An ninh tại nhiều nước được thắt chặt sau thảm kịch Ataturk

Thứ Sáu, 01/07/2016, 08:16
Sau khi xảy ra vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhằm vào sân bay quốc tế Ataturk ở thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ hôm 28-6 khiến ít nhất 41 người thiệt mạng và hơn 200 người bị thương, nhiều nước đã ngay lập tức tăng cường các biện pháp an ninh nhằm tránh xảy ra vụ việc tương tự.

Trong khi đó, nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ cập nhật những thông tin mới cho biết, hơn 100 người trong tổng số 239 người bị thương đã được xuất viện.

Các chuyên gia an ninh Australia ngày 30-6 cảnh báo những sân bay lớn của nước này cần áp dụng các biện pháp tăng cường an ninh. Cụ thể, các sân bay cần cân nhắc việc hạn chế những người không phải là hành khách tập trung ở các sảnh sân bay, sử dụng công nghệ nhận dạng mặt và tăng cường an ninh ở các cửa ra vào sân bay.

Theo Tiến sỹ Anthony Bergin, Phó Giám đốc Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI), việc hạn chế người thân của các hành khách tới sân bay cũng có thể cần thiết vì tập trung đông người sẽ dễ dẫn đến các hành động khủng bố. 

Người đứng đầu bộ phận An ninh Biên giới của ASPI, Tiến sỹ John Conyne khuyến cáo nhà chức trách nên có những biện pháp ứng phó sau vụ tấn công tại Thổ Nhĩ Kỳ, theo đó tạo một lối đi để hành khách di chuyển nhanh chóng và an toàn hơn. 

Trong khi đó, theo chuyên gia Gavin Queit thuộc Tập đoàn tư vấn an ninh GK Solutions, những sân bay đông đúc dễ trở thành mục tiêu tấn công và chính phủ các nước cũng như giới chức sân bay cần ưu tiên giảm đến mức tối thiểu ảnh hưởng trong trường hợp xảy ra tấn công.

Trước đó, hôm 29-6, Cảnh sát Liên bang Australia (AFP) đã tăng cường hiện diện tại các khu vực công cộng ở những sân bay lớn và chính phủ liên tục xem xét thực hiện các biện pháp an ninh mới tại các sân bay. Cùng ngày, Chính phủ Thái Lan đã ra lệnh tăng cường kiểm soát an ninh ở mức cao nhất tại tất cả các sân bay, bến xe, nhà ga tàu hỏa trên toàn quốc sau vụ tấn công khủng bố ở Istanbul. Các cơ quan an ninh Thái Lan đã quyết định áp dụng các biện pháp thắt chặt an ninh này do lo ngại xảy ra các vụ tấn công của các phần tử cực đoan.

Bộ trưởng Giao thông Thái Lan Arkhom Termpittayapaisith cho biết, an ninh đặc biệt được thắt chặt tại các sân bay với việc triển khai một lực lượng lớn cảnh sát và binh lính mặc quân phục hoặc thường phục và tất cả các hoạt động giám sát an ninh này được điều phối bởi một bộ chỉ huy an ninh hỗn hợp các lực lượng. Cũng trong ngày 29-6, Chính phủ Indonesia cho biết sẽ tăng cường an ninh tại các sân bay và hải cảng ở nước này. Bộ trưởng Giao thông Indonesia Ignatius Jonan cho hay: “Chúng tôi sẽ nâng an ninh ở các sân bay lên mức vàng. Đây là mức báo động. An ninh của chúng tôi sẽ được đặt ở cấp độ cao hơn”.

Cũng liên quan tới vụ tấn khủng bố đẫm máu tại Istanbul, chia sẻ quan điểm với Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim, Giám đốc Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) John Brennan nhận định, vụ việc mang “dấu ấn” của cái gọi là Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Việc IS chưa lên tiếng thừa nhận đứng sau vụ tấn công nhằm tránh ảnh hưởng đến hoạt động chiêu mộ tại Thổ Nhĩ Kỳ trong khi vẫn gửi được thông điệp tới Ankara.

Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ tuần tra tại sân bay Ataturk.

Ông Brennan cũng cảnh báo nguy cơ IS đang âm mưu thực hiện những vụ tấn công tương tự tại Mỹ. Trong khi đó, Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cho biết, trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Tổng thống Barack Obama bày tỏ lời chia buồn sâu sắc tới Ankara đồng thời cam kết hỗ trợ người dân và chính phủ nước này trong công tác điều tra và tăng cường an ninh. Washington sẽ cung cấp cho Ankara mọi thông tin hữu ích cho công tác điều tra. Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara đã lên tiếng kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) biến những cam kết của mình thành hành động cụ thể sau vụ khủng bố.

Bộ trưởng các vấn đề EU của Thổ Nhĩ Kỳ Omer Celik khẳng định nước này “cảm kích” trước sự hỗ trợ của EU, song Thổ Nhĩ Kỳ cần nhiều hơn là lời nói: “Một lần nữa, Brussels đã gửi đi những lên án mạnh mẽ vụ tấn công khủng bố. Tôi cảm ơn EU vì sự ủng hộ và đoàn kết của họ với Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng tôi sẽ tiếp tục cuộc chiến chống khủng bố không do dự tại Thổ Nhĩ Kỳ. Và chúng tôi muốn EU biến những tuyên bố của mình thành các hành động cụ thể”. Trong một diễn biến liên quan, ngày 30-6, cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã tạm giữ 13 đối tượng tình nghi liên quan tới vụ tấn công khủng bố trên, trong số này có 3 người nước ngoài.

Báo Hurriyet của Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin, một trong 3 người này là Osman Vadinov, một công dân Chechnya (nước cộng hòa thuộc Nga). Tên này được cho là đã ở khu vực Raqa (Syria), địa bàn do tổ IS tự xưng kiểm soát trước khi tới Thổ Nhĩ Kỳ.

Việt Nam lên án vụ tấn công khủng bố tại Thổ Nhĩ Kỳ

Ngày 30-6, trước vụ tấn công khủng bố xảy ra ngày 28-6 tại sân bay Ataturk, Thổ Nhĩ Kỳ, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết: “Chúng tôi xin gửi tới gia đình những người bị nạn, Chính phủ và nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ lời chia buồn sâu sắc nhất. Việt Nam lên án vụ khủng bố và tin tưởng rằng những kẻ chủ mưu sớm bị trừng phạt thích đáng”.

Minh Nhật

Nga và Israel bình thường hóa quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ

Ngày 29-6, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố quyết định bắt đầu tiến trình bình thường hóa quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ và cho biết Nga sẽ giảm các hạn chế hành chính trong lĩnh vực du lịch đối với Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông chủ Điện Kremlin đưa ra quyết định này sau cuộc điện đàm cùng ngày với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Tổng thống Putin đã thông báo với Chính phủ Nga rằng, sau bức thư của Tổng thống Erdogan xin lỗi về việc không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Su-24 của Nga, ông đã quyết định bắt đầu tiến trình bình thường hóa quan hệ với Ankara. Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí tổ chức một cuộc gặp trực tiếp trong thời gian sớm nhất có thể.

Cùng ngày, nội các an ninh Israel đã thông qua một thỏa thuận đạt được với Thổ Nhĩ Kỳ cuối tuần qua về việc bình thường hóa các mối quan hệ song phương sau 6 năm đổ vỡ.

Trần Linh

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.