Xét xử nữ y sĩ gây bệnh sùi mào gà cho 117 trẻ ở Hưng Yên

Thứ Năm, 04/04/2019, 18:17
Sáng 4-4, TAND tỉnh Hưng Yên đã mở phiên toà hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Hoàng Thị Hiền (SN 1969, trú tại xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, Hưng Yên), nguyên y sĩ đa khoa, bị truy tố về tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh (Điều 242 BLHS năm 1999).


Thẩm phán Đặng Đình Lực được phân công làm chủ tọa phiên toà này. 

Trước đó, nữ y sĩ này đã được TAND tỉnh Hưng Yên đưa ra xét xử theo trình tự sơ thẩm. Tuy nhiên quá trình xét xử, HĐXX đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung do có thêm bị hại đến phiên xử xuất trình chứng cứ, tài liệu mới. Trong phiên toà sơ thẩm xử lại, bị cáo Hiền không mời luật sư bảo vệ quyền lợi cho mình mà tự bào chữa.

Bị cáo Hiền tại phiên xử.

Tại phần thủ tục phiên tòa, Chủ toạ phiên toà cho biết, Toà án đã triệu tập Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương và Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hưng Yên đến phiên xử với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan nhưng hai vị Giám đốc này đều vắng mặt. Ngoài ra, một số bị hại cũng vắng mặt tại phiên toà mà không có lý do dù Toà án đã triệu tập hợp lệ.

Tham gia phiên tòa, đại diện Viện KSND tỉnh Hưng Yên thực hành quyền công tố, luật sư và trợ giúp viên pháp lý cùng nêu quan điểm, việc vắng mặt của những người được triệu tập tới toà tham gia tố tụng không ảnh hưởng đến hoạt động xét xử vụ án. Quá trình xét xử nếu thấy cần thiết thì HĐXX có thể công bố lời khai của họ đã có trong hồ sơ vụ án. Sau khi hội ý, HĐXX quyết định tiếp tục xét xử.

Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Hưng Yên, bị cáo Hiền đã làm lây nhiễm bệnh sùi mào gà cho 117 cháu bé trong tỉnh Hưng Yên. Từ năm 2015- 2017, bà Hiền là y sĩ, công tác tại Trạm y tế xã Mễ Sở (huyện Văn Giang, Hưng Yên). Dù không có chuyên môn và giấy phép nhưng bà Hiền vẫn mở phòng khám tại nhà, chữa bệnh tại bộ phận sinh dục cho các cháu nhỏ. Khi các gia đình đưa con đến khám, bà Hiền tư vấn cho họ việc nong dãn bao quy đầu để tránh bị viêm nhiễm với tiền công từ 300.000 đến 520.000 đồng một cháu.

Quá trình chữa bệnh, mỗi lần chữa trị, nếu các chai thuốc, lọ nước muối sinh lý không dùng hết, bà Hiền tiếp tục sử dụng cho các cháu tiếp theo. Khi tiến hành nong dãn bao quy đầu cho các cháu, bà Hiền chỉ đeo găng tay một và dùng găng tay cũ.

Quá trình điều tra, Viện Dịch tễ Trung ương đã tiến hành giám định và phát hiện có virut gây bệnh sùi mào gà trong các dụng cụ chữa bệnh của bà Hiền. Theo kết quả khám nghiệm của cơ quan chức năng, có 117 cháu bé tại huyện Khoái Châu và huyện Yên Mỹ bị mắc bệnh sau khi thực hiện chữa bao quy đầu tại nhà y sĩ này. Tỷ lệ tổn thương cơ thể gây tồn hại sức khỏe cho các nạn nhân do bà Hiền gây ra được xác định là 1026 %.

Các bệnh nhân sau đó đều được Bệnh viện Da liễu Trung ương miễn phí tiền điều trị. Quá trình điều tra, đa phần gia đình các bị hại đều yêu cầu bà Hiền bồi thường chi phí khám bệnh và ngày công lao động đã mất do chăm sóc con em. 

