Thuốc trừ sâu giả mạo danh hàng ngoại nhập

Thứ Sáu, 25/12/2015, 08:26
Những công nhân tại xưởng sản xuất nhận một số loại thuốc trừ bệnh cho cây trồng nội địa, sau đó pha chế với màu bằng phương pháp thủ công, đóng gói rồi dán các nhãn hiệu thuốc trừ sâu nổi tiếng của nước ngoài…

Tối 23-12, Đội 7, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) - Công an TP Hồ Chí Minh kiểm tra tại địa chỉ B21/448A tổ 21, ấp 2, xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, bắt quả tang 4 đối tượng Nguyễn Vũ Hoài Anh (22 tuổi, quê tỉnh Bến Tre), Nguyễn Văn Thanh Tú (19 tuổi, quê tỉnh Hậu Giang), Nguyễn Văn Hiền (27 tuổi, quê tỉnh Bến Tre), Lê Văn Kương (23 tuổi, quê tỉnh Hậu Giang) đang sản xuất thuốc trừ sâu giả.

Nguyễn Vũ Hoài Anh bên máy sang chiết thuốc trừ sâu giả.

Tại hiện trường có rất nhiều bao đựng các nguyên vật liệu dùng để sản xuất hàng giả. Nhiều sản phẩm thuốc trừ sâu trên bao bì ghi: Thuốc trừ sâu thế hệ mới hiệu Takumi (Nhật Bản), Chess, Filia, Tilt Super, Anvil (Thụy Sỹ)...

Lời khai ban đầu cho thấy, bốn đối tượng này là những công nhân làm thuê. Thực hiện theo chỉ đạo của ông chủ (chưa rõ lai lịch), các đối tượng này nhận một số loại thuốc trừ bệnh cho cây trồng do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất. Số hàng này sau đó được đưa về địa chỉ trên, các công nhân đổ ra pha chế với màu bằng phương pháp thủ công, sau đó dùng máy sang chiết vào các bình được dán các nhãn hiệu thuốc trừ sâu nổi tiếng của nước ngoài.

Mỗi ngày, cơ sở này sản xuất khoảng 20 thùng thuốc trừ sâu giả theo đơn đặt hàng, trị giá khoảng 100 triệu đồng. Thị trường tiêu thụ thuốc trừ sâu giả này chủ yếu tại các tỉnh miền Tây. Cơ quan Công an thu giữ nhiều tem nhãn, máy móc dùng để làm giả thuốc trừ sâu và một số lượng lớn thuốc trừ sâu giả thành phẩm, trị giá ước tính khoảng 500 - 600 triệu đồng.

Trước đó, Phòng PC46 cũng đã từng phát hiện một cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật giả ở đường Phan Anh (phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân).

Tại cơ sở này, có đến 10 công nhân đang thực hiện các công đoạn pha chế, đóng nhãn mác lên các sản phẩm. Cơ quan chức năng đã thu giữ số lượng lớn thuốc giả gắn các nhãn hiệu: Atonik, Cher 50 Wg, Cruiser, Amistar-top… và một số loại máy móc dùng để sản xuất thuốc giả. Thị trường tiêu thụ thuốc bảo vệ thực vật giả do cơ sở này sản xuất phần lớn cũng là các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

T.Hà
.
.
.