Sinh viên, học sinh phạm tội

Thứ Năm, 24/07/2008, 12:58
Không thông hiểu pháp luật, thiếu kiềm chế trong các mối quan hệ xã hội, nhất là với bạn bè cùng trang lứa… Trả giá cho những phút giây nông nổi đó, dù vẫn đang ngồi trên ghế nhà trường, nhiều học sinh đã phải đứng trước vành móng ngựa. Khi đã phạm vào tội nghiêm trọng, nhiều bị cáo - học sinh đã phải trả giá bằng những năm tháng đằng đẵng trong tù. 

Vi phạm Luật Giao thông: chuyện tưởng nhỏ nhưng không nhỏ

Ngồi lọt thỏm giữa 10 bị cáo mang trọng tội giết người tại tòa phúc thẩm tối cao tại TP HCM sáng 21/7 là một cô gái dáng người xanh xao, nhỏ nhắn. Cô gái và cha đến phiên tòa từ sáng sớm trước cả khi các cán bộ dẫn giải can phạm vào.

Lịch xét xử Đào Kim Anh (18 tuổi, ngụ huyện Trảng Bom, Đồng Nai) được xếp thứ tư. Đến 11h trưa, phiên toà xử Anh mới bắt đầu.

Theo án sơ thẩm, trưa 1/12/2007, Anh điều khiển xe gắn máy chở chị Trâm, người hàng xóm đi từ Dầu Giây về nhà chị Trâm ở Long Thành, Đồng Nai.

Khi đi đến đoạn đường Km01+800 thuộc xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất, do không quan sát mặt đường phía trước, trong khi đang lái xe một tay nên chiếc xe gắn máy do Anh điều khiển đã lấn sang phần đường bên trái theo chiều lưu thông đụng vào chiếc xe gắn máy chạy ngược chiều do Nguyễn Văn Dũng điều khiển.

Tai nạn xảy ra làm cháu bé con anh Dũng (chưa đầy một tuổi) chấn thương nặng, sau đó chết tại Bệnh viện Thống Nhất. Với hành vi như trên, Anh đã bị truy tố và bị TAND tỉnh Đồng Nai xử phạt 15 tháng tù về tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.

Tại tòa, Anh khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình như án sơ thẩm đã tuyên, chỉ mong Hội đồng xét xử cho hưởng án treo để tiếp tục đến trường. Vào thời điểm gây tai nạn, Anh đang học lớp 12 một trường cấp 3 ở Trảng Bom, Đồng Nai.

"Từ lúc bị khởi tố đến nay, tinh thần nó luôn hoảng loạn. Nó cứ sợ ở tù con đường học hành sẽ chấm hết. Tôi và mẹ nó phải động viên tinh thần nó suốt từ đó đến nay. Ngày 13/5, tòa Đồng Nai xử sơ thẩm, tuyên buộc nó 15 tháng tù giam, nó bỏ cả ăn, cả ngủ trong khi kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học sắp đến gần.

Sợ nó hành động dại dột, tôi và mẹ nó phải thay phiên nhau lên chỗ nó trọ học (nhà Anh cách trường 15 cây số nên em ở trọ gần trường để đi học) ở lại để khuyên nhủ nó. Tôi biết rằng chỉ có sự học mới có thể giúp nó vượt qua được "cửa ải" này.

Nhờ gia đình luôn động viên, cuối cùng nó cũng vượt qua kỳ thi tốt nghiệp với điểm số khả quan, rồi dự thi tiếp vào Trường Đại học Sài Gòn và trường cao đẳng ở tỉnh nhà", cha của Anh tâm sự.

Các bị cáo là sinh viên bị TAND TP HCM đưa ra xét xử vào tháng 5/2008.

Nhận định lỗi bị cáo gây ra thuộc trường hợp nghiêm trọng, tuy nhiên xét bị cáo khi phạm tội còn đang độ tuổi vị thành niên, bản thân còn đang đi học, bị hại đã có đơn bãi nại. Ngoài ra, tòa còn xét hoàn cảnh gia đình bị cáo nghèo, khó khăn nhưng vẫn cố gắng khắc phục cho gia đình bị hại và cho bị cáo đi học nên chấp nhận kháng cáo của bị cáo, chuyển hình phạt tù giam sang tù treo, 2 năm thử thách.

