TP HCM: Đi chợ đồ gian...mà thấy ngại

Thứ Năm, 26/08/2010, 10:36
Cứ khoảng 3h chiều mỗi ngày là cả trăm "tiểu thương" chợ lạc xoong nằm trên đường Phó Đức Chính (quận 1) bày ra vỉa hè hàng ngàn món đồ từ bình dân đến cao cấp. Nhiều tay chơi hàng hiệu nhưng kém về năng lực tài chính thường ra đây săn hàng chính hãng với giá rất mềm, có khi giá rẻ như cho. Có dịp “tận mục sở thị” mới biết nơi đây là điểm dừng của đủ thứ hàng gian, hàng giả và những thủ thuật lừa đảo của những kẻ có tâm địa xấu…

Trên chiều dài khoảng 200m, các tiểu thương bày hàng tràn lan hai bên đường, kẻ mua người bán đông như trẩy hội. Gọi là chợ vì nơi này bày bán vô số chủng loại hàng hóa từ quần áo, giày dép, nồi cơm điện, nón bảo hiểm đến đồng hồ mắt kính thời trang, các mặt hàng phong thủy, đồng hồ các loại…

Dừng xe trước mẹt hàng bày la liệt mắt kính trên tấm bạt xanh rồi nhón tay chọn một chiếc kính hiệu Ray-ban, anh thanh niên chạy xe Honda @, bỏ nhỏ: "Ở đây bán đủ thứ hầm bà lằng, muốn thứ gì cũng có. Kính đeo mắt cũng như các mặt hàng khác, mênh mông giá, từ loại 20.000 đồng đến bạc triệu. Nhiều đứa nhờ chịu khó ra đây lùng sục mà săn được nhiều món đồ hàng hiệu với giá bình dân".

Cái mắt kính hàng hiệu giá ngoài thị trường đến 2 triệu đồng nhưng vì là hàng second-hand (đã qua sử dụng) nên anh nọ chỉ mua với giá 300.000 đồng. Cách chỗ bán kính chỉ vài mươi bước chân là dãy chuyên bán các món đồ đắt tiền, thời thượng như nước hoa, nhẫn nạm đá quý, đồ cổ khảm xà cừ.

Ngay khi khách đang dán mắt vào các món hàng và phân vân không biết chúng là hàng thật hay rởm thì mấy gã thanh niên đứng cạnh đó vốn là dân mua đi bán lại khẳng định: "Toàn hàng xịn, hàng hiệu chính tông". Hỏi hàng từ đâu thì 1 trong các gã ậm ừ: "Từ đủ thứ nguồn, từ bọn ăn bay, từ hàng xách tay của các thủy thủ tàu viễn dương và các tiếp viên hàng không".

Chẳng rõ nguồn gốc của các món hàng có đúng như lời bỏ nhỏ của gã nọ hay không nhưng điều mà không ít người dân ở khu vực này đoán chắc phần lớn hàng được bày bán là "đồ trộm cướp".

Qua quá trình tìm hiểu, chúng tôi không ít lần bắt gặp hình ảnh nhiều gã thanh niên mặt mày bặm trợn cưỡi xe gắn máy được xoáy nòng đôn dzên để chạy với tốc độ cao dừng xe rút túi quần, túi áo lấy ra những chiếc điện thoại cả mới lẫn cũ trao cho đám con buôn rồi nhận tiền từ đám người này.

Cùng đó là hình ảnh nhiều người lang thang quẩy những chiếc bao xác rắn bên trong lổn nhổn giày dép, vợt tennis, tượng Phật, quần áo, kính đeo mắt, kính bơi, điều khiển từ xa, dụng cụ sạc pin, máy nghe nhạc MP3, MP4… đến bán lại cho các con buôn. Chị M.H., lao công quét đường trên tuyến đường này, e dè cho biết mấy tay chạy xe gắn máy tới trao điện thoại thường là phường cướp giật.

Sau khi ăn hàng xong chúng mang tới đây bán cho các con buôn. Nếu có ai thắc mắc thì chúng giải thích đang xài nhưng kẹt tiền nên bán. Còn đám dân bụi quẩy bao xác rắn là dân trộm cắp liên quận, hễ thấy ai sơ hở gì là chúng chôm chỉa. Thường đám này bám khu Tây balô trên đường Đề Thám, Phạm Ngũ Lão (quận 1), chờ khách sơ hở là trộm đồ của họ và tuồn ra đây.

Anh N.N.M., đồng nghiệp với chị H. nói nguồn hàng bày bán ở "chợ" còn do nhân viên thu dọn phòng ở các khách sạn cung cấp. "Khi khách trả phòng về nước, ngại mang vác nặng nên họ cố tình bỏ lại hoặc cho người dọn phòng quần áo, nước hoa, giày dép…".

Khoảng 5h chiều, kẻ bán người mua tấp nập tại chợ lạc xoong Phó Đức Chính. Nhìn nhiều người hoan hỉ vì mua được những đôi giày hiệu, đồ cổ, đồng hồ chính hãng với giá rẻ bất ngờ, anh M. lắc đầu, bảo: "Trong 10 người mua hàng ở đây thì có đến 8 người bị lừa mà không biết. Dân con buôn ở đây tinh mắt lắm, chỉ cần nhìn bộ vó (hình dáng) và kiểu đi đứng, ăn nói, cách xem món đồ của khách là họ biết đó là dân sành hàng hiệu hay chỉ là tay mơ. Nếu là dân tay mơ thì dù cho có cố làm ra vẻ mình sành điệu cỡ nào cũng bị đám con buôn luộc không thương tiếc".

Nhiều người dân sống quanh chợ vỉa hè cho biết chợ họp từ nhiều năm qua. Điều này đồng nghĩa với việc nạn mua bán đồ bất minh, mua bán lấn chiếm lòng lề đường công khai nhưng không được triệt dẹp. Hễ khi lực lượng quản lý đô thị, thanh tra xây dựng ghé thì các con buôn tạm lánh, nhưng khi lực lượng này rút quân thì họ lại bày ra.

"Có những khi đám ăn bay về đây bán hàng, do tranh mua giật mối mà giữa các con buôn xảy ra cãi vã, dọa đâm chém ỏm tỏi khiến bà con sinh sống quanh khu vực này, nhất là những hộ có con em đi học về tối sợ lắm" - một phụ nữ tên Huyền âu lo cho biết!

T.D.
.
.
.