Thủ đoạn của tội phạm "ngoại" trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng

Thứ Ba, 03/07/2012, 10:31
Cùng với chính sách mở cửa, hội nhập vào nền kinh tế quốc tế của nước ta, ngày càng có nhiều người nước ngoài đến Việt Nam làm ăn, sinh sống và tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực là sự xuất hiện nhiều loại tội phạm liên quan đến người nước ngoài, trong đó đáng lưu ý là tội phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.

Theo nhận định của Văn phòng Interpol Việt Nam, loại tội phạm này trong thời gian qua diễn biến rất phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi và có sự trợ giúp đắc lực của yếu tố công nghệ thông tin. Thủ đoạn khá phổ biến trong thời gian qua là bọn tội phạm người nước ngoài thường làm giả lệnh chuyển tiền để buộc các ngân hàng trong nước phải xuất toán.

Điển hình là vụ Văn phòng Interpol Việt Nam nhận được yêu cầu phối hợp của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) và Văn phòng Interpol Washington điều tra làm rõ lệnh lừa đảo chuyển tiền qua hệ thống ngân hàng từ Mỹ về Việt Nam. Qua phối hợp điều tra, các cơ quan chức năng đã làm rõ ngày 31/8/2011, có một lệnh giả chuyển tiền 1.247.037 USD từ Ngân hàng Hawaii (Mỹ) về Ngân hàng HSBC tại New York sau đó lại chuyển về một ngân hàng TMCP tại TP HCM.

Đơn vị thụ hưởng là một công ty có trụ sở ở TP HCM. FBI cho biết, bọn tội phạm đã sử dụng công nghệ cao đột nhập vào hệ thống ngân hàng tại Hawaii để làm giả lệnh chuyển tiền trên. Hệ thống ngân hàng Mỹ đã cố gắng hủy lệnh này khi phát hiện gian dối nhưng không thành công và tiền đã được chuyển vào tài khoản của công ty trên tại ngân hàng ở TP HCM.

Một đối tượng tội phạm "ngoại" (X) bị trục xuất về nước.

Một số đối tượng người nước ngoài lợi dụng chính sách ưu đãi đầu tư của Nhà nước ta đã đội lốt các nhà đầu tư nước ngoài "đầy tiềm năng" để góp vốn điều lệ vào doanh nghiệp liên doanh với các đối tác Việt Nam, sau đó yêu cầu chuyển tiền liên doanh ra nước ngoài để mua sắm thiết bị nhưng lại tìm cách nâng khống giá trị hợp đồng bằng việc thông đồng với các công ty nước ngoài nhằm mục đích chiếm đoạt tiền.

Họ cũng tìm cách móc ngoặc với cán bộ tín dụng của ngân hàng ở Việt Nam để vay vốn dưới chiêu bài đầu tư kinh doanh nhưng khi vay được vốn thì ôm tiền bỏ trốn. Khi sự việc vỡ lở, cơ quan chức năng xác minh mới biết nhiều đối tượng người nước ngoài trước đó là doanh nhân đã từng có tiền án, tiền sự ở nước ngoài, thậm chí đang bị cơ quan hành pháp nước ngoài truy nã.

Một số đối tượng là người nước ngoài bị nghi vấn tham gia các đường dây "rửa tiền" thông qua việc chuyển "tiền bẩn" từ các hoạt động phi pháp mà có từ nước ngoài vào tài khoản ở hệ thống ngân hàng nước ta, sau đó lại rút ra để chứng minh tiền có nguồn gốc rõ ràng. Chỉ tính riêng năm 2011, Công an Việt Nam đã tiếp nhận và xử lý 15 vụ việc, 33 đối tượng liên quan đến phòng chống rửa tiền do các cơ quan trong và ngoài nước chuyển tới.

Trong giai đoạn kinh tế khó khăn, một số đối tượng người nước ngoài hoặc lợi dụng danh nghĩa pháp nhân nước ngoài tự xưng là đại diện các tổ chức tài chính nước ngoài lớn tìm đến các doanh nghiệp Việt Nam đang "khát vốn" để cho vay ưu đãi nhưng yêu cầu phải ứng trước 5% - 10% vốn đối ứng.

