Tăng cường công tác tuyên truyền phòng chống tội phạm công nghệ cao

Thứ Ba, 11/05/2021, 14:35
Ngày 11/5, Công an TP Thủ Đức, Công an TP Hồ Chí Minh, cho biết, nhằm chủ động phòng chống loại tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Công an TP Thủ Đức đã chủ động phối hợp với tất cả các chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng trên địa bàn TP Thủ Đức để tuyên truyền phổ biến cho các nhân viên biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các hoạt động tội phạm công nghệ cao.


Trong đó, để phòng chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua chuyển khoản, tài khoản ngân hàng; thành lập nhóm Zalo giữa lực lượng Công an với ngân hàng để kịp thời trao đổi thông tin phòng ngừa tội phạm; niêm yết bảng cảnh báo về phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng này tại các quầy giao dịch, nơi khách hàng, người dân dễ nhìn, dễ đọc để nâng cao cảnh giác.

Công an TP Thủ Đức tuyên truyền phòng chống tội phạm công nghệ cao cho sinh viên.

Theo Công an TP Thủ Đức, nạn nhân mà các đối tượng thường nhắm đến là phụ nữ, người già trên 60 tuổi, những người ít cập nhật thông tin, báo chí với các thủ đoạn phổ biến như: Mạo danh Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án... yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản do các đối tượng lừa đảo chỉ định vì nghi ngờ nạn nhân có liên quan đến vụ án nghiêm trọng đang được điều tra hoặc yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt tài sản.

Giả danh là cán bộ ngân hàng liên hệ với khách hàng qua Zalo, Facebook kèm hình ảnh hội thảo, các hoạt động chung để tạo niềm tin. Sau đó, đối tượng hứa hẹn có thể cho vay vốn và yêu cầu nạn nhân nộp khoản tiền là “phí bảo hiểm rủi ro” để chiếm đoạt tài sản.

Thủ đoạn khác là thông qua các mạng xã hội (Zalo, Facebook), các đối tượng làm quen, kết bạn rồi hứa hẹn tặng quà, món hàng có giá trị cao, chuyển tiền làm từ thiện hoặc sẽ kết hôn với nạn nhân. Sau đó, các đối tượng giả danh nhân viên giao hàng, nhân viên hải quan yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản do đối tượng lừa đảo chỉ định để đóng phí nhận hàng, phí lo lót cho cán bộ hải quan, thuế… để nhận hàng.

Nhiều thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội.

Các đối tượng còn xâm nhập tài khoản mạng xã hội (Zalo, Facebook) tìm hiểu các mối quan hệ, sau đó giả danh người thân của nạn nhân hỏi vay tiền, nhờ thanh toán tiền rồi chiếm đoạt tài sản. Hay đặt mua hàng qua mạng online, sau đó yêu cầu nạn nhân cung cấp tài khoản ngân hàng hoặc truy cập vào đường link để chiếm đoạt tài sản.

Một trong các thủ đoạn cũ là gọi điện thông báo thuê bao của khách hàng trúng thưởng với một khoản tiền lớn và đề nghị khách hàng chuyển tiền chi phí nhận thưởng chỉ bằng một phần nhỏ so với giá trị giải thưởng… để lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng đến nay vẫn có người “dính bẫy”…

Công an TP Thủ Đức khuyến cáo các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân cần đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi điện thoại từ người lạ, tự xưng là cán bộ các cơ quan nhà nước và các cơ quan tư pháp, tiến hành tố tụng hình sự để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại hoặc giả danh nhân viên ngân hàng, bưu điện, bảo hiểm, thanh tra, hải quan... yêu cầu nhận tiền, quà bưu phẩm có giá trị lớn hoặc đóng các khoản phí, trả các khoản nợ không xác định. Đồng thời, chú ý không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số chứng minh thư (căn cước công dân), địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân... cho bất kỳ ai không quen biết hoặc khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch.

Khi gặp những tin nhắn thông qua các trang mạng xã hội để vay tiền, nhờ mua thẻ điện thoại, yêu cầu chuyển tiền để xác minh tài khoản; nhờ tài khoản ngân hàng để nhận tiền từ nước ngoài... thì người dân cần nâng cao cảnh giác, tuyệt đối không làm theo; nhanh chóng liên hệ hoặc gọi điện thoại nói chuyện trực tiếp với người đó để kiểm tra thông tin. Trong trường hợp đã chuyển tiền đến tài khoản có dấu hiệu lừa đảo, cần nhanh chóng thông báo ngân hàng và trình báo Công an phường gần nhất để được hỗ trợ điều tra, xử lý.

Phú Lữ - Lê Hoa
.
.
.