Sơn nữ buôn ma tuý

Thứ Tư, 28/06/2006, 07:57

Từ năm 1999 đến khi bị bắt, đường dây của Nguyễn Trọng Tấn - Hoàng Thị Phượng, công tác tại Đài Phát thanh - Truyền hình huyện Tuần Giáo, đã mua bán và tiêu thụ trót lọt 14 bánh heroin, 27,83 kg thuốc phiện, hàng chục ngàn USD giả.

Vào đầu tháng 10/2001, Trung úy Phạm Văn Cường - cán bộ Phòng PC17 Công an tỉnh Điện Biên bị bọn tội phạm ma túy sát hại. Ngay sau khi vụ án nghiêm trọng xảy ra, Ban giám đốc đã chỉ đạo các đơn vị xác lập chuyên án đấu tranh. Và chỉ 12 ngày sau, 3 đối tượng đầu tiên trong tổ chức tội phạm này bị bắt giữ.

Cũng từ đây, bắt đầu một cuộc đấu trí căng thẳng hơn 5.000 giờ giữa một bên là các điều tra viên dày dạn kinh nghiệm và một bên là tổ chức tội phạm ma túy lớn nhất từ trước đến nay ở Lai Châu (cũ). Với việc mở rộng Chuyên án MC.92001, Cơ quan điều tra lần lượt bắt giữ 31 đối tượng ở 11 tỉnh, thành.

Trong số 5 thành viên nữ tham gia tích cực đường dây tội phạm này, nhân vật cộm cán được người ta biết đến là Tăng Thị Lý (50 tuổi) vợ của Vương Đôn - tên trùm ma túy từng nổi danh nhiều năm ở Điện Biên, sau khi "rửa tay gác kiếm" về thành phố Thanh Hóa tẩy tiền bằng cách mở cửa hàng bán xe máy và kinh doanh bất động sản. Tuy sau này ra tòa, biết không thoát khỏi “dựa cột” nên có bao nhiêu tội lỗi, Vương Đôn nhận thay vợ hết. Trong thực tế, qua tài liệu các trinh sát thu thập được, Tăng Thị Lý mới là người tay hòm chìa khóa, điều tiết hàng chục phi vụ mua bán thứ hàng chết người đó...

Đầu tháng 1/2002, trinh sát Phòng PC17 phá Chuyên án 119.L bắt quả tang 2 chị em Trần Thị Nhàn và Trần Văn Tuấn ở Đội 4, Thanh Yên (Điện Biên) vận chuyển trái phép 2 bánh heroin trên chiếc xe khách chạy tuyến Điện Biên - Hà Nội.

Thượng tá Đặng Xuân Ưu - Trưởng phòng PC17 kể lại với chúng tôi, mới bắt được Nhàn, chính đồng chí cũng nghĩ rằng Nhàn chỉ là nạn nhân. Nhưng sau đấy, bóc trần từng mảng của vụ án nghiêm trọng này mới biết Nhàn không phải tay vừa. Đằng sau cái vẻ ngô nghê đó là một tay buôn ma túy có đai có số.

Mở rộng vụ án, Lực lượng Công an đã bắt khẩn cấp 7 đối tượng khác, trong đó có 2 nữ là: Trần Thị Xá và Vũ Thị Sự đều ở Đội 4, Thanh Yên, thu giữ thêm 150 gram heroin, 5.600 USD và 61 triệu đồng. Đây là một đường dây ma túy tồn tại đã nhiều năm ở xã biên giới Thanh Yên, mà Trần Thị Nhàn là một trong những đối tượng cầm đầu. Các đối tượng trong đường dây này đều là anh em trong một gia đình. Để che mắt công an, bọn chúng tạo vỏ bọc bằng những nghề lương thiện như: làm mộc, làm ruộng. Vũ Thị Sự còn là cán bộ một cơ quan pháp luật huyện Điện Biên (?!).

Thống kê của cơ quan chức năng, từ năm 2000 đến nay, tỉ lệ phụ nữ phạm tội ma túy ở địa bàn tỉnh Điện Biên ngày càng tăng, nếu như năm 2001 mới chỉ có 56 vụ/558 vụ án ma túy có phụ nữ tham gia, chiếm 10% thì năm 2005 là 118/298 vụ, chiếm 39,6%. Năm 2002, trong đợt tấn công xóa tụ điểm phức tạp về ma túy, Công an thị xã Điện Biên Phủ đã lập một chiến công xuất sắc, phá Chuyên án 910.M, bắt gọn một đường dây sử dụng USD giả mua bán trái phép ma túy do Nguyễn Trọng Tấn ở xã Pú Nhung, Tuần Giáo cầm đầu.

Cơ quan điều tra đã lần lượt bắt giữ 13 tên, trong đó có 2 phụ nữ. Đó là: Hoàng Thị Phượng ở bản Chiềng Noong, thị trấn Tuần Giáo; Lò Thị Định ở Mường Tùng, Mường Chà. Người “ngồi chiếu trên” trong đường dây tội ác phải kể đến Hoàng Thị Phượng,  công tác tại Đài Phát thanh - Truyền hình huyện Tuần Giáo, “bồ ruột” của Nguyễn Trọng Tấn. Khi Cơ quan Công an đấu tranh làm rõ từ năm 1999 đến khi bị bắt dưới vai trò chỉ huy của Nguyễn Trọng Tấn - Hoàng Thị Phượng các đối tượng trong đường dây đã mua bán và tiêu thụ trót lọt 14 bánh heroin, 27,83 kg thuốc phiện, hàng chục ngàn USD giả.

