Vũ trường, quán bar: Kiểm tra nhiều, hiệu quả ít

Thứ Bảy, 03/01/2015, 13:50
Trong thời gian vừa qua, các Đoàn kiểm tra liên ngành đã thực hiện hàng chục, hàng trăm lượt kiểm tra các vũ trường, quán bar và phát hiện khá nhiều lỗi vi phạm. Tuy nhiên việc xử lý chỉ dừng ở mức độ xử phạt hành chính, chứ chưa thể đề xuất rút giấy phép kinh doanh do vướng phải luật doanh nghiệp.

Nhằm bảo đảm an ninh trật tự cho người dân vui xuân, đón Tết, hằng năm, vào thời điểm giáp Tết, các cơ quan chức năng ở TP.HCM thường ra quân kiểm tra các tụ điểm ăn chơi - nơi được xem là “sân chơi” của các đối tượng phạm tội.

Rạng sáng 28/12/2014, Đoàn kiểm tra liên ngành văn hóa-xã hội TP.HCM phối hợp cùng hơn 100 cán bộ, chiến sĩ thuộc Công an TP.HCM đột kích vào hai tụ điểm ăn chơi là Câu lạc bộ Hai Chị Em (đường Nguyễn Trung Ngạn, phường Bến Nghé, quận 1) và quán bar Gold Club 2 nằm trên đường Hồ Huấn Nghiệp, quận 1.

Trước đó không lâu, ngày 22/12/2014, cũng lực lượng này đã kiểm tra quán bar Kumho (số 39, Lê Duẩn, quận 1) phát hiện hàng trăm con người nồng nặc mùi bia rượu, say sưa lắc lư điên cuồng theo điệu nhạc. Nếu như cách đây vài năm, những vụ việc như thế này được đánh giá là nghiêm trọng thì nay không chỉ người dân mà ngay cả những ai bị kiểm tra đều cảm thấy quá bình thường. Bởi sau khi bị sự kiểm tra xử phạt, mọi thứ gần như đều trở về… như cũ.

Nếu chúng tôi nhớ không lầm thì trong năm 2014, bar Kumho bị kiểm tra 3 lần. Trước đó, năm 2013 nơi đây cũng nhiều lần bị kiểm tra. Lần nào cũng vậy, bar Kumho có nhiều lỗi vi phạm như hoạt động quá giờ quy định, bán rượu không phép, không khai báo đăng ký lao động, sử dụng băng đĩa không đăng ký quyền tác giả, kinh doanh rượu không phép, hoạt động quá giờ quy định, buông lỏng quản lý để khách hàng sử dụng ma túy trong cơ sở kinh doanh…

Một số quán bar khác từng bị kiểm tra nhiều lần như bar New Sài Gòn, bar 02 Gold Club… thì cũng phát hiện ngần ấy lỗi vi phạm. Song, chẳng bao lâu sau đó các bar này vẫn ngang nhiên hoạt động trở lại như chưa bị kiểm tra. Vì sao vậy?

Bên trong một quán bar lúc bị kiểm tra.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc kiểm tra hoạt động của vũ trường, quán bar do các Đoàn kiểm tra liên ngành văn hóa - xã hội các cấp phối hợp cùng lực lượng Công an thực hiện.

Trong thời gian vừa qua, các Đoàn kiểm tra liên ngành đã thực hiện hàng chục, hàng trăm lượt kiểm tra các vũ trường, quán bar và phát hiện khá nhiều lỗi vi phạm như chúng tôi đã đề cập ở trên.

Tuy nhiên việc xử lý chỉ dừng ở mức độ xử phạt hành chính, chứ chưa thể đề xuất rút giấy phép kinh doanh do vướng phải luật doanh nghiệp. Việc xử phạt hành chính từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng chẳng thấm thía vào đâu so với mức thu nhập “khủng” mà hoạt động vũ trường, quán bar đem lại.

