Vì sao Vụ phó Vụ 2 - Thanh tra Chính phủ bị bắt?

Thứ Bảy, 29/10/2005, 09:11

Ông Khải, Trưởng đoàn thanh tra một số dự án của Tổng công ty Dầu khí Việt Nam đã cố tình giảm nhẹ mức độ sai phạm của các quan chức Tổng công ty Dầu khí Việt Nam để đổi lại “quà” của đối tượng bị thanh tra.

Chiều 20/10, Cơ quan ANĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với ông Lương Cao Khải, Vụ phó Vụ Thanh tra giải quyết khiếu nại tố cáo khối kinh tế tổng hợp (Vụ 2) thuộc Thanh tra Chính phủ, với tội danh "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo điều 281 Bộ Luật Hình sự. Cùng ngày, Cơ quan ANĐT cũng đã ra quyết định khởi tố vụ án với các tội danh "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; đưa và nhận hối lộ".

Việc ông Khải bị bắt không phải bất ngờ mà là kết quả tất yếu của việc ông ta đã lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ để trục lợi cá nhân. Tháng 7/2002, Đoàn thanh tra Chính phủ do ông Khải làm Trưởng đoàn trực tiếp kiểm tra một số nội dung liên quan tới việc thực hiện công trình “tuyến kho, ống, cảng LPG Thị Vải. Đoàn Thanh tra tập trung vào 13 nội dung lớn trong quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện gói thầu LPG Thị Vải. Sau 3 tháng thanh tra, trước khi kết luận, Đoàn thanh tra đã trao đổi ý kiến công khai với Hội đồng Quản trị (HĐQT), Tổng giám đốc và các đơn vị liên quan thời kỳ 1992-2000 thuộc Tổng công ty Dầu khí Việt Nam.

Tại dự thảo kết luận (ngày 21/12/2002) có 2 phần chính: xử lý về kinh tế và xử lý trách nhiệm những người liên quan tới sai phạm. Dự thảo đề nghị phải thu hồi về ngân sách 135,7 tỉ đồng liên quan tới hàng chục đơn vị và xuất toán khỏi quyết toán chi phí đầu tư công trình một số khoản chi phí vượt dự toán được duyệt 13,4 tỉ đồng.

Tuy nhiên, tại kết luận chính thức (ngày 24/3/2003) do ông Khải ký đã có nội dung khác quá xa so với bản dự thảo. Cụ thể, kết luận chỉ đề nghị thu hồi cho ngân sách 134,8 tỉ đồng và 116.000 USD, và số tiền đề nghị xuất toán khỏi quyết toán từ hơn 13 tỉ chỉ còn có... 8 triệu đồng.

Bản kết luận thanh tra mà ông Khải đã "phù phép" để làm nhẹ tội cho một số người.

Về phần xử lý trách nhiệm, giữa dự thảo kết luận và kết luận chính thức cũng khác xa nhau. Trong khi dự thảo kết luận yêu cầu Tổng giám đốc Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam đình chỉ công tác để kiểm điểm và xử lý hình sự 2 Phó giám đốc Ban Quản lý Dự án kho, cảng LPG Thị Vải là ông Bì Văn Tứ và ông Đậu Hồng Lạc.

Dự thảo cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo kiểm điểm tập thể HĐQT, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam các thời kỳ 1995-2002 và nguyên Phó tổng giám đốc Nguyễn Hiệp vì chọn đại diện chủ đầu tư, tổng thầu tuyến kho, ống, cảng LPG Thị Vải có nhiều sai phạm; dự thảo cũng đề nghị Tổng Công ty Dầu khí cảnh cáo nhiều cán bộ có liên quan.

Tuy nhiên, trong kết luận chính thức đã không còn những nội dung này, không có một vụ việc, cá nhân nào bị xử lý hình sự nữa mà chỉ là giao cho Tổng công ty Dầu khí tổ chức kiểm điểm và tổ chức xử lý kỷ luật nghiêm những đơn vị và cá nhân thuộc quyền.

Cũng trong thời điểm này, ông Khải còn làm Trưởng đoàn Thanh tra Dự án 2 triệu m3 khí/ngày đêm của Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam. Tại dự án này, mặc dù đoàn thanh tra cũng phát hiện nhiều sai phạm liên quan tới các ông Nguyễn Trọng Nhưng và Đặng Hữu Quý, tuy nhiên sau đó giữa dự thảo và kết luận chính thức do ông Khải ký cũng đã thay đổi đáng kể theo hướng có lợi cho 2 người này.

Không phải ngẫu nhiên mà ông Khải lại có sự “ưu ái” tới mức không bình thường như vậy với các đối tượng bị thanh tra. Nguyễn Trọng Nhưng đã ứng tiền đặt cọc và mua cho ông Khải hơn 6.000m2 đất ở Bà Rịa - Vũng Tàu; một số đối tượng bị thanh tra đã ứng tiền ra để... sửa nhà riêng cho ông Khải ở ngõ 4, Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội.

Ngoài ra, một vài “người nhà” của ông Khải, con gái một vụ phó khác của Vụ Thanh tra kinh tế 2 đã được nhận vào làm trong một số công ty của Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam. Đặc biệt trong suốt 3 tháng ở Vũng Tàu, Đoàn thanh tra của ông Khải đều ăn, nghỉ, sử dụng ôtô tại nhà khách của công ty nhưng “quên” trả tiền.

Sau khi có “bảo bối” là kết luận thanh tra với nội dung rất “thông cảm” này, Hội đồng kỷ luật Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam được thành lập do một phó tổng giám đốc làm chủ tịch. Ngày 26/3/2004, hội đồng này họp tại Vũng Tàu đã kiểm điểm rất qua loa, trong đó nặng về bênh vực các ông Nhưng, Quý, Chiến, Tứ và cuối cùng đưa ra mức kỷ luật cao nhất là cảnh cáo, còn lại chỉ là phê bình rút kinh nghiệm đối với các cá nhân trên. Khi có biên bản cuộc họp này, lãnh đạo Tổng Công ty Dầu khí đã gặp ông Khải và 2 bên thỏa thuận để ông Khải đồng ý với mức kỷ luật khiển trách

Việt Hằng
.
.
.