40 nghìn quân Mỹ-Nhật tham gia tập trận đổ bộ

Thứ Ba, 27/10/2020, 17:24
Hàng chục nghìn binh sĩ Mỹ và Nhật Bản sẽ bắt đầu cuộc tập trận đổ bộ quy mô lớn trên các đảo ở Thái Bình Dương trong tuần này, một phần của các hoạt động quân sự chung được xem là lời cảnh báo với Trung Quốc rằng Washington đứng về phía Tokyo trước yêu sách của Bắc Kinh đối với các đảo do Nhật Bản kiểm soát.
Tàu chiến JS Kaga tham gia cuộc tập trận Keen Sword. Ảnh Hải quân Mỹ. 

Phát biểu trên tàu chiến Nhật Bản ngày 26/10, Trung tướng Kevin Schneider, Tư lệnh Lực lượng Mỹ-Nhật Bản, cho biết các cuộc tập trận sẽ là minh chứng cho khả năng của liên minh Mỹ-Nhật “trong việc triển binh chiến đấu để bảo vệ quần đảo Senkaku hoặc ứng phó với các cuộc khủng hoảng hay tình huống bất thường khác”.

Cả Tokyo và Bắc Kinh đều tuyên bố chủ quyền quần đảo Senkaku, được Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, dù Nhật Bản đã quản lý quần đảo này từ năm 1972.

Căng thẳng trên chuỗi đảo đá không có người ở, nằm cách Tokyo gần 2.000 km về phía Tây Nam, đã được nung nấu trong nhiều năm, cả Nhật Bản và Trung Quốc đều không chịu lùi bước.

Trong năm qua, các tàu Trung Quốc đã xuất hiện các vùng biển xung quanh các đảo này trong thời gian lâu kỷ lục, một động thái khiến Tokyo hết sức lên án.

Các cuộc tập trận Mỹ-Nhật, mang tên Keen Sword 21, được tổ chức hai năm một lần trong hơn 30 năm qua. Cuộc tập trận năm nay kéo dài đến ngày 5/11.

Viễn cảnh đối đầu quân sự Nhật-Trung xung quanh vấn đề tranh chấp đảo càng có sức hút lớn hơn vì hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Nhật buộc Washington phải bảo vệ các đảo như một phần lãnh thổ của mình. Mỹ vẫn kiên định với cam kết đó, được tướng Schneider tái khẳng định trong tuyên bố ngày 26/10.

Vào tháng 7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đưa tranh chấp Senkakus vào một trong những vấn đề ở khu vực ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nơi ông cho rằng Trung Quốc đang “kích động tranh chấp lãnh thổ” và có hành vi “bắt nạt” các nước láng giềng châu Á.

Vì vậy, sự hiện diện quân sự khổng lồ của Mỹ và Nhật Bản ở Thái Bình Dương trong tuần này bổ sung thêm sức mạnh trực quan cho các tuyên bố rằng Tokyo và Washington sát cánh với nhau trong vấn đề Senkaku và hơn thế nữa.

Hạm đội bao gồm khoảng 9.000 lính Mỹ, một nhóm tấn công tàu sân bay Mỹ, hơn 100 máy bay quân sự Mỹ, hơn 37.000 lính Nhật Bản, một đội tàu chiến gồm 20 tàu chiến của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản, 100 máy bay quân sự Nhật Bản, cùng với một tàu khu trục nhỏ của Canada, tất cả tập trung trên các đảo xung quanh Okinawa, cách quần đảo Senkaku 400 km về phía Đông.

Kể từ khi nhậm chức hồi tháng 9, Thủ tướng Yoshihide Suga đã thúc đẩy chính sách vì một “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở”. Ông theo dõi chặt chẽ các hoạt động triển khai của hải quân Nhật Bản đến Biển Đông, đến thăm cả Việt Nam và Indonesia để tăng cường mối quan hệ của Nhật Bản với những nước cũng có tuyên bố chủ quyền trên vùng biển rộng lớn. Ông Suga cũng đã tái khẳng định mối quan hệ quốc phòng với Ấn Độ và Australia, cùng với Mỹ và Nhật Bản tạo thành một “bộ tứ”.

Mặc dù không phải là một liên minh quân sự chính thức như NATO, “bộ tứ” này được coi là đối trọng tiềm năng đối với ảnh hưởng và sự hung hăng ngày càng tăng Trung Quốc ở châu Á-Thái Bình Dương. Sự liên kết này đã bị Bắc Kinh tố cáo là một khối chống Trung Quốc.

Tàu chiến, máy bay chiến đấu của Mỹ, Canada và Nhật Bản tham gia cuộc tập trận. Ảnh Hải quân Mỹ. 

Lực lượng hải quân từ cả 4 quốc gia này sẽ tham gia cuộc tập trận Malabar quy mô lớn ở Ấn Độ Dương vào tháng tới.

Nhưng trước mắt, Trung Quốc có thể sẽ tập trung vào những gì đang diễn ra với cuộc tập trận Keen Sword.

Theo một tuyên bố từ Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ tại Hawaii, các lực lượng Mỹ và Nhật Bản “sẽ huấn luyện theo một kịch bản toàn diện nhằm tăng cường khả năng cần thiết hỗ trợ phòng thủ của Nhật Bản và ứng phó với một cuộc khủng hoảng hoặc tình huống bất thường ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.

Các bức ảnh do Hải quân Mỹ công bố ngày 26/10 cho thấy 16 tàu chiến Mỹ, Nhật Bản và Canada đang đi theo đội hình ở Biển Philippines khi cuộc tập trận Keen Sword bắt đầu.

Carl Schuster, cựu giám đốc chiến dịch tại Trung tâm Tình báo chung, Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, cho biết các cuộc tập trận quy mô lớn có “giá trị răn đe” đối với Trung Quốc. Những cuộc tập trận này cho thấy việc “chiếm giữ (đảo) sẽ không hề suôn sẻ hay không gặp bất kỳ thách thức nào”.

Corey Wallace, chuyên gia chính sách đối ngoại của Nhật Bản tại Đại học Kanagawa, cho biết rằng các cuộc tập trận đang cho thấy mức độ tương tác mới giữa quân đội Nhật Bản và Mỹ.

Ông Wallace cho biết, Mỹ sẽ gửi máy bay vận tải MV-22 Osprey lên tàu chiến lớn nhất Nhật Bản, JS Kaga. Đây có thể chỉ là bước đầu qua cho những gì quân đội hai nước có thể làm trong tương lai với máy bay chiến đấu tàng hình của họ.

Trong khi đó, với ít phô trương hơn nhiều, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đang thực hiện hai cuộc tập trận ở Biển Bột Hải và Hoàng Hải, theo một bài đăng trên trang web tiếng Anh chính thức của PLA. Bản chất của các cuộc tập trận không được tiết lộ.

Các cuộc tập trận này, dự kiến lần lượt ​​kết thúc vào ngày 10/11 và ngày 30/10, là những cuộc tập trận mới nhất trong vài tháng “bận rộn” của quân đội Trung Quốc, gần đây đã có tới 5 cuộc tập trận diễn ra.

Duy Tiến (Theo CNN)
.
.
.