Thông tin mới nhất liên quan đến vụ trộm “hàng độc” tại Cần Thơ

Thứ Hai, 12/10/2015, 08:39
Sáng 11/10, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu hàng không (XDHK) Việt Nam (Vinapco), thuộc Tổng Công ty Hàng không Việt Nam có văn bản gửi đến cơ quan CSĐT (PC46) Công an TP Cần Thơ, thể hiện rõ quan điểm của mình trước hành vi của một nhân viên thuộc Tổ tra nạp XDHK sân bay quốc tế Cần Thơ - Xí nghiệp XDHK miền Nam, đơn vị trực thuộc Vinapco.


Trong văn bản kể trên, ông Hoàng Mạnh Tuấn, Tổng giám đốc  Vinapco khẳng định, căn cứ vào lời khai ban đầu tại CQĐT Công an TP Cần Thơ của ông Nguyễn Quý Thanh – Tổ phó Tổ tra nạp Cần Thơ, thì việc ông Thanh lấy dầu của Công ty bán cho đối tượng bên ngoài (Lê Thế Nguyên) trước hết đã vi phạm quy định của Vinapco.

“Còn hành vi đó có vi phạm pháp luật hay không, điều đó còn tùy thuộc vào kết quả điều tra và kết luận của cơ quan CSĐT về nguồn gốc dầu, hành vi và mức độ vi phạm”.

Lãnh đạo Vinapco cho biết, ngay sau khi vụ việc được cơ quan điều tra phát hiện, Công ty đã quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Thanh và các nhân sự có liên quan để tổ chức kiểm điểm và phục vụ công tác điều tra, xác minh làm rõ. “Quan điểm của Vinapco là xử lý nghiêm minh theo nội quy lao động Công ty và các quy định của pháp luật. Rất mong cơ quan CSĐT Công an TP Cần Thơ điều tra, làm rõ nguồn gốc nhiên liệu, hành vi và mức độ vi phạm của ông Nguyễn Quý Thanh và thông báo kết luận để Công ty chúng tôi có cơ sở xử lý vi phạm người lao động…” – lãnh đạo Vinapco tỏ rõ quan điểm.

Như Báo CAND ngày 16/8 đã thông tin ban đầu, vào ngày 15/8, Phòng PC46 Công an TP Cần Thơ đã bắt quả tang Lê Thế Nguyên (28 tuổi) đang vận chuyển 20 can dầu (600 lít) từ trong khu vực gần sân bay quốc tế Cần Thơ về nơi cưu trú của Nguyên tại tổ 6, khu vực 3, phường Trà An, quận Bình Thủy (TP Cần Thơ). Khám xét khẩn cấp địa chỉ nói trên, cơ quan điều tra phát hiện thêm 41 can (1.230 lít).

Qua làm việc, Lê Thế Nguyên khai nhận tổng cộng 1.830 lít dầu trên đều là dầu trắng, sử dụng cho máy bay do Nguyên mua tại khu vực sân bay Cần Thơ. Mở rộng điều tra, cơ quan điều tra bắt thêm các đối tượng: Hoàng Trung (30 tuổi) và Lê Minh Nhóc (26 tuổi, cùng ngụ quận Ô Môn). Hai đối tượng này đều khai nhận mua dầu của Nguyên để bán lại kiếm lời. Qua nhiều ngày đấu tranh, Nguyên khai nhận, toàn bộ số dầu trên mua tại Tổ tra nạp XDHK sân bay Cần Thơ, thuộc Xí nghiệp XDHK miền Nam.

Mở rộng điều tra, cơ quan điều tra quyết định triệu tập ông Nguyễn Quý Thanh. Ông Thanh thừa nhận, ngày 22/7 bán cho Nguyên 300 lít dầu chỉ với giá 9.000 đồng/lít. Tiếp đó, ngày 15/8, Thanh bán 600 lít, cũng là loại dầu Jet A1 sử dụng cho máy bay. Số tiền thu được từ việc bán dầu, Thanh khai đưa cho Võ Thanh Quang, lái xe của Tổ để… nộp vào quỹ đơn vị (?).