Vì sao sơn nữ xuống núi?

Theo thống kê, trong số phụ nữ phạm tội ma túy, phụ nữ người dân tộc thiểu số tăng nhanh và chiếm một tỉ lệ đáng lo ngại: gần 77%. Phần lớn trong số họ làm nông nghiệp hoặc không có nghề nghiệp ổn định, 81% mù chữ hoặc chỉ học hết tiểu học.

Những kẻ buôn bán ma túy là loại tội phạm hoạt động có tính tổ chức chặt chẽ, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Thông thường các đối tượng trong đường dây có mối quan hệ huyết thống, nội tộc, họ hàng hoặc ít ra cũng có mối quan hệ thâm giao, từng được thử thách trong quá trình mua bán, trao đổi ma túy. Chính vì vậy, trong thực tế cũng có không ít phụ nữ phạm tội do chính gia đình lôi kéo, ép buộc.--PageBreak--

Chúng tôi biết nhiều sơn nữ bị những đức ông chồng (nhất là những ông chồng nghiện hút) lôi kéo vào con đường phạm tội, một số trường hợp cố ý phạm tội nhưng cũng có kẻ vô tình, nhưng tựu trung tất cả vì nghèo đói, thất học.

Một chuyện xảy ra cách đây vài năm nhưng vẫn ám ảnh các điều tra viên Công an thị xã Điện Biên Phủ (nay là thành phố) đến tận bây giờ. Hồi trung tuần tháng 3/2001, Công an thị xã bắt quả tang Và Thị Mỷ, 24 tuổi ở Na Ư (Điện Biên) vận chuyển trái phép 2 bánh heroin. Mỷ bị chồng - một tay buôn ma túy có hạng ở bản Ca Hâu bảo mang hàng đi giao cho một người ở Điện Biên. Đến khi bị bắt, Mỷ vẫn tưởng bên trong cái túi chồng đưa là xà phòng (?!).

Hồi đó, các phạm nhân ở gần phòng giam của Mỷ kể lại đêm nào cũng nghe Mỷ khóc vì nhớ và thương hai đứa con nhỏ. Có lúc nghĩ quẩn, Mỷ đã treo cổ tự tử nhưng rất may được cán bộ phát hiện, cứu sống. Ra tòa, các cơ quan bảo vệ pháp luật đều biết chuyện đó, nhưng hành vi dù “vô tình” của Mỷ cũng chỉ là tình tiết giảm nhẹ hình phạt. Sau này Mỷ được ân giảm án thoát tội chết, về thụ án ở trại Thanh Xuân, nhưng đến tận bây giờ Mỷ không hề biết rằng, ngay sau khi cô bị bắt, gã chồng táng tận lương tâm kia đã trốn biệt, bỏ mặc hai đứa con cho anh em họ hàng nuôi...

Phát huy vai trò của các cấp hội phụ nữ

Đấu tranh phòng chống và kiểm soát ma túy là một cuộc chiến lâu dài và cam go. Tuy nhiên, giải pháp lâu dài cho công tác này là cần xây dựng một trận tuyến toàn dân, tăng cường nhận thức cho quần chúng nhân dân.

Hiện nay, tỉnh Điện Biên có 52.624 hội viên trên tổng số 89.444 phụ nữ tuổi từ 18 trở lên sinh hoạt trong 2.043 chi hội cơ sở. Trong các gia đình có người nghiện ma túy, gánh nặng bao giờ cũng đè lên vai người phụ nữ. Những người mẹ, người vợ có chồng có con nghiện ma túy hoặc phạm tội ma túy đều rất cần sự giúp đỡ và sẻ chia của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể quần chúng, trong đó có Hội Phụ nữ. Thực tế, nhiều phụ nữ giúp chồng con thoát khỏi cái chết trắng, nhưng cũng có không ít người mẹ, người vợ vì thiếu hiểu biết, mềm yếu... vô tình càng làm cho người thân dấn sâu vào ma túy.

Với các địa bàn xa xôi hẻo lánh, chị em hội viên phụ nữ chính là người sâu sát cơ sở, am hiểu địa bàn... Do đó, Hội Phụ nữ làm sao phải phát huy hiệu quả vai trò tuyên truyền, có nhiều biện pháp, cách làm hay, phù hợp trong việc phòng chống, kiểm soát ma túy. Các chi hội phụ nữ phải là nơi để chị em trao đổi kinh nghiệm phòng chống ma túy, hướng dẫn các bà mẹ, người vợ những kiến thức, kinh nghiệm quản lý, giáo dục chồng con nhận thức được tác hại và tránh xa ma túy hoặc cũng nhận được một sự hòa giải, một lời khuyên hoặc ít ra cũng tìm được sự sẻ chia, thông cảm.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần tiếp tục đầu tư các chương trình phát triển KTXH, nhất là chương trình xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm...  hướng quần chúng vào các hoạt động lành mạnh, tránh bị bọn tội phạm lừa phỉnh hay lợi dụng. Khi đã có một cuộc sống khấm khá hơn và trình độ dân trí cao hơn thì chắc chắn chúng ta sẽ ngăn ngừa được loại tội phạm nguy hiểm này

Vũ Mạnh Hà
.
.
.