"Tín dụng đen" không ai quản lý

Chủ Nhật, 15/04/2012, 09:09
Thời gian gần đây, tội phạm hoạt động trong lĩnh vực tiền tệ như tín dụng, ngân hàng diễn ra ngày càng phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hoạt động phạm tội trong lĩnh vực này, trong đó có sự bất cập về quản lý vốn, việc điều hành lãi suất chưa hợp lý và kiểm soát nguồn tiền giải ngân chưa chặt chẽ, dẫn đến phát sinh nhiều hệ lụy…
>> "Vay họ" - biến tướng của tín dụng đen

Chỉ cần một giờ cuối ngày đi dạo quanh Trung tâm Thương mại Pleiku, tỉnh Gia Lai, tôi có cơ hội nhận ra nhiều loại hình cho vay nặng lãi, từ vay trả góp, đến trả lãi hằng ngày, lãi tháng… Chị Lan, một tiểu thương buôn bán Trung tâm Thương mại Pleiku kể, chị vay gần 100 triệu đồng của một chủ tiệm vàng chuyên cho vay lấy lãi. Lãi suất lúc đầu là 6 - 8%/tháng, sau tăng lên 10%/tháng.

Ngoài hình thức vay trả lãi hằng tháng, các tiểu thương ở đây chủ yếu vay trả góp hằng ngày. Đều đặn mỗi ngày, cứ cuối buổi chiều là chị C. cho người đi thu lãi. Ở phố núi Pleiku, có đến hàng chục người kinh doanh nghề này, nhưng thực tế không phải lúc nào cũng suôn sẻ.

Thực tế tín dụng ngân hàng tuy lãi suất thấp nhưng để vay vốn phải mất nhiều thủ tục và tài sản thế chấp. Trong cuộc sống thực tại nhiều người cần tiền làm ăn nhưng không có tài sản thế chấp nên tự nguyện đi vay dòng tiền bên ngoài. Cùng với việc vay vốn làm ăn, nhiều người vì nợ nần nhiều, mất khả năng thanh toán nên tìm cách vay "tín dụng đen" để trang trải nợ… Có người lợi dụng lòng tin của người thân, bạn bè đứng ra huy động vốn rồi lừa đảo bỏ trốn.

Ở Gia Lai, vụ vỡ nợ lớn liên quan đến Mai Quý Thọ, Phạm Thị Én và Phan Thị Hồng với số tiền thất thoát hơn 135 tỉ đồng đến nay hậu quả dai dẳng chưa thể khắc phục được. Thế nhưng, hậu họa của vụ vỡ nợ này chưa qua thì hiện nay tại Gia Lai vẫn đang diễn ra hàng loạt vụ vỡ nợ khác.

Chưa bao giờ tôi phải chứng kiến thảm cảnh buồn như cuộc sống của những người dân phố núi đang bị rơi vào tình trạng vỡ nợ như bây giờ. Gần như đi đâu cũng nghe người dân bàn tán xôn xao về chuyện vỡ nợ, giật hụi, cấn nhà… bỏ trốn. Trong đó, có nhiều khoản nợ đến hàng chục tỷ đồng mà không có một hợp đồng cam kết trả nợ cụ thể, rõ ràng nào.

Nhiều người đem tiền tỷ ra đưa cho người khác nhưng chỉ ghi sổ hoặc viết mấy chữ ngoằn ngoèo trên tờ giấy lộn. Trong khi đó, vì ham lợi mà nhiều người thế chấp tài sản ngân hàng vay tiền để đưa hết cho các chủ vay nhưng bây giờ không lấy lại được.

Mai Quý Thọ và các bị cáo liên quan trong vụ án lừa đảo chiếm dụng vốn hàng trăm tỷ đồng ở Gia Lai, từng gây xôn xao dư luận. 

Cơ quan Công an TP Pleiku và Công an tỉnh Gia Lai đang nhận hồ sơ xử lý nhiều vụ vỡ nợ có dấu hiệu lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản với số tiền hàng chục tỷ đồng nhưng phần lớn đều không có khả năng thu hồi nợ. Bởi dòng tiền của các con nợ này đã "chảy" vào tay các chủ nợ khác và cứ thế tạo thành làn sóng vỡ nợ dây chuyền.

Trong thực tiễn các vụ lừa đảo huy động vốn từ "tín dụng đen" cho thấy có khá nhiều chiêu thức khác nhau với mục đích chung là đánh vào lòng tham bằng lãi suất cao. Ở Đắk Lắk, Nguyễn Thị Hiếu (43 tuổi), ở xã Ea Bông, Krông Ana, Đắk Lắk và Lê Trung Kiên đã lợi dụng lòng tin của nhiều người, lừa đảo chiếm đoạt với tổng số tiền 6.246.360.000 đồng, thông qua thủ đoạn mượn sổ đỏ để vay vốn, trả lãi suất cao.

