Tiền chất ma túy trong lọ Johnson&Johnson

Thứ Hai, 16/06/2008, 10:43

Được con trai ở Úc hướng dẫn tỉ mỉ, Nguyễn Bá Trí đã đi mua thuốc Actifed (loại thuốc có thành phần PsuedoEphedirne 60mg, một dạng tiền chất dùng sản xuất ma túy) về nghiền nhỏ, đóng vào các hộp phấn rôm Johnson&Johnson rồi gửi chuyển phát nhanh sang Úc.

Ngày 13/6, Cục CSĐT tội phạm về ma tuý đã chuyển kết luận điều tra vụ án Nguyễn Bá Trí đến Viện KSND tối cao đề nghị truy tố đối tượng về tội vận chuyển tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy. Từ vụ việc này, vấn đề đặt ra là việc quản lý tiền chất ma túy ở Việt Nam như thế nào để không bị sử dụng vào mục đích bất hợp pháp?

Một buổi chiều giữa tháng 5/2007, một người đàn ông tên là Nguyễn Bá Trí, 48 tuổi, trú tại xã Phước Hưng (An Phú, An Giang) đến Công ty TNHH chuyển phát nhanh DHL - VNPT (Công ty DHL) ở phường 4 (Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) để gửi lô hàng đi Australia theo địa chỉ: Thien Kim, 289 Marion St Condell Park N.S.W 2200 Sydney, Australia.

Lô hàng đó, theo ông Trí trình bày là gửi cho cháu của mình mới sinh, gồm: 10 chai mang nhãn hiệu Johnson's baby powder loại 500gam; 4 hộp mang nhãn hiệu Jonhson's baby pricky heart; 20 hộp kem Thorakao Cream; 6 bộ quần áo đầm trẻ em.

Chuyện gửi quà ra nước ngoài là bình thường, nhưng thái độ của người đàn ông gửi hàng này thì không bình thường chút nào. Khi các nhân viên hỏi số điện thoại bàn và địa chỉ nơi ở, ông ta tìm mọi lý do chối quanh. Thông tin trên nhanh chóng được báo về Cục CSĐT tội phạm về ma tuý (ở phía Nam).

Ngay trong ngày, Đội 3, Cục Điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan, Cục CSĐT tội phạm về ma tuý và đại diện Công ty DHL đã tiến hành kiểm tra lô hàng và thử nhanh chất bột trắng ở trong các chai mang nhãn hiệu Jonhson's baby powder thì thấy phản ứng dương tính với Ephedrin (loại tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy).

Sau đó, theo kết quả giám định của Viện KHHS - Bộ Công an thì chất bột trắng đựng trong các chai mang nhãn hiệu Johnson's baby powder loại 500g có thành phần Psuedoephedrine, đây là một loại tiền chất dùng để sản xuất ma tuý.

Khám xét khẩn cấp chỗ ở của Trí, cơ quan CSĐT- Bộ Công an còn thu giữ 1 hộp thuốc Actifed, một cái chày dùng để giã nhỏ thuốc Actifed, 10 chai phấn rôm trẻ em bị cắt phần cổ và khoảng 8kg chất bột màu trắng.

Theo lời khai của Nguyễn Bá Trí thì tháng 2/2007, con trai của ông Trí là Nguyễn Tấn Tài đang định cư tại Australia gửi cho khoảng 270 triệu đồng để mua thuốc Actifed (loại thuốc có thành phần PsuedoEphedirne 60mg) gửi sang cho Tài.

Tài hướng dẫn bố rất tỉ mỉ việc tránh sự kiểm soát của lực lượng Công an 2 nước. Đó là nghiền nhỏ thuốc thành dạng bột mịn, đóng vào các vỏ chai phấn rôm loại 500g, xong niêm phong lại như mới, rồi gửi chung với các hộp kem nghệ, hộp phấn rôm và quần áo trẻ em như những món quà gửi người thân thông thường khác.

Rất tinh vi, Tài dặn bố trong 5 lần gửi đầu tiên chỉ gửi phấn, quần áo và kem, không gửi các chai thuốc bột, còn những lần sau thì gửi chai thuốc bột với khối lượng tăng dần lên.

Nguyễn Bá Trí đã nhiều năm làm nghề mua bán tân dược và làm nha sỹ. Vì tình thương con mù quáng nên ông Trí đã chấp nhận làm theo hướng dẫn của Tài. Ông Trí đã đến các hiệu thuốc trên địa bàn TP Hồ Chí Minh mua gom thuốc Actifed, rồi mang về làm như hướng dẫn của Tài, cho vào các chai phấn rôm Johnson's baby powder.

Trong 5 lần đầu gửi hàng cho Tài sang Australia, Trí chỉ gửi các loại hàng phấn rôm thật. Từ lần thứ 6, trong lô hàng của Trí đã xuất hiện các hộp phấn rôm rởm chứa thuốc Actifed đã nghiền nhỏ. Ông ta không hề biết rằng từ lô hàng thứ 8 đã bị hải quan Australia phát hiện. Đến lần gửi thứ 12 tại Công ty chuyển phát nhanh DHL - VNPT thì Nguyễn Bá Trí đã bị các ngành chức năng của Việt Nam phát hiện.

Cơ quan CSĐT- Bộ Công an đã đủ cơ sở kết luận Nguyễn Bá Trí đã có hành vi vận chuyển tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy với số lượng tổng cộng 38kg bột thuốc Actifed chứa thành phần Psuedoephedrine.

Theo báo cáo của Ủy ban quốc gia phòng chống AIDS và phòng, chống ma tuý, mại dâm, ở Việt Nam, các đơn vị chức năng đã cấp 488 giấy phép xuất, nhập khẩu tiền chất. Tuy chưa phát hiện việc thất thoát tiền chất vào sản xuất ma túy bất hợp pháp nhưng việc quản lý, kiểm soát tiền chất đến khâu cuối cùng vẫn gặp nhiều khó khăn

Ngoài ra, đã xuất hiện một số vụ việc thu gom các loại sản phẩm có chứa tiền chất trên thị trường, sau đó gửi ra nước ngoài. Chẳng hạn, qua  phối hợp đã thu giữ được 40 tấn thuốc tím (là tiền chất sản xuất heroin) từ Việt Nam vận chuyển sang Hồng Kông sử dụng vào mục đích bất hợp pháp. Hoặc vụ triệt phá đường dây mua bán vận chuyển effedrin từ Việt Nam sang Australia tiêu thụ, bắt đối tượng Phùng Bảo Ninh, thu 10kg effedrin....

Tình trạng trên đòi hỏi các đơn vị chức năng, ngoài việc phát hiện, bắt giữ, cần tiếp tục chủ động, tham mưu, đề xuất những biện pháp phù hợp nhằm đáp ứng tốt yêu cầu kiểm soát tiền chất trong tình hình hiện nay

T.Hòa
.
.
.