Triệt tiêu “mầm mống tội phạm” - chuyện dài nhiều tập

Thứ Bảy, 28/04/2018, 08:44
Thực tế, các vụ án hình sự có sử dụng bạo lực xảy ra đều được cơ quan Công an tiếp nhận thông tin kịp thời và khám phá án đạt tỷ lệ cao. Tuy nhiên, khi chứng minh tội phạm, Cơ quan điều tra gặp rất nhiều khó khăn.

Một khi việc xử lý tội phạm chưa đúng với hành vi đã gây ra sẽ tạo nên bất bình trong dư luận cũng như niềm tin của người dân vào công lý.

Mặt khác, khi áp dụng biện pháp mạnh là trừng trị thích đáng kẻ gây án nhưng chưa bứng tận gốc “mầm mống tội phạm” thì vấn nạn côn đồ vẫn tồn tại và sẽ xảy ra như cơm bữa…

Theo luật sư Đỗ Hải Bình, Đoàn luật sư TP HCM, “giết người” và “cố ý gây thương tích - CYGTT” là hai tội danh trong Bộ luật hình sự mà từ trước đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi bởi hai tội danh này chỉ cách nhau một "bước chân".

Có những vụ án tội danh thể hiện rõ ràng nhưng cũng có vụ án hậu quả là như thế nhưng để xác định là "giết người" hay chỉ "CYGTT" không hề dễ.

Để xác định được một trong hai tội danh trên thì việc cơ bản đầu tiên là phải chứng minh được ý chí, động cơ của người gây án. Có trường hợp xác định được động cơ của đối tượng gây án là giết người, cũng có trường hợp không cần căn cứ vào động cơ mà chỉ xem tư thế chém, tư thế đâm, tư thế thực hiện hành vi thì có thể kết luận được ý chí thực hiện hành vi phạm tội của đối tượng.

Công an TP HCM thu giữ đồ gian của các đối tượng phạm tội.

Có vụ án, đối tượng bị truy tố về tội "CYGTT" gây hậu quả chết người. Vậy việc CYGTT vẫn có trường hợp chết người xảy ra, vấn đề là chúng ta lấy căn cứ nào để xác định nó là giết người hay CYGTT? Vì vậy các cơ quan tiến hành tố tụng phải căn cứ vào kết quả cuối cùng và kinh nghiệm xét xử để đưa ra phán quyết.

Trong nhiều trường hợp có hậu quả chết người xảy ra nhưng đối tượng gây án không đâm vào vùng trọng yếu của cơ thể thì việc truy tố bắt đầu khó khăn.

Tương tự, nhiều vụ án hậu quả chết người không xảy ra nhưng vết thương nằm ở những vùng trọng yếu của cơ thể thì vẫn bị truy tố tội "giết người". Vì vậy, trong một số trường hợp để xác định tội "giết người" hay "CYGTT" các cơ quan tiến hành tố tụng rất "đau đầu".

Theo luật, thì phải căn cứ vào ý chí chủ quan của bị cáo nhưng thực tế nhiều vụ việc không thể chứng minh được trong đầu bị cáo nghĩ gì, vì vậy hầu như các cơ quan tố tụng đều căn cứ vào hậu quả xảy ra, tư thế đâm và vùng nào bị đâm để xác định tội danh... nên quan điểm đôi khi mâu thuẫn nhau và mỗi nơi vận dụng mỗi kiểu.

Đối với Cơ quan điều tra, khó khăn nhất là đối với các vụ án có nhiều đối tượng tham gia thực hiện hành vi bạo lực với một người hoặc nhiều người bằng nhiều loại hung khí, công cụ khác nhau.

Vụ án lại xảy ra nơi vắng vẻ, nạn nhân đã chết, nhân chứng không có, dấu vết hiện trường bị xóa, các đối tượng bị bắt giữ khai báo gian dối, quanh có, chối tội… thì việc xác định hành vi của từng đối tượng là rất nan giải.

Nếu không làm kỹ thì rất dễ xảy ra quan điểm khác nhau trong việc xác định tội danh giữa các cơ quan tiến hành tố tụng. Mà chưa có sự thống nhất thì rất khó cho công tác truy tố, xét xử về sau.

Mặt khác, sau khi xảy ra sự việc CYGTT, trong khi nạn nhân đang còn chữa trị tại bệnh viện thì các đối tượng gây án đã tìm đến nhà, người thân của nạn nhân để thương lượng, gây áp lực, thậm chí đe dọa để nạn nhân viết đơn bãi nại, không yêu cầu xử lý hình sự và từ chối giám định thương tật.

Mà khi nạn nhân không hợp tác thì không đủ căn cứ để xử lý hành vi này nên đối tượng gây án thoát thân. Mặt khác, khi vụ án có nhiều đối tượng tham gia gây án, thường không thể bắt cùng lúc hết các đối tượng nên các đối tượng bị bắt đổ tội hết cho đối tượng còn trốn.

Do không thể kiểm chứng ngay nên tạm thời các đối tượng bị bắt được cho người thân bảo lãnh về nhà. Từ đó, chúng liên hệ nhau để bàn bạc khai báo đối phó với Cơ quan điều tra nên việc xác định đúng người, đúng tội là không dễ dàng.

