Thái Bình: Vạch mặt kẻ giả danh cán bộ Ban Chính sách Tỉnh đội

Thứ Ba, 29/11/2005, 09:23

Đó là Phạm Xuân Thủy (48 tuổi), ở xã Việt Hùng, huyện Vũ Thư (Thái Bình). Chỉ là anh nông dân làm ruộng, nhưng gặp ai Thủy cũng khoe khoang là cán bộ của Ban Chính sách Tỉnh đội Thái Bình, có thể giúp mọi người, nhất là những người từng tham gia bộ đội giải quyết các vướng mắc trong việc xin chứng nhận thương bệnh binh với giá trọn gói là 10 triệu đồng.

Thực ra, các cán bộ của Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV Công an tỉnh Thái Bình cũng chẳng lạ gì người "cán bộ chính sách" trên. Năm 1997, Phạm Xuân Thủy đã sử dụng mánh khóe lừa đảo trong việc nhận làm thủ tục khám thương tật, nâng hạng thương binh và chạy cho đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc. Bị kết án 9 năm tù, nhưng anh ta được đặc xá, ra trại sớm hơn thời hạn. Về địa phương, anh ta có vẻ chăm chỉ làm ăn một thời gian. Đến năm 2005, phần lười lao động, phần lại cần tiền để cung phụng cho mối tình bất chính với cô gái chỉ bằng tuổi con đầu, nên Thủy "ngựa quen đường cũ".

Các trinh sát tiến hành bắt giữ Thủy khi anh ta đang trên đường "du hý" với cô tình nhân trẻ. Khám trong người Thủy thu được 7 bộ hồ sơ đề nghị giám định thương binh quân đội, với số tiền khoảng 13 triệu đồng. Tại cơ quan Công an, rất khôn ngoan, Thủy lại khai chệch ra rằng, do có mối quan hệ với một số ban, ngành trong quân đội nên nhận làm 7 bộ hồ sơ đề nghị giám định thương binh cho Nhâm Thị Nụ, ở xã Đông Hoàng, huyện Đông Hưng. Sở dĩ có việc đổ tội này vì Thủy biết rõ Nụ đã từng bị Công an Thái Bình bắt về hành vi làm giả các loại giấy tờ chứng nhận thương bệnh binh cho một số người và mới mãn hạn tù.

Không để lọt tội phạm, cũng như không để oan người khác, các điều tra viên của Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV đã vào cuộc, triệu tập Nhâm Thị Nụ và 7 người có tên trong các hồ sơ trên. Cả 7 người khai chẳng biết Nụ là ai, tất cả bọn họ đều trực tiếp hoặc gián tiếp qua người thân giao dịch và nộp hồ sơ cho Thủy. Không diễn "trò" được nữa, Thủy đành khai nhận đã mua giấy khống (công văn đề nghị, giấy chứng nhận bị thương) rồi về hướng dẫn mọi người điền vào. Có 2 trường hợp là của chị Vũ Thị Liễu (Thái Thụy) và anh Phạm Công Phan (Quỳnh Phụ), tự Thủy viết các dữ liệu vào hộ. Còn các giấy tờ khác như lý lịch, chứng nhận thương tật... cần xin dấu và xác nhận của chính quyền địa phương thì mọi người tự làm.

Quá trình điều tra, cơ quan Công an đã phát hiện và thu giữ của Phạm Xuân Thủy một bản danh sách với 27 tên người và địa chỉ cụ thể. Như vậy, nhiều khả năng đây chính là danh sách những người đã nhờ vả Thủy “chạy” cho chế độ thương bệnh binh. Các điều tra viên đã tiến hành xác minh về từng trường hợp có trong danh sách, đến ngày 23/11, các anh đã xác định được 5 người trong bản danh sách đã "nhờ", trong đó có người đã nộp tiền đặt cọc cho Thủy để làm chế độ thương binh. Vụ án vẫn đang tiếp tục được khai thác mở rộng

T.Hòa
.
.
.