Trộm cắp hoạt động mạnh nơi đền chùa, lễ hội ngày xuân

Thứ Sáu, 18/02/2005, 00:00

Phủ Tây Hồ chiều mùng 1 Tết quá đông người đến cúng lễ. Trong khung cảnh khói hương nghi ngút, cay xè mắt, người cúng lễ đứng chen lấn, xô đẩy nhau, bỗng có tiếng kêu thất thanh: "Có đứa con gái vừa móc túi ở đây!".

Những người mang theo túi giật mình, một cô gái đeo chiếc túi trắng mặt tái mét khi kiểm tra tài sản. Gần 1,5 triệu đồng cùng toàn bộ giấy tờ tùy thân, trong đó có cả những giấy tờ rất quan trọng của cô đã biến mất. Mà thật lạ, chiếc túi cô đeo sát nách, cô cũng có ý thức cảnh giác, nhưng chỉ 1 phút cô rướn tay để tiền lẻ vào hòm công đức phía trong mà kẻ đạo chích đã ra tay kịp thời. Lấy xong ví, nó còn kéo khoá lại như cũ để người bị mất khó phát hiện.

Khi cô H., ở Từ Liêm, vào Ban quản lý Phủ, trình báo với các đồng chí Công an phường Quảng An thì đã có 2 cô gái nước mắt rơm rớm, cũng đang ngồi trình báo về việc bị móc mất ví.

Cô H. không phải là nạn nhân duy nhất của trò trộm cắp, móc túi ở nơi đền chùa, lễ hội trong dịp Tết năm nay. Từ đêm giao thừa đến thời điểm cô H bị mất, đã có hàng chục người bị móc mất ví như cô. Có người khá cẩn thận, đã để ví ở túi áo may thêm bên trong áo khoác, nhưng không hiểu bằng cách nào, bọn đạo chích vẫn làm "ảo thuật" thành công.

Năm nay, chúng nghĩ ra trò mới hơn khi hành sự, đó là bí mật trả lại giấy tờ cho người bị mất. Lấy trộm được túi hoặc ví, chúng ra chỗ vắng kiểm tra, lấy hết tiền, điện thoại, sau đó giúi ví hoặc giả vờ đánh rơi ở những chỗ mà người nhà chùa hay qua lại, như chỗ để tiền thờ cúng, chỗ hoá vàng, bàn sắp lễ....

Tài sản bị mất cũng khá nhiều, có người 2 - 3 triệu đồng và tiền đô la Mỹ, nhưng điều tất cả đều mong mỏi là tìm lại được các giấy tờ tuỳ thân như giấy CMND, đăng ký xe máy... Bọn đạo chích đã đánh trúng tâm lý này, chúng trả lại ví và toàn bộ giấy tờ cho người mất. Khi tìm lại được giấy tờ, người bị hại rất mừng, nên sau đó dù tiếc tiền đấy, họ đành tặc lưỡi: "Thôi thì của đi thay người...". Và tất nhiên, bởi họ cũng hiểu rằng, việc tìm được số tiền bị mất sẽ là vô cùng khó khăn…

Phòng còn hơn chống

Một cán bộ của Công an phường Quảng An cho biết, vì mật độ người đến lễ ở Phủ Tây Hồ rất đông (ngày mùng 1 Tết, số lượng xe máy tăng 3000 chiếc so với năm 2004), bọn trộm cắp lại giả dạng như người đi lễ trà trộn vào đám đông, hoạt động trong bóng tối nên rất khó kiểm soát. Bọn chúng có khoảng vài ba tên, đứa móc trộm, rồi tuồn cho đứa khác mang ra ngoài, rất nhanh và nhịp nhàng nên hầu như bị mất khá lâu, mọi người mới phát hiện ra. Hơn nữa, việc bọn trộm cắp bí mật trả lại giấy tờ cho người bị mất cũng là một cách để chúng ẩn giấu tung tích của mình, tránh sự truy tìm của lực lượng Công an.

Tính đến ngày mùng 6 Tết (tức ngày 14/2), lực lượng Công an vẫn chưa phát hiện và bắt giữ được các đối tượng phạm tội ở khu vực Phủ Tây Hồ. Chính vì thế, theo Trung tá Hoàng Ngọc Thuần, Phó trưởng Công an phường, các anh  triển khai các biện pháp phòng ngừa như: Thông báo trên loa về các thủ đoạn trộm cắp xảy ra tại Phủ, dán ảnh các đối tượng đã từng bị bắt về hành vi trộm cắp tài sản tại đây, cùng với lực lượng Cảnh sát hình sự Công an quận, Công an thành phố mặc cảnh phục và thường phục luôn ứng trực làm nhiệm vụ...

Rảo một vòng quanh các đơn vị Công an phụ trách địa bàn có các đền chùa đông người cúng lễ, chúng tôi nhận thấy rằng, không chỉ ở riêng Phủ Tây Hồ, nơi nào lực lượng Công an cũng phản ánh việc khám phá các vụ trộm cắp tài sản của người đi lễ rất khó khăn. Thiết nghĩ, cách tốt nhất là chúng ta nên phòng trước để không xảy ra chuyện bị mất cắp. Ở chùa Hà (Cầu Giấy) năm nay, nét mới ghi nhận được là có một khu vực cho khách gửi đồ miễn phí, người đi lễ có thể an tâm gửi đồ trong các tủ khoá, có người nhà chùa trông giữ. Dịp Tết năm nay, theo Công an phường Dịch Vọng, số vụ trộm cắp ở khu vực chùa Hà giảm hẳn, chỉ xảy ra một số vụ nhỏ lẻ, tài sản mất ít.

Kinh phí dành cho việc trông coi đồ như chùa Hà không phải là lớn, hiệu quả lại cao, vì sao các nơi không làm theo để đem lại sự an tâm và an toàn cho du khách? Nhưng trước mắt, ở những nơi không có điểm trông đồ như chùa Hà, cách tốt nhất là khách đừng mang theo quá nhiều tài sản cũng như giấy tờ quan trọng khi đi lễ chùa. Nếu có mang theo thì cảnh giác giữ gìn.

Việc đi lễ đền chùa, hay các lễ hội đông người còn kéo dài, vì thế bài học cảnh giác này có lẽ sẽ không thừa cho tất cả mọi người. Hãy cẩn trọng, kẻo khi bị kẻ trộm "viếng" đồ, vừa thiệt hại về tài sản, vừa chuốc vào mình tâm lý lo âu vì sợ không may mắn trong suốt cả năm

T.Hòa
.
.
.