XKLĐ để bị bóc lột

Thứ Năm, 28/12/2006, 15:37
Vẽ ra viễn cảnh nơi xứ người, Hiên và Tẹo thu của mỗi người có nhu cầu đi làm ăn từ 5 đến 6 triệu đồng. Nếu không đưa được sang Trung Quốc hoặc sang mà không có việc làm thì Hiên và Tẹo sẽ trả lại tiền, còn nếu họ tự ý bỏ về thì sẽ mất toàn bộ chi phí.

Giữa năm 2005, cả làng Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh vốn dĩ rất yên bình bỗng xôn xao khi Nguyễn Thị Hải (33 tuổi) bế con trở về. Khác hẳn với cô thôn nữ quê mùa mấy năm về trước, giờ Hải đã tỏ rõ là người khá giả. Cô ta ăn mặc đúng mốt, nói năng nhẹ nhàng khiến ai nấy đều ngưỡng mộ.

Hải sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo khó ở làng Á Lữ. Vốn có nhan sắc nên Hải được nhiều trai làng để ý. Hải đã chọn và yêu một thanh niên khá đẹp trai những mong tính chuyện hạnh phúc trăm năm. Tuy nhiên, khi Hải có thai đến tháng thứ 3 thì chàng trai kia đã bỏ lại cô với cái thai đang mỗi ngày một lớn. Không chịu được sự dè bỉu của bà con xóm giềng nên Hải bỏ nhà ra đi.

Đã gần 10 năm trôi qua, không nhận được tin tức gì của cô nên ai cũng tưởng Hải đã trót dại quyên sinh. Khi thấy cô đột ngột trở về, ai cũng ngạc nhiên đến hỏi thăm.

Hải cho biết, sau khi bỏ nhà ra đi, không nơi nương tựa nên cô đã bỏ ra Móng Cái, Quảng Ninh. Nhờ sự giúp đỡ của một người quen, cô vượt biên trái phép sang Trung Quốc rồi lấy chồng, sinh con ở đó. Người chồng Trung Quốc đã cưu mang Hải và xin việc làm ổn định cho cô. Công việc được trả lương cao nên Hải có cuộc sống khá giả.

Sau ít ngày về chơi, Hải đã xin cho anh trai là Nguyễn Văn Hiên (41 tuổi) sang Trung Quốc làm ăn. Đi làm mấy tháng, đến gần Tết Âm lịch thì hai anh em lại về Việt Nam.

Hiên cho biết, mình sang Trung Quốc làm ở một công ty chuyên sản xuất vải bạt, làm việc nhẹ nhàng mà lương lại cao. Ăn tết xong, Hải lại giới thiệu cho chị dâu là Nguyễn Thị Bắc (vợ của Hiên) và con, cháu của người chị họ là bà Nguyễn Thị Tẹo (50 tuổi) cùng sang Trung Quốc làm việc.

Thấy gia đình Hải có nhiều người được ra nước ngoài làm việc nên mọi người trong huyện đã kéo nhau đến nhờ Hiên và bà Tẹo liên hệ với Hải để xin việc giúp. Thấy có món hời, Hiên và Tẹo vội nhận lời.

Theo lời của Hiên và Tẹo thì Hải có quen biết với nhiều công ty bên Trung Quốc, có thể dễ dàng xin được việc làm thu nhập cao. Các công ty này đều đang rất cần lao động nên ai chưa biết việc sẽ được đào tạo miễn phí, tiêu chuẩn duy nhất là không có tiền án, tiền sự, không nghiện ma túy. Mỗi người có nhu cầu đi, Tẹo và Hiên thu 5-6 triệu đồng môi giới.

Theo thoả thuận miệng giữa Hiên, Tẹo với người lao động thì nếu chúng không đưa sang Trung Quốc được hoặc sang rồi nhưng không có việc làm thì chúng sẽ trả lại tiền, còn nếu người lao động tự ý bỏ về thì sẽ bị mất toàn bộ chi phí. Sau khi thu tiền, Hiên và Tẹo đưa người lao động ra Móng Cái, nhờ người chèo thuyền vượt biên sang Trung Quốc. Hải móc nối được với một người Việt Nam lấy chồng bên đó cho thuê trọ và xin giúp việc làm.

Tuy nhiên, không giống như viễn cảnh xán lạn mà mọi người vẫn nghĩ, người lao động phải làm việc trong môi trường hết sức ngột ngạt, họ phải làm 15 đến 16 tiếng/ngày, hầu như không có thời gian nghỉ ngơi, trong khi đó, đồng lương nhận được hết sức bèo bọt. Ở xứ người, ngôn ngữ không biết, đường đi lối lại cũng không thông, lại xuất cảnh trái phép, thường xuyên phải sống chui lủi sợ bị cơ quan chức năng "sờ gáy" nên cuộc sống của người lao động rất khổ cực.

Trong khi đó, những người ở Việt Nam không hề biết nên vẫn ùn ùn kéo nhau đến nhờ Tẹo và Hiên liên hệ giúp, kể cả những người địa phương khác như Hà Nội, Bắc Giang…. Đến tháng 8/2006, Tẹo và Hiên đã tổ chức đưa 4 lượt, gồm 33 người đi xuất khẩu lao động trái phép, thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng. Nhiều người, do cuộc sống quá khổ cực, không thể tiếp tục làm việc được nên đã tìm cách trốn về Việt Nam.

Là một trong số ít người trở về trót lọt, chị Nguyễn Thị Thành nhớ lại: Họ bóc lột sức lao động của công nhân đến cạn kiệt. Chúng tôi phải làm việc từ sáng sớm đến tối mịt, không có chút thời gian nào nghỉ ngơi, lại phải ở trong những khu nhà tăm tối, dột nát, trong khi mức lương được trả thì rẻ mạt, không bằng công gánh gạch ở nhà…

Qua công tác nắm tình hình Phòng An ninh kinh tế, Công an tỉnh Bắc Ninh đã phát hiện ra đường dây chuyên tổ chức người đi xuất khẩu lao động trái phép này nên tổ chức điều tra, xác minh. Nhận thấy đường dây này có quy mô lớn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình ANTT ở địa phương nên Đại tá Dương Đắc Cự, Phó Giám đốc đã chỉ đạo Phòng An ninh kinh tế phối hợp với Phòng An ninh điều tra tổ chức thu thập tài liệu chứng cứ.

Sau khi có đủ tài liệu chứng minh việc phạm tội của các đối tượng, đến ngày 26/12, Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Bắc Ninh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Hiên và Nguyễn Thị Tẹo về tội tổ chức đưa người khác trốn đi nước ngoài trái phép. Hiện vụ việc đang được Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Bắc Ninh tiếp tục điều tra, mở rộng

T.Thuỷ - H.Giang
.
.
.