Trả lời HĐXX, bị cáo Hiền cho biết, từ năm 1992 đến 1995, bị cáo làm việc ở Bệnh viện Hữu Nghị. Năm 1995 chuyển về làm y sĩ tại Trạm Y tế xã Mễ Sở. Khi vào trạm y tế xã, bị cáo được phân công khám chữa bệnh và sản nhi. 

“Ngoài bằng y sĩ đa khoa tốt nghiệp tại Trường Trung cấp Quân y, bị cáo thường được đi tập huấn ở Hưng Yên, được cấp chứng chỉ về sản khoa, chăm sóc sức khỏe cho cháu nhỏ, tiêm chủng mở rộng. Ở xã, bị cáo khám đa khoa, từ người già đến trẻ nhỏ về các bệnh thông thường. Ngoài làm việc ở xã, thi thoảng bị cáo được tăng cường lên Trung tâm Y tế huyện Văn Giang để làm những việc phù hợp với trình độ khi khoa nào của trung tâm thiếu cán bộ”, Hiền khai.

Người dân đến dự phiên toà .

Theo bị cáo Hiền, thời gian đầu bị cáo chỉ khám cho người thân và người trong làng. Khi nhiều người biết tiếng bị cáo rồi thì từ năm 2015 đến 2016, bị cáo bắt đầu khám các bệnh thông thường, viêm đường hô hấp, viêm phế quản, và lúc này cũng chưa treo biển. Mới đầu bị cáo chỉ khám, kê đơn cho người bệnh đi mua thuốc. Nhưng sau nhiều người nói đi mua thuốc ở ngoài không có, không khỏi bệnh nên bảo bị cáo bán luôn cho họ. Khi bệnh nhân đến khám, bị cáo Hiền chuẩn đoán và bán thuốc. Trường hợp chẩn đoán không rõ ràng, bị cáo tư vấn cho bệnh nhân lên tuyến trên.

“Khi khám bệnh, bị cáo sử dụng banh, kéo để thay băng cắt chỉ, thuốc sát khuẩn và các hộp để xử lý dụng cụ. Bị cáo vệ sinh dụng cụ khám chữa bệnh bằng cách rửa bằng nước sạch, sau đó lau sạch và cho vào hộp đun từ 40- 50 phút một lần. Vài ba ngày mới có bệnh nhân sử dụng dụng cụ đó. Mỗi lần dùng xong, bị cáo rửa sạch và cho vào hộp”, Hiền khai.

Khi HĐXX hỏi về quy trình khám và nong dãn bao quy đầu cho các cháu nhỏ, Hiền trả lời “Do bệnh nhân mách bảo nhau chứ bị cáo không quảng cáo về nong dãn bao quy đầu. Lúc học đa khoa ở trường, bị cáo có học phương pháp này. Quá trình làm việc ở xã, thỉnh thoảng có trường hợp bị dính bao quy đầu thì bị cáo vẫn khám và thực hiện nong dãn bao quy đầu”.

HĐXX hỏi tiếp “Trong chứng chỉ hành nghề của bị cáo, có quy định nong dãn bao quy đầu không?”. Hiền trả lời “Bị cáo không đọc kỹ chứng chỉ hành nghề nên không biết”. HĐXX hỏi tiếp “Có phải bị cáo tự làm chứng chỉ hành nghề không?”. Hiền trả lời “Bị cáo được phân công khám bệnh khi hành nghề. Bị cáo có nghề nên mới nong dãn bao quy đầu cho các cháu. Bị cáo làm điều này từ năm 2014 đến 2015”.

Bị cáo Hiền bị truy tố theo khoản 3, Điều 242 BLHS năm 1999 với khung hình phạt từ 7 năm đến 15 năm tù. Do thời điểm Hiền phạm tội, BLHS năm 2015 chưa có hiệu lực nên Viện KSND tỉnh Hưng Yên thấy cần áp dụng nguyên tắc có lợi, nên bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ theo Điều 51 BLHS năm 2015. 

Ngày 5-4, phiên toà tiếp tục.

Nguyễn Hưng
.
.
.