Lê Thế Nguyên bị bắt quả tang vận chuyển xăng máy bay về nhà.

Về nguồn gốc số dầu, Thanh khai nhận đã lấy từ dầu dư thừa khi xả cặn, hoá nghiệm, dầu vét trong các xe bồn và tiết kiệm hao hụt trong định mức. Trong các lần bán dầu, Thanh là người sang dầu từ thùng phi qua can, mang vác, chất dầu lên thùng xe bồn vận chuyển ra khỏi khu vực kho dầu.

Điều khiến dư luận khó hiểu chính là nội dung báo cáo đề gửi Vinapco của lãnh đạo Xí nghiệp XDHK miền Nam sau 10 ngày vụ việc bị phát hiện. Cụ thể, báo cáo của Xí nghiệp cho biết ông Thanh và một số nhân viên thuộc Tổ tra nạp sân bay quốc tế Cần Thơ cam kết “không có liên quan đến vụ việc ngày 15/8”. Lãnh đạo Xí nghiệp báo cáo: “Từ ngày 16-8 đến 21-8-2015, cơ quan điều tra đã mời các ông Hà Văn Tuân, Nguyễn Quý Thanh, Võ Thanh Quang, Nguyễn Ngọc Tuấn và Đặng Minh Vũ lên làm việc. Trong các buổi làm việc đó, các cá nhân trên trả lời với cơ quan điều tra là không có liên quan đến vụ việc 15/8/2015”.

Trong khi đó, ông Hà Văn Tuân - Tổ trưởng Tổ tra nạp tường trình với lãnh đạo Vinapco: “Vào lúc 9h21, ông Thanh đã gọi điện thoại cho tôi với nội dung “đã xả 20 can dầu bán ra ngoài và bị Công an kinh tế Cần Thơ bắt”. Tôi hỏi dầu ở đâu mà xả thì ông Thanh nói dầu thu hồi xả cặn. Vào lúc 13h58, tôi gọi lại thì ông Thanh nói đang làm việc với Công an, ông nói “đã khai nhận là chỉ bán ra ngoài 20 can trong số 2.000 lít mà Công an đang thu giữ và khai thêm có bán ra ngoài 10 can nhưng là của tháng trước”.

Vào lúc 15h30, tôi có gọi cho ông Trần Kiên Dũng – nhân viên kỹ thuận kiêm thủ kho của Tổ, thì ông Dũng trả lời vắn tắt là ông Thanh đã điện thoại cho anh trai là Nguyễn Quý Thắng xuống Cần Thơ để lo sự việc cho ông Thanh rồi. Với những việc làm tày đình của mình, nhưng các ông ấy không hề lo sợ, không hề làm bản tường trình mà Ban giám đốc vẫn dễ dàng bỏ qua nên tôi nghi ngờ có hay không việc chống lưng cho họ từ phía Ban giám đốc Xí nghiệp?

Sự thật là vào lúc 21h18 ngày 22/8/2015, ông Dũng đã gọi điện cho tôi, nói vào ngày 15/8 ông đang nghỉ bù. Thế nhưng trong phiếu xuất kho cho máy bay Vietjet vào 14h15 cùng ngày 15/8, của chuyến bay VJ701, đường bay VCA – DND, ông Dũng đã ký phiếu (70162), cho thấy hôm đó ông Dũng vẫn đi làm… Điều này trùng khớp với lời của ông Vũ đã nói với tôi là xe ra lúc 13h30 ngày 15/8 do anh Tuấn lái chỉ chở 10 can loại 30 lít…”. 

Những nghi vấn của ông Tuân không được lãnh đạo Xí nghiệp báo cáo đầy đủ cho Vinapco vì cho rằng thời điểm xảy ra vụ trộm, “ông Tuân không có mặt tại Tổ mà chỉ nghe qua người khác; ông Tuân cho rằng không xác định được nguồn gốc số dầu ông Thanh bán từ đâu và qua kiểm kê sáng 17/8, số dầu vẫn đủ kể cả dầu xả cặn; thông tin trong tường trình của ông Tuân không trùng với thông tin của các nhân viên khác…”.

Binh Huyền
.
.
.