Để giải quyết những khó khăn này, theo Đại tá Lê Ngọc Phương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an, công tác khám nghiệm hiện trường phải hết sức thận trọng, tỉ mỉ; kết luận giám định pháp y tử thi, thương tích phải thật sự chính xác; cần tiến hành thực nghiệm điều tra đúngpháp luật; thu thập đầy đủ thông tin về đối tượng trước, trong và sau khi gây án…

Theo Thiếu tá, TS Trần Thị Hương (Trung tâm Nghiên cứu Tội phạm học & Điều tra tội phạm Viện Khoa học Cảnh sát, Học viện CSND), trong công tác điều tra khám phá án giết người ở một số nơi còn hạn chế từ công tác phát hiện, thu thập thông tin, tài liệu có liên quan đến vụ án ở hiện trường, xung quanh hiện trường còn chưa kịp thời, đầy đủ nên gây khó khăn trong việc đưa ra những nhận định có tính định hướng cho hoạt động điều tra.

Việc lựa chọn và triển khai các biện pháp cấp bách còn chưa phù hợp và khẩn trương dẫn đến không kịp thời xác định và truy bắt đối tượng gây án. Từ đó vụ án bị câu dầm, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân, ảnh hưởng đến tình hình ANTT.

Bên cạnh đó, nhiều kẽ hở của pháp luật và thủ tục kiện tụng rắc rối, kéo dài như hiện nay đã vô tình “tiếp tay” cho các băng nhóm giang hồ tồn tại, lớn mạnh.

Chẳng hạn trong chuyện vay mượn nợ, khi bị quỵt tiền thì nhiều người có xu hướng tự mình hoặc thuê côn đồ để đòi nợ mà không nhờ sự can thiệp của cơ quan pháp luật.

Vì khi kiện ra tòa đòi nợ, từ lúc nộp đơn đến lúc xét xử phải mất hằng tháng trời, đó là chưa kể bản án bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm… có khi quay tới quay lui mất gần chục năm trời mà chưa chắc đã xong. Đã vậy, đến lúc thi hành án, người bị kiện chẳng có tài sản (hoặc đã tẩu tán hết) để mà thi hành thì cũng bằng không.

Hay đối với các vụ liên quan đến hành vi cho vay nặng lãi, theo quy định mới hiện nay là cao gấp 5 lần (tức khoảng trên 5%/tháng) so mức lãi suất theo quy định trong Bộ luật Dân sự sẽ bị xử lý hình sự.

Trên thực tế cho vay nặng lãi phổ biến đều trên 10%/tháng trở lên nhưng kẻ cho vay chẳng bao giờ để lại chứng cứ về hành vi vi phạm pháp luật của mình.

Thế nhưng khi tiếp nhận tố giác từ các nạn nhân, cơ quan tiến hành tố tụng thường đòi hỏi bị hại cung cấp chứng cứ mà chưa chịu khó sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để xác minh, điều tra lần ra manh mối nên rất ít khi kẻ cho vay bị khởi tố.

Nhiều cửa hàng mua bán phụ tùng xe gắn máy, phụ tùng ô tô, cửa hành kinh doanh mua bán đồ cũ như laptop, ĐTDĐ… hầu hết là hàng không rõ nguồn gốc nhưng việc xử lý cũng chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chính từ 200 ngàn đến 40 triệu đồng tùy theo giá trị hàng hóa vi phạm.

Với mức phạt này chẳng thấm vào đâu so với nguồn thu nhập bất chính mà họ thu được. Cũng theo quy định của pháp luật khi xem xét vụ việc hành chính có dấu hiệu tội phạm thì người có thẩm quyền xử phạt phải chuyển ngay hồ sơ vi phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự.

Muốn vậy cơ quan kiểm tra (UBND, quản lý thị trường… các cấp) phải truy nguồn gốc của hàng hóa. Tuy nhiên công việc này chẳng dễ dàng gì vì người vi phạm giở chiêu “mua của người không rõ lai lịch” thế là xong.

Nếu pháp luật quy định người kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ sẽ bị xử lý hình sự như buôn bán hàng giả, hàng cấm thì có lẽ chuyện mua hàng gian sẽ giảm đáng kể.

Việc xử lý vi phạm vũ trường, nhà hàng, quán bar cũng vậy, việc xử lý chỉ dừng ở mức độ xử phạt hành chính, chứ chưa thể đề xuất rút giấy phép kinh doanh do vướng phải luật doanh nghiệp.

Vì các lỗi vi phạm ấy hoàn toàn không nằm trong các trường hợp bị rút giấy phép theo luật doanh nghiệp. Mà có rút giấy phép đi chăng nữa thì người chủ chỉ cần thuê người khác đứng tên thành lập doanh nghiệp ngay trên địa điểm cũ thế là xong. Từ những khó khăn trên dẫn đến chưa để bứng tận gốc mầm móng phát sinh tội phạm về bạo lực…

Nhóm PV
.
.
.