Đau lòng vì con nghiện game

Thứ Ba, 17/11/2015, 08:30
Sáng 16/11, được sự động viên của các cơ quan, ban, ngành cũng như Công an phường Tân Hòa, ông T.A.T (51 tuổi, trú tại tổ dân phố 6, phường Tân Hòa, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) đã tháo sợi xích chân cho cậu con trai T.V.T. (14 tuổi, đang học lớp 8 Trường THCS Trần Bình Trọng) sau hơn 2 ngày dùng xích xích chân cậu bé vào cột nhà để “trị bệnh” nghiện… game.

Tiếp xúc với chúng tôi, ông T. cho biết: “Bất đắc dĩ tôi mới dùng đến biện pháp cuối cùng này”. Khi được chúng tôi hỏi về cách dạy con kỳ lạ vừa qua, ông T. cho biết: “Quá bực tức và quá nhiều lần con trai bỏ đi khỏi nhà vì chứng nghiện game mà tôi khuyên giải không được nên phải xích nó lại như vậy. Vì tôi sợ khi thả ra nó lại bỏ đi luôn”.

Rồi ông T kể, nhà vốn làm nông nên quanh năm vợ chồng ông phải lao động vất vả để nuôi các con ăn học. “Tôi không muốn con cái mình phải chịu cảnh cơ cực, ít học như cha mẹ nên đã dành cho chúng những gì tốt nhất. Chính vì vậy, khi con không nghe lời cha mẹ nên tôi buồn lắm”, ông T. cho biết thêm. Với giọng buồn bã, ông T. nói, đây là lần thứ 5 cậu con trai của ông bỏ nhà, bỏ học ra đi nhiều ngày và ở lại các quán game để “cày” thâu đêm.

Theo tìm hiểu của phóng viên, để đưa được cậu con trai sau khi bỏ nhà đi chơi game hơn 5 ngày vừa qua, ông T. đã phải huy động hơn 20 người là anh em, họ hàng trong gia đình tổ chức “vây bắt”.

 Sau khi đưa được cậu con trai về nhà, ông T. đã dùng một sợi xích xích chân cậu con trai vào cột trước hiên nhà. Đến giờ ăn, vợ chồng ông lại đưa đồ ăn ra cho con, còn việc ngủ, vệ sinh thì được để sẵn một cái bô bên cạnh. “Đây không phải là lần đầu tiên tôi xích chân cháu, mà trước đó, tôi đã nhiều lần làm việc này rồi. Sau mỗi lần như thế cháu có xin lỗi, hứa sửa chữa nhưng được vài hôm lại tiếp tục tái phạm”, ông T. tuyệt vọng nói.

Trao đổi với chúng tôi, cháu T. cho biết, ở nhà bố mẹ cũng đã mắc mạng Internet và mua máy tính cho cháu học tập và chơi game nhưng vì quá nghiện game Liên Minh mà ở nhà lại không có nên ra quán chơi. “Ở quán có bạn chơi cùng nên vui hơn. Với lại mỗi lần bỏ đi như thế cháu lại quên hết, bỏ cả học nên không dám về nhà vì sợ bố la đánh”, T. lí nhí tâm sự.

Để “trị bệnh” nghiện game của cậu con trai, ông T. buộc phải xích chân con ở hiên nhà.

Khi được chúng tôi hỏi đi chơi nhiều như thế lấy tiền đâu thì T thú nhận: “Chơi nhiều ở tiệm thì người ta cho ký nợ. Để có tiền trả, cháu đã có vài lần ăn trộm tiền của gia đình. Nhiều lúc cháu cũng muốn đi đá banh, chơi thể thao với các bạn để quên đi, nhưng hễ ra khỏi nhà, cháu lại bị các bạn rủ rê chơi game nên không bỏ được”, T. tâm sự.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề trên, ông Mạc Văn Hòa, Công an viên tổ dân phố 6, cũng là hàng xóm của gia đình ông T. cho biết, trường hợp của cháu T. không phải là cá biệt trong xóm. “Hiện trong tổ dân phố có khoảng 10 thanh thiếu niên thường xuyên bỏ học đi chơi game. Trong đó có nhiều cháu bỏ đi chơi cả đêm, sợ gia đình rầy la nên không dám về nhà. Khi ra ngoài, thiếu tiền, các cháu có thể sinh thói trộm cắp, thậm chí tập tành nghiện hút. Điều này rất nguy hiểm”, ông Hòa lo ngại.

Chia tay với chúng tôi, ông T. nhắn gửi: “Việc tôi xích con là sai nhưng tôi hi vọng vì thế mà nó cảm thấy xấu hổ mà phải từ bỏ game. Tôi biết con sẽ giận tôi, nhiều người sẽ cho tôi quá đáng nhưng chẳng thà tôi ác với con, chứ mai này chúng vì game mà trộm cướp vào tù thì mất con mà nhục lắm. Tôi hi vọng rằng sẽ có nhiều sân chơi hơn nữa cho các cháu, nhất là dịp hè để các cháu tham gia. Chứ như gia đình tôi, vợ chồng đầu tắt mặt tối cả ngày lo ăn học cho con đã bở hơi tai, vậy mà vì game chúng không nghe lời cha mẹ nên buồn lắm”.

Văn Thành
.
.
.