Tăng cường ANTT tại khu vực bãi bồi nuôi ngao

Thứ Bảy, 03/10/2015, 10:16
Gần đây, tại khu vực bãi bồi ven biển tại địa bàn TP Hải Phòng liên tiếp xảy ra các vụ việc cố ý gây thương tích. Nguyên nhân là do mâu thuẫn tranh chấp diện tích bãi bồi giữa các chủ nuôi ngao gây mất ANTT địa phương.

Gần đây, tại khu vực bãi bồi ven biển tại địa bàn giáp ranh giữa các xã Đại Hợp, Đoàn Xá, huyện Kiến Thụy và phường Bàng La, quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng liên tiếp xảy ra các vụ việc cố ý gây thương tích. Nguyên nhân là do mâu thuẫn tranh chấp diện tích bãi bồi giữa các chủ nuôi ngao gây mất ANTT địa phương.
Điển hình, ngày 7/8, ông Vũ Duy Kha, 52 tuổi, trú tại thôn Đông Tác, xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy, bị Phạm Duy Anh, 23 tuổi, trú tại thôn Quần Mục, cùng xã Đại Hợp, hành hung làm giảm 50% sức khỏe. Trước đó, vào 9h ngày 9/7, cũng tại khu vực trên, anh Bùi Văn Tín, 44 tuổi, trú tại xã Tú Sơn, Kiến Thụy, bị một số đối tượng dùng hung khí tấn công gây thương tích.

Để ngăn chặn tình trạng trên, đảm bảo tình hình ANTT tại khu vực, Phòng CSĐT tội phạm về TTXH, Công an TP Hải Phòng xác lập chuyên án, giao cho Đội 2 làm chủ công phối hợp với Công an quận Đồ Sơn, Công an huyện Kiến Thụy, Đồn Biên phòng Đoàn Xá và lực lượng phòng chống tội phạm ma túy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Hải Phòng tập trung lực lượng đấu tranh phá án. 

Qua dựng lại hiện trường vụ hành hung anh Bùi Văn Tín ngày 9/7, Ban chuyên án xác định nhóm đối tượng gồm: Nguyễn Quốc Bình, SN 1974, ĐKTT phường Kênh Dương, quận Lê Chân, hiện trú tại xã Đoàn Xá, Kiến Thụy, đối tượng có 2 tiền án về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tổ chức đưa người vượt biên trái phép; Lê Nguyên Khương, 42 tuổi, trú tại phường Lam Sơn, Lê Chân; Phạm Văn Trung, 32 tuổi; Đỗ Văn Thợ, 41 tuổi, cùng trú tại xã Đoàn Xá, Kiến Thụy.

Đến ngày 24/9, được sự vận động của lực lượng chức năng, các đối tượng trên ra đầu thú. Qua đấu tranh, các đối tượng khai nhận: Từ năm 2011, Nguyễn Quốc Bình tự nhận rồi cắm cọc vây xung quanh bãi bồi ven biển, khu vực Gò Trồi, cửa sông Văn Úc để nuôi ngao và thuê Khương, Trung và Thợ trông coi, bảo vệ. 

Khoảng 9h ngày 9/7, anh Bùi Văn Tín đi cùng anh Nguyễn Văn Sông, 40 tuổi, trú tại xã Đoàn Xá, Kiến Thụy và một số người đi thuyền ra khu vực bãi nuôi ngao của Bình, cắm cọc để vây nuôi ngao. Thấy vậy, Khương gọi điện báo cho Bình. Một giờ sau, Bình lái xuồng chở Trung và Thợ ra bãi ngao đón Khương rồi cùng đi đến chỗ thuyền của Tín. 

Khu vực nuôi ngao.

Đến nơi, Trung cầm kiếm nhảy sang thuyền của Tín nhưng bị ngã xuống nước; Khương nhảy sang dùng tuýp sắt vụt vào đầu, vai và lưng anh Tín. Bị đánh, anh Tín nhảy xuống nước thì Khương, Bình và Trung tiếp tục dùng kiếm, cọc tre lao theo tấn công, còn Thợ cầm giáo đứng dưới nước giữ xuồng.

Sau đó, Bình bắt anh Tín phải nhổ số cọc tre đã cắm ở bãi ngao rồi mới tha. Hiện, Phòng CSĐT tội phạm về TTXH, Công an TP Hải Phòng đã ra lệnh tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Quốc Bình, Lê Nguyên Khương, Phạm Văn Trung về hành vi cố ý gây thương tích và đang tiếp tục điều tra mở rộng chuyên án.

Được biết, từ cuối năm 2013 đến nay, khu vực bãi nuôi ngao Cồn Cát ở xã Đại Hợp thường xuyên xảy ra tình trạng người dân vào cào trộm ngao. Có hộ bị bắt quả tang lấy trộm 5-6 tạ ngao/lần. Nhiều chủ bãi nuôi ngao đề nghị chính quyền địa phương điều tra làm rõ. 

