽ được cải thiện và hai bên có nhiều cơ hội để hợp tác chặt chẽ với tư cách là đối tác an ninh.

Đồng quan điểm với Đô đốc Harry Harris, Thượng nghị sĩ John McCain cũng đề nghị Mỹ có biện pháp cứng rắn đối với Trung Quốc như áp đặt lệnh trừng phạt đối với các công ty Trung Quốc liên quan đến việc cải tạo đất, gây bất ổn và hủy hoại môi trường ở Biển Đông.

Trên thực tế, trong vòng 2 tháng đầu năm 2016, Trung Quốc đã gia tăng hoạt động xây đảo nhân tạo ở Biển Đông. Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Quốc tế (CSIS) hôm 23-2 cũng đã công bố một loạt hình ảnh cho thấy, Trung Quốc đặt hệ thống radar tần số cao trên bãi Châu Viên, xây dựng các ụ pháo, boong-ke, cầu cảng làm gia tăng nguy cơ đối đầu trong khu vực.

Báo chí Đức thì thông tin rằng, máy bay chiến đấu của Trung Quốc được đưa tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đúng vào thời điểm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc  Vương Nghị tới thăm người đồng cấp Mỹ John Kerry ở thủ đô Washington. Điều này cho thấy, Trung Quốc không quan tâm hay lo ngại đến những phản đối của Mỹ đối với nước này trong vấn đề Biển Đông.

Các tờ báo này cũng nhấn mạnh, “Biển Đông là tuyến đường biển quốc tế quan trọng đối với thương mại thế giới và cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc với các nước trong khu vực về quyền sở hữu một số đảo tại đây sẽ đe dọa, cản trở hoạt động thương mại cũng như hòa bình trong khu vực”.

Trong một diễn biến khác, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ đã tuyên bố nhóm họp cấp cao ngoại giao tại thủ đô Tokyo và ngày 26-2 tới để tìm cách tái khẳng định quan hệ hợp tác an ninh trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng có hành động quyết đoán trên biển. Australia còn công bố một tài liệu dài 7 trang đưa ra các điểm chính hướng dẫn các quan chức chính phủ và nghị sĩ nước này thống nhất khi trả lời các câu hỏi về tình hình căng thẳng gia tăng ở Biển Đông sau hành động leo thang của Trung Quốc.

Tài liệu này nêu rõ, Australia có lợi ích hợp pháp trong việc duy trì hòa bình và ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế, các hoạt động thương mại, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Còn tại Philippines, Tư lệnh Quân khu miền Tây Philippines, Đô đốc Alexander Lopez tuyên bố, nước này đã chuẩn bị sẵn sàng đối mặt với tình huống xấu nhất có thể xảy ra tại khu vực Biển Đông, đồng thời tiếp tục theo dõi mọi động thái liên quan của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).

Huyền Chi
.
.
.