Đơn cử như Nghị định 167/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 28/12/2013 quy định hành vi “người chủ hoặc người có trách nhiệm quản lý nhà hàng, cơ sở cho thuê lưu trú, câu lạc bộ, các phương tiện giao thông và các nơi khác để cho người khác lợi dụng sử dụng chất ma túy trong khu vực mình quản lý” thì bị phạt hành chính từ 5-10 triệu đồng.

Với mức xử phạt “nhẹ hều” như vậy thì người chủ, người quản lý chẳng sợ sệt gì nên họ hết sức dửng dưng, coi thường việc bị phạt. Đây chính là bất cập dẫn đến việc xử lý sai phạm tại vũ trường, quán bar cũng giống như chỉ làm cho có.

Mặt khác, theo quy chế “Hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng” ban hành kèm theo Nghị định 103/2009/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ thì vũ trường không được hoạt động sau 24h đêm đến 8h sáng, trừ quầy bar trong các cơ sở lưu trú du lịch được xếp hạng từ 3 sao trở lên và vũ trường trong các cơ sở lưu trú du lịch được xếp hạng từ 4 sao trở lên nhưng cũng không được quá 2h sáng.

Ngoài ra, quy chế cũng quy định khi phát hiện người say rượu, bia; người sử dụng các chất ma túy và các chất kích thích bị cấm sử dụng phải yêu cầu người đó ra khỏi vũ trường. Nếu cơ sở vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ có thể bị xử phạt hành chính, bị rút giấy phép kinh doanh...

Tuy nhiên, phạm vi điều chỉnh theo quy chế này là áp dụng cho những cơ sở có giấy phép kinh doanh quán bar, vũ trường còn những quán bar “chui” thì có giấy phép đâu mà rút?.

Theo thống kê của Đội Đặc doanh, Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH, Công an TP.HCM thì, hiện tại trên địa bàn TP.HCM chỉ có 13 vũ trường được cấp phép hoạt động nhưng hầu hết đều nằm trong các cơ sở lưu trú từ 4 sao trở lên.

Còn quán bar thì chưa có con số thống kê cụ thể vì đây là một hình thức biến tướng của vũ trường. Các hộ cá thể hoặc chủ doanh nghiệp xin thành lập nhà hàng, khách sạn có quầy bar nhưng sau đó chủ nhà hàng đã chủ động thiết kế xây dựng giống hệt như một vũ trường để hoạt động trái phép.

Điều lấy làm lạ là từ trước đến nay khi xử lý những quán bar kiểu này chúng tôi rất ít khi nghe cơ quan thụ lý giải quyết vụ việc đề xuất, kiến nghị xử lý hình sự chủ cơ sở về hành vi “kinh doanh trái phép”.

Theo quy định tại Bộ luật Hình sự tội danh này có thể bị phạt từ 3 tháng đến 2 năm tù giam nếu thu lợi bất chính lớn. Theo quan điểm của chúng tôi, nếu áp dụng quy định này để xử phạt thì mới có thể làm chùn tay các đối tượng kinh doanh bar, vũ trường trái phép chứ cái kiểu phạt đi phạt lại mãi mà không dẹp được chỉ làm mất lòng tin cho người dân.

Quan bar, vũ trường không chỉ là nơi tập hợp một bộ phận giới trẻ con nhà giàu có chơi bời lêu lổng mà còn là điểm đến của các đối tượng tội phạm, tệ nạn từ khắp nơi đổ về.

Chính vì vậy mà nơi đây không chỉ gây phức tạp về tình hình an ninh trật tự trên địa bàn dân cư mà còn xảy ra khá nhiều vụ trọng án mà nguyên nhân chỉ từ một cái nhìn khó chịu, một lần đạp chân nhau khi nhảy, một câu nói đùa… Do vậy việc chấn chỉnh, xử lý nghiêm sai phạm để ngăn chặn hậu quả có thể xảy ra là vấn đề cấp thiết hiện nay.

Mã Hải
.
.
.