Địa phương đề nghị Đồn Biên phòng Đoàn Xá hỗ trợ kiểm soát tình hình tại đây. Bước đầu, chính quyền địa phương và lực lượng BĐBP phát hiện và xử phạt hành chính hơn 10 trường hợp. Đây chỉ là phần nhỏ số vụ trộm ngao bị phát hiện và xử phạt hành chính. Ngoài ra, tại đây, thường xuyên xảy ra tình trạng tranh bãi ngao. Nhiều hộ dân sau khi cắm vây nhưng không nuôi ngao mà bán ngay cho người khác hoặc người đứng sau kiếm lời. Do vậy, từ 29 hộ đăng ký nuôi ban đầu với diện tích hơn 100ha, đến nay, tại khu vực này có gần 40 hộ, quây diện tích nuôi là 500ha. Phần lớn trong số này là hộ mới chia tách hoặc không phải người có hộ khẩu thường trú tại Đại Hợp. 

Việc các hộ tự ý quây bãi thả nuôi ngao, dựng chòi canh và thuê bảo vệ tràn lan ở khu vực dẫn tới nhiều mâu thuẫn: giữa chính các hộ nuôi với nhau, giữa các hộ nuôi với người cào ngao tự nhiên, giữa các hộ nuôi với ngư dân đánh bắt tôm cá…Từ những mâu thuẫn này, nảy sinh một số vụ xô khi các hộ nuôi cắm cọc quây bãi chồng lấn vào khu vực của nhau, hoặc bảo vệ bãi ngao cho rằng ngư dân cào ngao vào “cào trộm” tại bãi. Ngoài ra, thời gian gần đây, thường xuyên xảy ra tình trạng xô xát giữa người nuôi và lực lượng bảo vệ bãi với ngư dân khai thác thủy sản tự nhiên.

Để giải quyết tình trạng mất trật tự an ninh, trật tự ở vùng nuôi ngao ngoài khơi Cồn Cát, 3 năm qua, UBND xã Đại Hợp phối hợp với Đồn biên phòng Đoàn Xá và Công an huyện Kiến Thụy lập lại trật tự. Công an huyện Kiến Thụy cử tổ công tác “cắm chốt” tại xã Đại Hợp. Do lực lượng Công an chưa có phương tiện thủy ra ngoài bãi ngao nên việc quản lý và bảo đảm ANTT ở khu vực này chưa hiệu quả. 

Cùng với việc phối hợp với lực lượng Công an và BĐBP, UBND xã Đại Hợp vận động các hộ nuôi ngao xây dựng tổ đội tự quản, tự bảo vệ vùng nuôi và giữ gìn ANTT tại khu vực này nhưng chưa mấy hiệu quả. Tình trạng tranh bãi ngao, xô xát đánh nhau gây thương tích vẫn xảy ra ngày càng nghiêm trọng. Số hộ từ địa phương khác vào tự ý quây bãi, cắm cọc, ngăn cản ngư dân vào khai thác ngày càng nhiều, chính quyền không quản lý được.

Theo UBND xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy, chính quyền địa phương và UBND huyện Kiến Thụy hiện chưa có căn cứ pháp lý để quản lý nhà nước tại khu vực này. Qua khảo sát, diện tích có thể nuôi ngao ở khu vực này khoảng 1.300ha nằm cách bờ từ 3-5km, phía Đông giáp biển Đông, phía Tây giáp rừng ngập mặn, phía Nam giáp bãi bồi ven biển huyện Tiên Lãng và phía Bắc giáp bãi bồi ven biển quận Đồ Sơn.

Hiện tại chưa phân chia ranh giới hành chính rõ ràng tại khu vực bãi ngao giữa Đồ Sơn- Tiên Lãng- Kiến Thụy. Cùng với đó, toàn bộ vùng nuôi này chưa có quy hoạch chi tiết, rất khó cho địa phương trong việc quản lý hộ nuôi, lao động làm thuê cũng như giải quyết những mâu thuẫn phát sinh.

Trong khi chờ quy hoạch, trên cơ sở công văn của UBND huyện yêu cầu giữ nguyên hiện trạng vùng nuôi ở 28 hộ dân như ban đầu, UBND xã Đại Hợp cần vào cuộc, phối hợp với lực lượng BĐBP thống kê chính xác lại các hộ nuôi, diện tích nuôi thực tế của từng hộ để có biện pháp nhắc nhờ, yêu cầu các hộ dân thực hiện nghiêm túc, bảo đảm ANTT, tạo điều kiện cho ngư dân vào khai thác tự nhiên trên cơ sở tôn trọng vùng nuôi, sản phẩm ngao nuôi. 

Đối với các hộ nuôi thuộc tỉnh khác, huyện khác, chính quyền địa phương cần yêu cầu thực hiện nghiêm việc đăng ký tạm trú, chấp hành các quy định về bảo đảm ANTT của địa phương. Nếu không chấp hành, có thể cưỡng chế ra khỏi vùng nuôi. UBND huyện Kiến Thụy chỉ đạo các lực lượng chức năng vào cuộc quyết liệt, xử lý nghiêm những đối tượng hành hung ngư dân.

Đăng Hùng
.
.
.