Tháo gỡ ngòi nổ, nhìn từ các cuộc đàm phán lịch sử

Thứ Ba, 21/08/2018, 15:57
Chỉ trong thời gian ngắn vừa qua, thế giới đã liên tục được chứng kiến những cuộc đối thoại được đánh giá là mang tính lịch sử giữa các quốc gia bấy lâu nay không có nhiều “cảm tình” gì với nhau.

Điều này phản ánh đúng xu thế “đối thoại hơn đối đầu” mà cả thế giới đang hướng tới.

Nga – Mỹ và bước đi tích cực được cả thế giới hoan nghênh

Ngày 16-7, tại Thủ đô Helsinki của Phần Lan, đã diễn ra cuộc gặp Thượng đỉnh lịch sử giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump. 

Sự kiện này được hai “người trong cuộc” cũng như cộng đồng quốc tế đánh giá là cuộc gặp thành công và hữu ích, mở ra tín hiệu tích cực đầu tiên về hy vọng cải thiện quan hệ song phương giữa hai nước Nga – Mỹ trong bối cảnh mối quan hệ này đang rơi xuống mức thấp nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh. 

Mặc dù không có bất kỳ Tuyên bố chung nào sau cuộc gặp ngày 16-7, song trong cuộc họp báo chung diễn ra sau đó, hai nhà lãnh đạo đã có những phát biểu mang tính tích cực. 

Tổng thống Vladimir Putin khẳng định, Nga và Mỹ có thể đóng vai trò dẫn đầu trong việc giải quyết khủng hoảng tại Syria, bày tỏ hoan nghênh vai trò của Tổng thống Donald Trump trong việc thúc đẩy giải quyết hòa bình vấn đề hạt nhân Triều Tiên, nhưng không quên nêu những lo ngại về việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran. 

Người đứng đầu Điện Kremlin cũng tái khẳng định Moscow đã, đang và sẽ không bao giờ can thiệp vào tiến trình bầu cử của Mỹ. Về phần mình, Tổng thống Mỹ mô tả cuộc gặp thượng đỉnh với người đồng cấp Nga là một cuộc đối thoại thẳng thắn, cởi mở và có tính xây dựng sâu sắc. 

Ông nói: “Quan hệ của chúng ta chưa bao giờ tồi tệ hơn bây giờ. Tuy nhiên, điều đó đã thay đổi. Khoảng 4 giờ trước đây”. 

Người đứng đầu Nhà Trắng nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại đối với Washington và Moscow cũng như toàn thế giới, đồng thời cho rằng, hai nước phải tìm ra cơ hội hợp tác nếu muốn cải thiện tình hình thế giới. 

Theo ông, quan hệ Nga - Mỹ đã được cải thiện qua hội nghị thượng đỉnh này và quan hệ ngoại giao với Nga là điều cần thiết. Về vấn đề mà đông đảo ý kiến chuyên gia đều đánh giá là “gai góc” liên quan đến cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ, Tổng thống Donald Trump cho rằng, đây chính là nguyên nhân khiến quan hệ giữa hai nước xấu đi vì hoàn toàn không có âm mưu nào như điều tra cáo buộc. 

Tổng thống Mỹ cũng cho biết, tới đây đại diện của Hội đồng An ninh Liên bang Nga và Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ sẽ sớm gặp gỡ để phát triển kết quả hội nghị Thượng đỉnh Helsinki.

Tổng thống Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Kim Jong-un cam kết sẽ tiếp tục đối thoại để hoàn tất việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Mỹ - CHDCND Triều Tiên và những điều không thể tưởng tượng

Bất chấp nhiều sóng gió, Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un đã trực tiếp gặp nhau, mặt đối mặt. Một hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều trong mơ đã thực sự diễn ra một cách an toàn trên đảo Sentosa ở Singapore vào ngày 12-6. 