Hay, Phạm Hoàng Thu Thảo (40 tuổi) và Trần Đình Dũng (38 tuổi) là nhân viên Công ty Cà phê Thắng Lợi, trú tại xã Hòa Đông, huyện Krông Păk, tỉnh Đắk Lắk, đã tung ra chiêu lừa vay tiền của một số người dân với lý do là để đáo hạn ngân hàng và trả lãi suất vay từ 1.500 đồng đến 3.000 đồng/triệu/ngày (4,5 - 9%/tháng) rồi sau đó chiếm đoạt hơn 54 tỷ đồng…

Ngoài con số hàng trăm vụ vỡ nợ trước đây kéo dài đến nay vẫn chưa giải quyết xong, hiện trên địa bàn Gia Lai, Lâm Đồng và Đắk Lắk, Đắk Nông… cũng đang tiếp tục xảy ra những vụ vỡ nợ lớn và liên quan đến nhiều người. Trên địa bàn Đắk Lắk hiện đang xảy ra hàng chục vụ vỡ nợ lớn với tổng số tiền thiệt hại ban đầu lên đến trên 263 tỷ đồng.

Trong đó có 10 doanh nghiệp, 12 đại lý và 5 hộ cá thể ở Đắk Lắk mất khả năng trả nợ trong quá trình mua bán nông sản, huy động vốn lãi suất cao rồi chiếm đoạt. Tại Gia Lai, hiện có hàng chục vụ vỡ nợ quy mô lớn, số tiền thiệt hại bị chiếm dụng gần 100 tỷ đồng và liên quan đến hơn 70 cá nhân và ngân hàng. Tình trạng vỡ nợ này ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thu nợ của các ngân hàng và nợ xấu kéo dài, nhiều tài sản thế chấp ngân hàng không bán được…

Thực ra không phải đến bây giờ loại tội phạm lừa đảo này mới xuất hiện mà đã có từ rất lâu nhưng được biến tướng theo từng thời kỳ, dưới nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay trong việc xử lý loại tội phạm này là quy định pháp luật còn nhiều bất cập và tạo khe hở để lách luật.

Theo quy định Bộ luật Hình sự, hành vi phạm tội cho vay nặng lãi phải ở mức lãi suất gấp 10 lần lãi suất Nhà nước quy định trở lên mới cấu thành tội phạm. Vì thế nhiều vụ vỡ nợ hiện tại vẫn lòng vòng trong việc tranh chấp dân sự rất khó xử lý. Mặt khác nhiều người dân khi đem tiền cho vay không có giấy cam kết thời hạn rút vốn, không có tài sản thế chấp nên các con nợ cứ hứa hẹn lòng vòng không trả nhưng không thể xử lý hình sự được.

Lợi dụng các khe hở pháp luật, nhiều con nợ tẩu tán tài sản trước khi tuyên bố phá sản, hoặc lợi dụng việc vỡ nợ, mất khả năng thanh toán để nâng giá cấn trừ những tài sản nhằm thu lợi. Nhiều người sợ mất hết tiền không thu hồi được nên ngậm đắng nuốt cay chấp nhận lấy tài sản với giá đắt…

Trong thực tế nhiều vụ án đưa ra giải quyết theo Luật Dân sự nhưng lại không có khả năng thi hành án bởi tài sản đã bị tẩu tán một cách hợp pháp. Tính "hợp pháp" ở đây được phân tích dưới góc độ lách luật, pháp luật không thể phát hiện điều chỉnh kịp thời, hoặc không có cơ sở pháp lý để điều chỉnh. Đây cũng chính là khe hở để cá nhân có thể vay tiền của nhiều người từ bên ngoài rồi tìm cách tẩu tán không trả nợ, đợi đến khi kiện ra tòa đòi nợ thì không còn tài sản để thi hành án mà pháp luật chưa có sự điều chỉnh.

"Tín dụng đen" ở đây là cách hiểu nôm na của dòng tiền tồn tại dưới hình thức cho vay lấy lãi ngoài hệ thống quản lý của các tổ chức tín dụng, ngân hàng được pháp luật quy định. Dòng tiền này đang tồn tại dưới dạng của cá nhân, hay một nhóm người tự đứng ra cho vay lấy lãi theo lãi suất tự thỏa thuận giữa đôi bên.

Ngọc Như
.
.
.