Từ vụ cướp tiệm vàng Hoàng Tín, cần tăng cường an ninh

Chủ Nhật, 24/06/2012, 17:23
Lại một lần nữa, vụ cướp tiệm vàng Hoàng Tín ở ngay giữa một con phố đông đúc của trung tâm Hà Nội khiến dư luận chấn động. Điều đó chứng tỏ tội phạm cướp tiệm vàng ngày càng manh động, cực kỳ liều lĩnh. Vấn đề phòng ngừa, chống cướp tiệm vàng tiếp tục đặt ra cấp bách.
>> Kẻ cướp tiệm vàng Hoàng Tín nhờ thợ khai thác đá chế tạo mìn

Phải quản lý chặt chẽ nguồn vũ khí, vật liệu nổ

Trước hết, phải khẳng định rằng, không có tên tội phạm nào đi cướp tiệm vàng mà dùng… tay không cả. Thời gian gần đây, chúng thường sử dụng súng, thậm chí cả mìn tự tạo như trong vụ cướp tiệm vàng Hoàng Tín, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, thương vong cho nhiều người đi đường.

Theo khai nhận của đối tượng gây án Tạ Văn Thanh, loại thuốc nổ hắn dùng để chế tạo mìn là loại thuốc nổ AL-PHO, loại thuốc nổ công nghiệp dùng để phá đá, chế tạo mìn, do anh ta mua ở biên giới Lạng Sơn. Hơn nữa, gần đây, các tổ công tác 141 của Công an TP Hà Nội kiểm tra giao thông cũng thường xuyên bắt giữ được các đối tượng mang theo các loại súng, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trong người và phương tiện. Và rất nhiều lời khai nhận của các đối tượng tàng trữ mặt hàng “chết người” này là mua từ các tỉnh biên giới Lạng Sơn, Quảng Ninh…

Tuy nhiên, đến vụ dùng mìn cướp tiệm vàng Hoàng Tín đã thực sự gióng lên hồi chuông báo động về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ. Những kẻ lang thang như Thanh có thể dễ dàng mua thuốc nổ ngay tại khu vực biên giới, khi về chế tạo thành mìn còn đem nổ thử trên một quả đồi nhưng Công an, chính quyền sở tại cũng không hề biết.

Sau vụ việc này, thiết nghĩ, các đơn vị Công an ở các tỉnh biên giới cần phối hợp với các ngành chức năng như: Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Quản lý thị trường… siết chặt quản lý việc mua bán, vận chuyển trái phép các loại vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ từ nước ngoài về Việt Nam, hoặc ngay trong nội địa.

Hiện trường vụ cướp tiệm vàng Hoàng Tín.

Các cơ quan quản lý nguồn thuốc nổ công nghiệp (dùng trong việc phá đá…) cũng cần quản lý chặt chẽ nguồn thuốc nổ của đơn vị, tránh để thất thoát ra bên ngoài, gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội. Từ ngày 1/1/2012, Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã có hiệu lực, quy định rất rõ ràng về hành vi quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các hành vi này nhằm bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn TTATXH.

Theo đó, đã quy định rõ những hành vi vi phạm trong việc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ. Trong trường hợp có căn cứ cho rằng trong người hoặc trên phương tiện đang giấu, cất giữ vũ khí… trái phép thì các lực lượng chức năng đang thi hành công vụ phải kiểm tra, kiểm soát, tạm giữ người, phương tiện để xử lý theo quy định của pháp luật.

Nếu những cá nhân, tổ chức nào vi phạm, kể cả bao che cho hành vi vi phạm, hoặc thiếu trách nhiệm cũng sẽ bị xử lý nghiêm, nếu cá nhân vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự… 

Nên nghiên cứu những kinh nghiệm phòng chống cướp tiệm vàng của nước ngoài

Thượng tá Nguyễn Minh Đức, Phó Giáo sư - Tiến sỹ, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tội phạm học và phòng ngừa tội phạm, Học viện Cảnh sát nhân dân cho biết, để xảy ra những vụ cướp tiệm vàng như vừa qua đã gây thiệt hại cho người dân, vất vả lực lượng Công an, tạo dư luận xấu trong xã hội, ảnh hưởng đến môi trường ANTT chung…

Là người đã từng nghiên cứu khá kỹ các mô hình phòng, chống tội phạm cướp tiệm vàng, ngân hàng, Thượng tá Nguyễn Minh Đức cho rằng, ở Việt Nam, sở dĩ hay xảy ra cướp tiệm vàng vì các hộ kinh doanh thường nằm rải rác trong khu dân cư và việc bảo vệ không chuyên nghiệp.

