Xét xử giám đốc “rút ruột” công ty

Thứ Tư, 01/05/2019, 10:33
Phan Anh Dũng (SN 1979, quê Phú Thọ) từng là Giám đốc Công ty TNHH MTV Chế tạo thiết bị điện Hà Nội. Trong thời gian điều hành công ty, lợi dụng chức vụ của mình, Dũng đã nhiều lần rút tiền từ tài khoản của công ty nhưng không hạch toán vào sổ sách. Với hành vi đã gây ra, Dũng bị truy tố về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.


TAND TP Hà Nội vừa mở phiên toà hình sự sơ thẩm xét xử vụ án này.

Theo cáo trạng của Viện KSND TP Hà Nội, Công ty TNHH Thương mại và Xây lắp điện Hà Nội có ba thành viên góp vốn. Ông Nguyễn Văn Thạch góp 50% nên được giữ chức Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc công ty. Năm 2008, ông Thạch thành lập Công ty TNHH MTV Chế tạo thiết bị điện Hà Nội (viết tắt là Công ty Thiết bị điện), sau đó thuê Dũng làm Giám đốc và được quyền điều hành mọi hoạt động của công ty này.

Công ty thiết bị điện mở tài khoản tại Sacombank, giao cho Dũng làm chủ tài khoản. Bà Cao Thị Thu Hương, Phó Giám đốc Công ty Thiết bị điện giám sát giao dịch với danh nghĩa Kế toán trưởng công ty.

Năm 2009, Dũng đã mở tài khoản tại Ngân hàng An Bình, Chi nhánh Bắc Ninh và chỉ đăng ký chữ ký của mình để giao dịch với khách hàng.

Trong thời gian Dũng điều hành hoạt động của Công ty Thiết bị điện đã xảy ra nhiều bất minh trong vấn đề tiền bạc. Do không tự làm rõ được các khoản tiền bất minh nên ông Nguyễn Văn Thạch đã gửi đơn đến cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội tố cáo Dũng có hành vi chiếm đoạt số tiền 15 tỷ đồng. Quá trình điều tra, cơ quan điều tra xác định, từ tháng 1-2009 đến năm 2012, Dũng đã ký séc và trực tiếp 45 lần rút số tiền 11,3 tỷ đồng của Công ty Thiết bị điện.

Quá trình rút tiền, Dũng không nhập ngay vào sổ quỹ của công ty mà chia ra làm nhiều lần hoặc gộp nhiều lần để nộp. Việc nhập quỹ có lần Dũng ký, có lần không ký. Khi rà soát lại thì tổng số tiền bị cáo nhập chỉ có 10,8 tỷ đồng. Cơ quan điều tra xác định, Dũng đã chiếm đoạt số tiền hơn 578 triệu đồng.

Bị cáo Dũng tại phiên xử.

Ngoài ra, Dũng trực tiếp ký séc và nhờ 10 người đứng tên rút 8,6 tỷ đồng của Công ty Thiết bị điện nhưng số tiền này không nhập vào quỹ công ty. Trong vụ án này, cơ quan tố tụng chỉ xác định, Dũng đã chiếm đoạt số tiền 578 triệu đồng. Về số tiền 10,8 tỷ đồng cơ quan điều tra chưa đủ căn cứ xác định Dũng chiếm đoạt số tiền này nên không xử lý hình sự, mà giành quyền cho ông Thạch khởi kiện trong một vụ án dân sự khác.

Tại phiên xử, bị cáo Dũng thừa nhận hành vi phạm tội như trên. Theo bị cáo, tuy là Giám đốc điều hành hoạt động của công ty nhưng việc Dũng mở tài khoản, ký séc rút tiền đều do ông Thạch chỉ đạo chứ bị cáo không tự ý thực hiện. Bị cáo khai, sau khi vụ án xảy ra bị cáo đã ý thức khắc phục hậu quả bằng cách nộp lại một phần số tiền đã lấy của công ty. Ông Thạch cho biết thêm, Công ty Thiết bị điện hoạt động độc lập và chỉ có một tài khoản tại Sacombank.

 Việc Dũng mở tài khoản thứ hai tại Ngân hàng An Bình, Chi nhánh Bắc Ninh mãi sau ông mới phát hiện được. Thời điểm đó, do Công ty Thiết bị điện vướng nhiều công nợ nên khi tiền không nhập về quỹ ông nghi ngờ và yêu cầu Dũng cung cấp sổ phụ tài khoản mở tại ngân hàng.

Từ đây hành vi vi phạm pháp luật của Dũng bị ông Thạch phát giác. Lúc đó Dũng đã nộp lại một khoản tiền chiếm hưởng bất chính của công ty và xin xử lý nội bộ. Nhưng sau đó Dũng không nộp tiếp số tiền đã chiếm hưởng mà bỏ đi thành lập công ty mới nên ông Thạch có đơn tố cáo gửi cơ quan bảo vệ pháp luật.

Sau khi nghị án, Hội đồng xét xử khẳng định, hành vi phạm tội của bị cáo Dũng là nghiêm trọng. Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Dũng 5 năm 6 tháng tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Ngoài hình phạt tù, Hội đồng xét xử còn buộc bị cáo phải bồi thường cho nguyên đơn dân dự toàn bộ số tiền đã chiếm hưởng trái pháp luật.

Nguyễn Hưng
.
.
.