Thêm một vụ lừa đảo bằng hình thức đòi nợ cước

Thứ Sáu, 28/02/2014, 09:28
Ngày 27/2, Công an quận 11, TP Hồ Chí Minh cho biết đang tạm giữ 5 đối tượng: Châu Vỹ Hiền (35 tuổi, ngụ phường 15, quận 5), Đặng Minh Sang (22 tuổi, ngụ phường 1, quận 6) và Nguyễn Quốc Tuấn (ngụ phường 12, quận 5) SHIH PAO YU (tên Việt Nam là Bảo, 41 tuổi) và HSEIH MING CHI (tên Việt Nam là Lực, 53 tuổi, cả hai đều mang quốc tịch Đài Loan (Trung Quốc) để điều tra xử lý về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Trước đó, ngày 24/2, bà L.H. (ngụ phường 12, quận 11) đã đến Công an phường 12, quận 11 trình báo bị lừa đảo bởi các đối tượng thông qua dịch vụ đòi nợ tiền cước viễn thông. Theo đơn tố cáo của bà H., sáng 24/2, bà H. nhận được một cuộc điện thoại từ số máy bàn, đầu dây bên kia xưng là nhân viên của tổng đài thông báo bà H. nợ một khoản tiền cước khá lớn do số điện thoại này thường xuyên gọi ra nước ngoài.

Vì ở nhà nội trợ lại chẳng gọi đi đâu ra nước ngoài nên bà H. ngờ ngợ thì “nhân viên tổng đài” cho biết bà có liên quan đến một đường dây rửa tiền mà Công an Hà Nội đang thụ lý điều tra, sau đó đầu dây bên kia cúp máy. Chưa kịp định thần thì bà H. nhận tiếp một cuộc điện thoại, đầu dây bên kia xưng là “cán bộ” Công an Hà Nội thông báo cho bà H. biết, bà là một trong những “mắt xích” quan trọng trong một đường dây rửa tiền.

Các đối tượng trong vụ lừa đảo “đòi nợ cước viễn thông” và tang vật.

Từ một người chỉ biết ở nhà làm nội trợ bỗng dưng biến thành tội phạm, bà H. cố hỏi xem “cán bộ” có nhầm bà với ai không, nhưng đầu dây bên kia giọng người đàn ông khẳng định bà H. là đối tượng đang bị điều tra. Từ trạng thái nghi ngờ bà H. bỗng hoang mang khi nghe thấy tiếng còi hụ, và những câu hỏi cung đan xen lọt vào điện thoại.

Để bà H. tin tưởng tuyệt đối, vị “cán bộ” đưa ra một số thông tin liên quan đến những thành viên trong nhà bà H.. Bị phủ đầu bằng những thông tin liên quan đến người thân khá chính xác, bà H. liên tục trả lời vị “cán bộ ” về tài sản và số tài khoản của các ngân hàng nơi bà gửi tiền. Sau khi đánh tâm lý, “vị cán bộ” yêu cầu bà H. gửi tiền vào tài khoản để họ xác minh, nếu đúng số tiền của bà H. gửi trong các ngân hàng ít hơn thì bà H. sẽ được minh oan và hai giờ sau, sau khi xác minh đúng sự thật bà H. không liên quan, số tiền của bà H. sẽ được hoàn lại tài khoản. Đến lúc này bà H. như “chết đuối vớ được phao” nên xin số tài khoản của vị “cán bộ” trên và gửi vào 170 triệu đồng mong vị “cán bộ” xác minh giùm..

Sau khi chuyển tiền vào tài khoản cho vị “cán bộ” xong trở về nhà bà H. mới định thần và nhớ lại toàn bộ câu chuyên. Bà H. bỗng giật mình vì những gì mà vị “cán bộ” nói giống như những chiêu thức mà báo đài mấy ngày qua đang cảnh báo người dân. Biết mình bị lừa, bà H. đã đến Công an phường 12, quận 11 trình báo.

Sau khi tiếp nhận thông tin, Công an phường 12 đã báo cáo vụ việc cho Công an quận 11 để điều tra làm rõ. Qua xác minh, Công an quận 11 xác định số tiền của bà H. gửi đã được chuyển 150 triệu đồng vào 3 tài khoản do Hiền, Sang, Tuấn đứng tên, 20 triệu đồng còn lại được rút bằng hệ thống Internet Banking.

Đến trưa 25/2, Công an quận 11 đã tìm thấy Hiền, Sang và Tuấn và cả ba khai nhận đã thực hiện hành vi lừa đảo trên. Khám xét nhà Tuấn, Công an quận 11 thu giữ nhiều thẻ ATM, thẻ tín dụng và thẻ tài khoản ngân hàng và nhiều chứng từ liên quan đến việc rút tiền.

Theo lời khai của ba đối tượng, “kịch bản” mà ba đối tượng này lừa các nạn nhân là do SHIH PAO YU (Bảo) và HSEIH MING CHI (Lực) dựng lên nên chiều 25/2, trong lúc các đối tượng đang trao đổi với nhau, Công an quận 11 đã bắt được hai đối tượng này tại một quán cà phê trên đường Triệu Xuân Hòa (quận 5). Khám xét nơi ở của hai đối tượng người Đài Loan này, Công an quận 11 phát hiện nhiều thẻ tín dụng quốc tế, máy đếm tiền, máy tính bảng. Hiện, Công an quận 11 đang tiếp tục mở rộng điều tra vụ án

M.Đ.
.
.
.