Báo chí nước ngoài viết về hoạt động cải tạo của Trung Quốc ở Biển Đông

Thứ Ba, 03/03/2015, 05:42
Từ trung tuần tháng 2 đến nay, dư luận thế giới xôn xao về hoạt động cải tạo ở Biển Đông của Trung Quốc. Theo nhận định của các học giả, những nhà nghiên cứu và cơ quan tình báo nước ngoài, hành động này nằm trong “nỗ lực hung hăng” nhằm hiện thực hóa yêu sách “đường lưỡi bò” ôm trọn Biển Đông.

“Bàn đạp ở Biển Đông”

Trong bối cảnh tình hình ở Biển Đông lại đang nóng lên với những hành động đơn phương của Trung Quốc, hôm 26/2, Ủy ban quân vụ Thượng viện Mỹ đã tổ chức một cuộc điều trần về các mối đe dọa trên toàn cầu. Đích thân Giám đốc tình báo quốc gia Mỹ James Clapper đã trả lời các câu hỏi liên quan đến vấn đề Biển Đông. Theo đó, Mỹ lo ngại về hành động thay đổi hiện trạng các đảo đá ở Biển Đông của Trung Quốc.

Để bổ sung cho lời nói của Giám đốc Cơ quan tình báo, Chủ tịch Ủy ban quân vụ Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ John McCain cũng đưa ra những hình ảnh thương mại cho thấy, Trung Quốc đã mở rộng bãi đá Gaven ở quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam từ năm 2014.

Quan điểm của Chủ tịch Ủy ban quân vụ Thượng viện và Giám đốc Cơ quan tình báo Mỹ là những hành động nói trên cùng với việc triển khai trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là “xu hướng đáng lo ngại” và cần phải ngăn chặn ngay lập tức.

Điều đáng chú ý là không chỉ có Mỹ, mà nhiều quốc gia khác cũng đã bày tỏ quan ngại xung quanh vấn đề này. Chẳng hạn như ở Anh, giới truyền thông đã có nhiều bài phân tích hành động của Trung Quốc và cho rằng, việc xây dựng đảo nhân tạo ở Biển Đông của Trung Quốc nhằm tạo bàn đạp cho Bắc Kinh mở rộng phạm vi hoạt động của lực lượng hải quân, không quân, tuần duyên và ngư chính trong khu vực này. Và như hãng Reuters bình luận, nếu Trung Quốc hoàn thành việc xây hải cảng, các điểm tiếp dầu và đường băng thì nước này có thể “uy hiếp” toàn Biển Đông.

Đồng quan điểm này, tác giả Jean Licourt đã có một bài trên tờ Le Figaro của Pháp, chỉ rõ, Trung Quốc xây đảo nhân tạo để xác định sự chiếm đóng trên khu vực chiến lược đang có nhiều tranh chấp.

Còn hãng RFI thì tổng hợp các ý kiến của những chuyên gia trên thế giới để chỉ ra 2 ý đồ của Trung Quốc trong việc bồi đắp đảo nhân tạo. Đầu tiên là ý đồ quân sự, bởi theo đánh giá của GS Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia, mỗi đảo nhân tạo được Trung Quốc xây dựng như “một tàu sân bay không thể đánh chìm” và chúng không chỉ là kho tiếp nhiên liệu cho các chiến hạm, mà còn là nơi cung cấp hậu cần và điểm dừng cho các tàu đánh cá hay tàu cảnh sát biển của Trung Quốc.

Ý đồ thứ 2, theo nhiều nhà phân tích, là giống như những gì đã xảy ra ở Biển Hoa Đông, Trung Quốc có thể tuyên bố thành lập Vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông sau khi các cơ sở này được hoàn tất và điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến an ninh và hoạt động hàng hải trong khu vực này.

Bức ảnh chụp từ vệ tinh chỉ rõ khu vực nơi Trung Quốc có hoạt động bồi đắp đảo và xây đường băng ở Biển Đông. (ảnh: CNES 2014)

Phải tôn trọng luật pháp quốc tế

Biển Đông được đánh giá là biển lớn thứ 4 thế giới và có vị trí chiến lược về an ninh hàng hải. Nơi đây là điểm giao giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương; là khu vực giao thương giữa châu Âu và châu Á, chiếm gần 1/3 hoạt động thương mại hàng hải thế giới. Đặc biệt, Biển Đông còn được nhận định là nơi có trữ lượng dầu mỏ khá dồi dào. Từ cuối những năm 1980, Trung Quốc đã muốn mở rộng hoạt động và chủ quyền ở đây.

Theo các nhà quan sát, trong những năm gần đây, Trung Quốc không chỉ ngày càng tỏ rõ ý đồ của mình, mà còn thể hiện bằng những hành động đơn phương. Điển hình nhất là việc cấm hoạt động đánh bắt cá trên Biển Đông trong một thời gian nhất định và hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Nếu những hành động kiểu này vẫn tiếp diễn, sẽ tạo ra tiền đề xấu trong việc giải quyết mâu thuẫn trong các vùng biển tranh chấp và đe dọa đến an ninh cũng như hoạt động hàng hải.

Trong bài viết đăng trên nhật báo Straits Times của Singapore, cựu Phó Giám đốc Trung tâm Luật quốc tế thuộc Đại học quốc gia Singapore Navin Rajagobal đã kêu gọi đề cao việc tôn trọng luật pháp quốc tế ở Biển Đông. So sánh bản đồ “đường lưỡi bò” của Trung Quốc với nguyên tắc mare clausum (biển gần) mà người Bồ Đào Nha áp dụng những năm 1600, ông Navin Rajagobal nhấn mạnh: “Chúng ta phải thúc đẩy sự phát triển của luật pháp quốc tế, tôn trọng các nguyên tắc, quy tắc đã đề ra và cả  Công ước quốc tế của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS)”.

Trong khi đó, Chính phủ Singapore kêu gọi các quốc gia tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông cùng giải quyết các tranh chấp thông qua những định chế quốc tế như ASEAN, Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) và Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF). Nhiều quốc gia khẳng định, không được sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp và dù là nước lớn hay nước nhỏ đều phải tôn trọng, thực thi theo đúng các quy định của luật pháp quốc tế.

Huyền Chi (tổng hợp)
.
.
.