Khi có được số tiền này, bọn chúng dùng chữ ký giả để rút tiền và bỏ trốn khiến doanh nghiệp Việt Nam đã khó khăn lại càng lâm vào cảnh điêu đứng. Điển hình, Công ty TNHH Thanh Hà (tại Hà Nội) làm giả các giấy tờ của ngân hàng Mỹ, Anh, Moldova, giấy chứng nhận của Văn phòng Tổng thống Mỹ, Interpol, FBI… chứng minh có khả năng tài chính lớn và có thể cho các doanh nghiệp Việt Nam vay vốn.

Chúng đã yêu cầu các doanh nghiệp trong nước đóng góp tiền để làm chi phí chuyển tiền và đóng thuế nhưng thực chất là lừa đảo chiếm đoạt. 

Đối tượng người nước ngoài cũng đánh cắp dữ liệu của các chủ tài khoản tại các ngân hàng nước ngoài, sửa chữa thông tin, giả mạo chữ ký để chuyển tiền về các tài khoản ảo mở sẵn (đăng ký bằng giấy tờ giả) rồi nhanh chóng rút tiền và không thực hiện thêm giao dịch nào nữa. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, hằng năm có rất nhiều giao dịch đáng ngờ kiểu này với tổng giá trị quy đổi lên đến hàng trăm tỷ đồng. Nhiều người nước ngoài đem tiền giả như USD, euro hoặc kỳ phiếu từ nước ngoài vào Việt Nam để trà trộn, tiêu thụ ngoài thị trường và hệ thống ngân hàng.

Điển hình là Văn phòng Interpol Việt Nam đã nhận được yêu cầu xác minh của Cục Phòng chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước) về giá trị pháp lý tờ kỳ phiếu 1,5 tỷ USD do Ngân hàng Anh phát hành và một công dân Indonesia sở hữu. Sau khi phối hợp với Cảnh sát Anh xác minh, Văn phòng Interpol Việt Nam xác định kỳ phiếu này là giả.

Tại Việt Nam, một số đối tượng người nước ngoài thường sử dụng séc du lịch giả, séc bị sửa đổi tiền với kỹ thuật tinh vi, séc mất cắp được mạo chữ ký sử dụng kèm với hộ chiếu giả, Công an Việt Nam đã phát hiện hai đối tượng là Borry Bernard Edouard Charles (quốc tịch Thụy Sỹ) và Sumair Malik (quốc tịch Pakistan) dùng séc du lịch giả để đến các ngân hàng ở TP HCM thực hiện giao dịch lừa đảo.

Theo báo cáo của chi nhánh Ngân hàng Commonwealth Australia có trụ sở tại quận 1, TP HCM, hai đối tượng trên đã dùng 14 séc du lịch giả, trị giá mỗi séc 500 euro để đổi và chiếm đoạt tổng cộng 7.000 euro. Nhiều đối tượng người nước ngoài câu kết với đối tượng trong nước làm giả hợp đồng, hóa đơn, chứng từ để chiếm đoạt tiền thuế VAT với số lượng lớn.

Chúng sử dụng Internet để tra cứu thông tin về tên, địa chỉ, số điện thoại, số fax, tên giám đốc, ngành nghề kinh doanh của các công ty nước ngoài sau đó làm giả hợp đồng mua bán giữa công ty trong nước với các công ty này để chiếm đoạt tiền hoàn thuế. Điển hình là vụ Công ty TNHH Hiệp Hưng làm giả giấy tờ, hợp đồng mua bán thuốc lá ngoại với các công ty của Hồng Kông, Singapore, Anh để hoàn thuế VAT, chiếm đoạt hơn 100 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước.

Với những thủ đoạn tinh vi trên, bọn tội phạm người nước ngoài hoặc lợi dụng danh nghĩa nước ngoài đang gây thiệt hại rất lớn cho Nhà nước, cá nhân, tổ chức và hệ thống tài chính, ngân hàng nước ta. Vì vậy, các doanh nghiệp, cá nhân cần biết và cảnh giác trước các thủ đoạn này nhằm tự bảo vệ mình, tìm được đối tác đúng đắn, làm ăn chân chính.

Đồng thời, các cơ quan bảo vệ pháp luật cần nhanh chóng có các biện pháp phòng ngừa mạnh mẽ và hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng này, đảm bảo sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế

Nguyễn Tuấn - Phạm Vũ
.
.
.