Hoa hậu Phương Nga và đại gia: Chung quy là lợi dụng lẫn nhau

Thứ Hai, 26/09/2016, 08:13
Trong vụ việc này, chúng ta cần có cái nhìn công tâm. Và dư luận cần thẳng thắn lên án cả "đại gia" và người đẹp "chân dài" bởi chúng ta cần thượng tôn pháp luật, cần thực hiện những chuẩn mực đạo đức xã hội mà chúng ta trân trọng.


Dư luận tuần này đang tập trung vào phiên tòa hình sự do Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm bị cáo Trương Hồ Phương Nga, 29 tuổi, hoa hậu người Việt tại Nga năm 2007, bị Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) TP Hồ Chí Minh truy tố về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản". "Nạn nhân" trong vụ án này là đại gia Cao Toàn Mỹ, Tổng Giám đốc một doanh nghiệp…

Theo cáo trạng của VKSND TP Hồ Chí Minh, Trương Hồ Phương Nga có quan hệ tình cảm với ông Cao Toàn Mỹ. Trong thời gian quan hệ, Phương Nga nói với ông Mỹ có thể mua nhà với giá rẻ hơn thị trường.

Ông Mỹ đã đưa cho Phương Nga 6 tỷ đồng để nhờ mua một căn nhà tại quận 5, nhưng Nga không giao nhà, tiếp đến Phương Nga nói với ông Mỹ có căn nhà 16,5 tỷ đồng ở quận 1 giá có lợi hơn, ông Mỹ đưa cho Phương Nga 10,5 tỷ đồng.

Tổng số tiền ông Mỹ đưa cho Phương Nga là 16,5 tỷ đồng. Nhưng sau đó, Phương Nga vẫn không giao nhà cho ông Mỹ nên ông này đã có đơn tố cáo với cơ quan Công an.

Hoa hậu Phương Nga cùng đồng phạm tại tòa.

Ban đầu, dư luận hết sức bất bình trước việc làm của hoa hậu Phương Nga; nhưng sau khi theo dõi diễn biến tại phiên tòa, bị cáo Phương Nga khai giữa Nga và đại gia Cao Toàn Mỹ có "hợp đồng tình ái"; theo đó, số tiền tỷ nêu trên chính là khoản ông Mỹ phải thanh toán cho hoa hậu Phương Nga để đổi lấy sự duy trì tình cảm trong 7 năm, chứ không phải hoa hậu Phương Nga lừa đảo, chiếm đoạt tiền của ông Mỹ.

Lúc này, dư luận bắt đầu chuyển sang công kích đại gia Cao Toàn Mỹ, cho rằng hoa hậu Phương Nga chỉ là "nạn nhân" của hành vi "thiếu quân tử" của vị đại gia này.

Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng, nếu chứng minh bản hợp đồng tình ái là có thật, thì hoa hậu Phương Nga sẽ "trắng án"!

Chiều 21-9, căn cứ lời khai của bị cáo tại Tòa và phần thẩm vấn người bị hại, chủ tọa phiên tòa đã quyết định trả hồ sơ cho VKSND TP Hồ Chí Minh để điều tra bổ sung, bởi theo nhận định của Hội đồng xét xử, lời khai của bị cáo Phương Nga và trình bày của ông Mỹ có nhiều mâu thuẫn; trong đó, cần làm rõ lời khai của bị cáo Phương Nga về bản hợp đồng tình ái giữa bị cáo và "nạn nhân"…

Trong bài viết này, chúng tôi không có ý đề cập số tiền 16,5 tỷ đồng có đúng là đại gia Cao Toàn Mỹ dùng để "bao" người đẹp Phương Nga hay không? Mà chúng tôi chỉ đề cập đến bản "hợp đồng tình ái", được cho là giao kèo nhằm chứng minh số tiền 16,5 tỷ đồng là do đại gia trả cho người đẹp chứ không có chuyện lừa đảo gì…!

Giả sử pháp luật Nhà nước ta cho phép giao kết một loại hợp đồng tình ái đại loại như vậy, thì đây là một dạng hợp đồng có giá trị tài sản giao dịch lớn (16,5 tỷ đồng). Được biết, theo qui định của pháp luật, đối với loại hợp đồng này cần phải được chứng thực của cơ quan công chứng.

Tuy nhiên, Điều 128 Bộ luật Dân sự qui định về "Giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội" ghi rõ: "Giao dịch dân sự có mục đích và nội dung vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu”.

Điều cấm của pháp luật là những quy định của pháp luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định. Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung giữa người với người trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng".

Như vậy, bản "hợp đồng tình ái" do hoa hậu Phương Nga trình bày trước tòa là vô hiệu cả về hình thức và nội dung.

Dĩ nhiên, mối quan hệ giữa đại gia và "chân dài", nếu không phải là mối quan hệ xuất phát từ tình yêu và hôn nhân thì ai cũng hiểu ngầm rằng, đó là mối quan hệ "tình - tiền". Chả cần một bản hợp đồng, mà chỉ cần hiểu ý nhau thì sự trao đổi ngầm sẽ được hai bên thực hiện một cách nghiêm túc, hay còn gọi là "chơi đẹp".

Trong vụ việc này, nhiều khả năng có mối quan hệ "tình - tiền" giữa hai bên. Song không nên quá coi trọng bản "Hợp đồng tình ái" này vào quá trình tố tụng, vì như vậy, vô hình trung chúng ta thừa nhận một giao dịch vô hiệu trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc hay sao?

Nếu làm rõ được mối quan hệ "tình - tiền" giữa đại gia và chân dài là có thật, thì đây chỉ nên coi đó là "tình tiết giảm nhẹ" khi lượng hình đối với bị cáo mà thôi.

Trong vụ việc này, chúng ta cần có cái nhìn công tâm. Và dư luận cần thẳng thắn lên án cả "đại gia" và người đẹp "chân dài" bởi chúng ta cần thượng tôn pháp luật, cần thực hiện nghiêm minh Luật Hôn nhân gia đình và giữ gìn những chuẩn mực đạo đức xã hội mà chúng ta trân trọng.

Đào Minh Khoa
.
.
.