Một hội nghị vĩ đại từ các chi tiết nhỏ nhất. Thành công của Hội nghị này là điều vô cùng đáng trân quý trong bối cảnh hai nước từng trải qua vài năm chiến tranh đẫm máu (1950-1953), Mỹ thực hành bao vây cấm vận với CHDCND Triều Tiên trong hàng thập kỷ, và hai nước đã nhiều lần rơi vào cuộc chiến ngôn từ đầy thù địch. 

Tại cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo bắt tay và nói chuyện với nhau rất thân thiện. Không những vậy, họ còn ra được Tuyên bố chung. Đây là những điều không thể tưởng tượng được trước đây. 

Tuyên bố chung Mỹ - Triều thực sự đã mở ra chương mới trong quan hệ hai nước và an ninh khu vực Đông Bắc Á cả về ngắn hạn và dài hạn. Hai bên cam kết hòa bình cho bán đảo Triều Tiên. 

Riêng Bình Nhưỡng tái khẳng định cam kết của họ về phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên.

Bày tỏ hoan nghênh đối với kết quả của cuộc gặp này, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in gọi đó là thành công lớn đưa toàn thế giới tránh khỏi nguy cơ chiến tranh: “Có rất nhiều quan điểm khác nhau về kết quả của Thượng đỉnh nhưng điều quan trọng nhất là thực tế rằng nó đã giúp cả thế giới, trong đó có người dân Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc thoát khỏi nguy cơ chiến tranh hạt nhân và tên lửa tầm xa”. 

Tổng thống Hàn Quốc cũng “tin tưởng rằng, chỉ riêng điều này thôi đã là một tiến triển rất ý nghĩa”.

Thượng đỉnh liên Triều cùng kết quả trong mơ

Cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều “lịch sử” lần thứ 3 hôm 27-4 đã kết thúc tốt đẹp với việc hai bên ký kết bản tuyên bố chung - “Tuyên bố Bàn Môn Điếm về Hòa bình, Thịnh vượng và Thống nhất trên bán đảo Triều Tiên”. 

Tuyên bố khẳng định hai bên sẽ nỗ lực chấm dứt các hoạt động thù địch và thiết lập nền hòa bình lâu dài và vững chắc trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời triển khai phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên (theo từng đợt). 

Tuyên bố cũng cho biết, hai bên sẽ ký kết một Hiệp ước Hòa bình để chấm dứt tình trạng chiến tranh trên lý thuyết giữa 2 miền bán đảo Triều Tiên, tạo dựng hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên và thúc đẩy việc hợp tác liên Triều... 

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho rằng, cuộc gặp lịch sử trên đã mang lại một thỏa thuận “giá trị” lớn, tạo ra một sự khởi đầu mới cho bán đảo Triều Tiên và thế giới. 

Đối với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, “mùa đông giá lạnh”, “cơn ác mộng” trong mối quan hệ liên Triều đã qua đi, để nhường lại chỗ cho “mùa xuân ấm áp” đến với thế giới.

Những diễn biến tích cực này nằm trong chuỗi các sự kiện bắt đầu từ bước ngoặt vào ngày 1-1-2018 khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un gửi thông điệp năm mới, trong đó ông để ngỏ khả năng đối thoại với Mỹ và gửi đoàn thể thao tới dự Thế vận hội mùa Đông ở Hàn Quốc. 

Sau bước ngoặt đó là dồn dập các sự kiện như các đoàn thể thao và nghệ thuật CHDCND Triều Tiên sang Hàn Quốc trong khuôn khổ Olympic mùa Đông 2018, rồi chuyến thăm Hàn Quốc của phái đoàn cấp cao Triều Tiên (vào tháng 2). 

Phía Hàn Quốc đáp lễ bằng việc gửi một phái đoàn cao cấp sang Bình Nhưỡng vào đầu tháng 3 – phái đoàn đã được phía Triều Tiên tiếp trọng thị. 

Sau đó đoàn nghệ thuật Hàn Quốc sang CHDCND Triều Tiên vào cuối tháng 3 để giao lưu và biểu diễn nghệ thuật. Tất cả các sự kiện này đều đong đầy cảm xúc và cả sự chân thành từ hai phía.

Khổng Hà
.
.
.