Tội phạm tham nhũng kinh tế luôn tinh vi và phức tạp

Thứ Hai, 04/07/2016, 09:06
Sau khi một số vụ án lớn trong lĩnh vực ngân hàng như vụ Huỳnh Thị Huyền Như, Nguyễn Đức Kiên, Hà Văn Thắm, Phạm Công Danh… bị phát hiện, điều tra, xử lý đã có tác dụng răn đe tội phạm trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, tội phạm kinh tế vẫn xảy ra nhiều và gây thiệt hại lớn trong lĩnh vực ngân hàng.


Ngày 3-7, Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an, cho biết: Thời gian qua, đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và chỉ thị của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; nắm tình hình đấu tranh với tội phạm kinh tế, tham nhũng trong các ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm, tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc nổi lên như hoạt động lừa đảo lợi dụng kinh doanh đa cấp; phòng ngừa tội phạm kinh tế trong quá trình hội nhập…

Toàn lực lượng đã phát hiện 9441 vụ, 8631 đối tượng phạm tội về kinh tế; 123 vụ phạm tội về tham nhũng, xử lý 178 đối tượng.

Huỳnh Thị Huyền Như tại phiên tòa.

Qua nắm tình hình và đấu tranh cho thấy, sau khi một số vụ án lớn trong lĩnh vực ngân hàng như vụ Huỳnh Thị Huyền Như, Nguyễn Đức Kiên, Hà Văn Thắm, Phạm Công Danh… bị phát hiện, điều tra, xử lý đã có tác dụng răn đe tội phạm trong lĩnh vực này.

Các ngân hàng thương mại cổ phần tự điều chỉnh hoạt động theo quy định của pháp luật; tình trạng lợi dụng “sở hữu chéo”, tạo vốn ảo, thâu tóm ngân hàng, dùng công ty “sân sau” để rút tiền ngân hàng bước đầu được ngăn chặn. 

Tuy nhiên, tội phạm kinh tế vẫn xảy ra nhiều và gây thiệt hại lớn trong lĩnh vực ngân hàng, thủ đoạn chủ yếu vẫn là thông đồng, móc ngoặc giữa nhóm đối tượng trong và ngoài ngân hàng để trục lợi hoặc cố ý làm trái các quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng, vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động các tổ chức tín dụng gây thiệt hại nhiều tỷ đồng.

Đáng lưu ý, do tình trạng sản xuất, kinh doanh của nhiều công ty gặp khó khăn, tội phạm lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản giữa các cá nhân, doanh nghiệp và giữa doanh nghiệp với ngân hàng diễn biến phức tạp hơn, xảy ra ở nhiều lĩnh vực với nhiều thủ đoạn như, lợi cụng lòng tin, sự thiếu hiểu biết và tâm lý hám lời của người dân để lừa đảo góp vốn kinh doanh, tham gia chuỗi kinh doanh đa cấp, đầu tư dự án, xin việc làm…

Điển hình, Cục Cảnh sát kinh tế (C46) đã bắt 8 đối tượng thuộc công ty Liên Kết Việt lừa đảo chiếm đoạt 1.910 tỷ đồng của 52.000 người dân tại hàng chục địa phương, nhưng loại hình này vẫn khá sôi động, tiềm ẩn nguy cơ gây phức tạp về ANTT.

Đức Mừng
.
.
.