Xích mích nhỏ nhưng gây hậu quả lớn

Trước đó, ngày 18/7, TAND TP HCM cũng đã xử phạt Phan Nhật Duy và Phan Ngọc Tuấn cùng mức án 2 năm 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội Cố ý gây thương tích. Nguyễn Công Sơn và Huỳnh Công Hoan là bạn học cùng học lớp 10A/12 Trường THPT Thanh Đa, quận Bình Thạnh, TP HCM.

Do mâu thuẫn từ trước nên ngày 23/9/2005, Hoan bị Sơn đánh. Sợ Sơn tiếp tục gây sự nên Hoan nhờ Tuấn đến gặp Sơn để giải hòa.

Chiều 30/9, Tuấn, Duy cùng hai người bạn gặp nhóm của Sơn tại bờ sông khu cư xá Thanh Đa. Đôi bên lời qua tiếng lại, bị bạn của Sơn là Hiếu đánh trước, Tuấn liền lấy con dao mang theo trong cặp đâm vào hông Hiếu một nhát rồi bỏ chạy.

Ngay lúc này, Duy cũng lôi từ trong cặp ra một con dao tự chế đâm tiếp Hiếu một nhát. Theo kết quả giám định pháp y, Hiếu bị vết thương thấu bụng gây rách gan, rách thận với thương tích 44%.

Tại toà, dù rút lại tội danh giết người, chỉ truy tố Tuấn và Duy tội cố ý gây thương tích nhưng phát biểu tại toà, vị đại diện VKS nhận định, cần phải có mức án thể hiện tính nghiêm minh, làm gương cho các học sinh khác. Ông cho biết thêm, thời gian vừa qua nhiều vụ án xảy ra ở lứa tuổi học trò, dư luận đang rất bức xúc vì không chỉ gây mất trật tự địa phương mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến sức khoẻ, tinh thần của nhiều người.

Qua vụ án cho thấy, các địa phương, nhà trường và đoàn thể chưa thấy được trách nhiệm của mình, nhất là các vị phụ huynh trong việc quản lý, giáo dục con cái. Tuy nhiên, để thể hiện tính khoan hồng của pháp luật và tạo điều kiện cho các bị cáo còn có cơ hội đến trường, ông đề nghị Hội đồng xét xử xử phạt từ 30 đến 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Chấp nhận lời đề nghị của VKS, HĐXX đã tuyên phạt cùng mức án 30 tháng tù treo.

Tuỳ theo tính chất mức độ của từng vụ án mà các cơ quan tố tụng đề nghị và xử phạt mức hình phạt tù hay treo chứ không hẳn là học sinh là được xử "nương" tay.

Tháng 5/2008, TAND TP HCM đã xét xử và tuyên phạt Nguyễn Chí Nhân (22 tuổi, quê Tiền Giang), nguyên sinh viên năm 2 Trường Đại học Bách Khoa TP HCM 20 năm tù về tội Giết người. Liên quan đến vụ án, 6 bị cáo khác cũng nguyên là sinh viên đang học và đã tốt nghiệp của trường Bách Khoa cũng bị xử phạt từ 12 đến 18 tháng tù về tội Gây rối trật tự công cộng.

Theo cáo trạng, trong lúc chơi đá banh trong sân trường, nhóm của Nhân và Định va chạm với một nhóm cựu sinh viên khác. Chuyện chỉ có vậy thôi nhưng Nhân đã dùng con dao đem theo đâm một nhát chí mạng vào lưng của cựu sinh viên khác gây chết người.

Hành vi phạm tội nào rồi cũng phải trả giá, thế nhưng tham dự những phiên toà này ai cũng tiếc, giá như những học sinh, sinh viên này thông hiểu pháp luật và kiềm chế hơn trong các mối quan hệ xã hội thì giờ đây không phải trả giá đắt như thế

Anh Huy
.
.
.