Ở nước ngoài, các tiệm vàng thường kinh doanh tập trung (ở châu Âu thường kinh doanh vàng, ngoại tệ trong siêu thị, còn ở châu Á thường kinh doanh tập trung ở những con phố nhất định) và có sự bảo vệ rất chuyên nghiệp.

Chẳng hạn, nếu kinh doanh vàng trong siêu thị, nơi đó đã có các lực lượng bảo vệ từ vòng ngoài, yêu cầu khách vào siêu thị phải gửi đồ, không được mang theo bất cứ vật dụng gì vào siêu thị. Điều đó đảm bảo an toàn cho người kinh doanh, những người mua khác và Nhà nước kiểm soát được hoạt động giao dịch tiền vàng, ngoại tệ. Ở các hộ kinh doanh theo phố ở nước ngoài, họ cũng có 2 lần cửa và 2 lần bảo vệ.

Ngay từ lần cửa bên ngoài, bảo vệ thứ nhất đã yêu cầu khách phải gửi đồ, không được mang theo bất cứ đồ đạc gì (ngoài tiền, vàng và ngoại tệ để giao dịch) vào bên trong. Nếu có nghi vấn, hoặc xảy ra sự đe dọa gì, thì người bảo vệ này sẽ báo động, lúc đó bảo vệ thứ 2 và mọi người bên trong sẽ kịp thời ứng phó. Tại các quầy giao dịch cũng được lắp đặt kính chống đạn, đảm bảo an toàn cho người bên trong... 

Đối với Việt Nam, khi việc kinh doanh vàng bạc, ngoại tệ vẫn diễn ra ở các cá thể nhỏ, lẫn trong cụm dân cư, thì theo Thượng tá Nguyễn Minh Đức, các hộ kinh doanh phải có két sắt siêu chống trộm, có 2 lần cửa bảo vệ cũng như lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp, không nên để khách mang theo đồ đạc (ngoại trừ tiền, vàng) vào bên trong các quầy giao dịch.

Khi hệ thống cửa bảo vệ tốt, nghiệp vụ của bảo vệ cửa hàng cao, sẽ kiểm soát được khách hàng nghi vấn, từ đó sẽ giảm thiểu các nguy cơ của tội phạm cướp tiệm vàng. Còn việc đưa kinh doanh vàng bạc vào khu tập trung, theo Thượng tá Nguyễn Minh Đức, chúng ta cũng nên nghiên cứu các mặt lợi ích của nó. Chúng tôi cũng nghĩ vậy, bởi kinh nghiệm hay thì chúng ta cũng nên nghiên cứu, áp dụng…                          

Theo khuyến cáo của Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm, khi mở hiệu kinh doanh vàng bạc tại nhà, chúng ta luôn phải chú trọng đến việc thoát hiểm của các cá nhân trong gia đình. Đó là cách thiết kế ngôi nhà đang ở, dù to nhỏ thế nào, ngoài cửa chính, cũng cần phải có cửa thoát hiểm (đằng sau, hoặc trên tum).

Phải lắp đặt các thiết bị an ninh đầy đủ theo hướng dẫn của lực lượng Công an, trong đó phải có chuông báo động để ở những vị trí chỉ có những người trong gia đình được biết. Phải hướng dẫn từng người trong gia đình, kể cả trẻ nhỏ vị trí để chuông báo động và hướng dẫn mọi người, nếu có sự việc bất thường xảy ra thì tìm cách bấm chuông.

Khi phát hiện bọn cướp, trộm (nhất là khi thấy chúng có vũ khí) đã đột nhập vào trong nhà, phải tìm cách ẩn vào vị trí an toàn (vào phòng, chốt cửa lại), sau đó tìm cách báo động cho bên ngoài (hô hoán, bấm chuông báo động, gọi điện thoại báo cơ quan Công an hoặc người thân…).

Điều quan trọng là phải dạy để những việc trên trở thành ý thức phòng ngừa thường trực cho mỗi người trong gia đình, khi sự việc xảy ra, họ không bị bất ngờ, cuống và ứng biến không đúng cách dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

T. Hòa
.
.
.