Siết chặt trật tự an toàn giao thông dịp cuối năm

Thứ Tư, 16/12/2015, 08:25
Trong thời gian qua, tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn Hà Nội tuy giảm cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương, nhưng còn diễn biến khá phức tạp. 
16h30, đường Thụy Khuê, Trần Phú, Cửa Bắc… lưu lượng phương tiện đã lưu thông kín đường. Đây cũng là thời điểm tan học của nhiều trường cấp 3. Bởi thế, lực lượng Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ dường như vất vả hơn vì vừa phải tập trung hướng dẫn người dân lưu thông, vừa phải tăng cường xử lý vi phạm.

“Tuýt”, tiếng còi hiệu lệnh từ Cảnh sát giao thông yêu cầu một học sinh đang phóng xe máy điện dừng lại. Thoáng chút bối rối, song cậu học sinh hiểu ngay lý do mình bị dừng xe là thiếu mũ bảo hiểm. Biết rằng không thể xin bỏ qua lỗi, dắt vội xe vào lề đường, cậu học sinh khẽ nói với Cảnh sát giao thông: “Trưa nay cháu đi vội nên quên đội mũ”.

Tuy nhiên, ngay sau đó biên bản vẫn được đồng chí Đào Minh Toàn, cán bộ Đội Cảnh sát giao thông số 2 lập và yêu cầu học sinh ký nhận. Theo chân lực lượng Cảnh sát giao thông 1 giờ cuối buổi chiều xử lý vi phạm, phóng viên ghi nhận hơn 20 trường hợp học sinh đi xe đạp điện, xe máy điện vi phạm giao thông.

Trong đó nhắc nhở 7 trường hợp chưa gắn biển số, 8 trường hợp không đội mũ bảo hiểm và xử phạt những trường hợp còn lại với nhiều lỗi vi phạm khác nhau. Trung tá Nguyễn Hồng Hải, Đội phó Đội Cảnh sát giao thông số 2 cho biết, địa bàn đội quản lý có nhiều trường trung học cơ sở và trung học phổ thông tập trung ở các quận Ba Đình, Tây Hồ…

Học sinh đi xe máy, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm bị xử lý nghiêm.

Do số lượng học sinh điều khiển xe đạp điện, xe máy điện rất nhiều, trong khi phần lớn đều chưa chấp hành tốt các quy tắc giao thông, đội đã có kế hoạch tăng cường xử lý vi phạm, đảm bảo trật tự  an toàn giao thông dịp cuối năm tại khu vực trước cổng trường. Việc này cũng nhằm tuyên truyền trực tiếp tới các em học sinh, nâng cao nhận thức về những quy định của Luật Giao thông đường bộ để tạo cho các em ý thức tự chấp hành giao thông tốt hơn.

Không chỉ xử phạt từ lỗi nhỏ nhất, thời gian này, lực lượng Cảnh sát giao thông Hà Nội cũng đã tăng cường xử phạt qua hình ảnh. Việc xử phạt các trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ được áp dụng theo hai hình thức: thông qua hệ thống từ trung tâm điều khiển giao thông, thông báo bằng bộ đàm, gửi hình ảnh cho lực lượng Cảnh sát giao thông cắm chốt, tuần tra trên các tuyến đường dừng phương tiện xử lý để xử phạt tại chỗ hoặc dùng hình ảnh ghi lại từ camera giao thông rồi gửi về địa chỉ của chủ xe đề nghị trình diện để phạt “nguội”.

Theo Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (PC67) thuộc Công an TP Hà Nội, ngoài công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, hệ thống camera này còn hỗ trợ đắc lực cho các lực lượng Công an trong công tác phát hiện đối tượng cướp giật, những vụ trọng án xảy ra tại các địa bàn công cộng…

Theo ghi nhận của phóng viên, sau nửa tháng ra quân, hàng trăm trường hợp đã được xử lý nghiêm. Về cơ bản đã không còn tình trạng người vi phạm khi bị yêu cầu dừng xe, xử phạt thường tranh cãi với lực lượng làm nhiệm vụ. Hầu hết, khi được lực lượng làm nhiệm vụ cho xem lại hình ảnh ghi rõ thời điểm, địa điểm vi phạm, người tham gia giao thông đều “tâm phục, khẩu phục” nghiêm túc thừa nhận vi phạm.

Đại tá Đào Vịnh Thắng cho biết thêm: Để đảm bảo trật tự an toàn từ nay đến cuối năm, nhất là thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2016, Phòng PC67 sẽ huy động thêm cán bộ chiến sĩ tăng cường tuần tra kiểm soát trên 29 tuyến đường trọng điểm.

Các tổ tuần tra được giao nhiệm vụ phát hiện và kiểm tra xử lý nghiêm các hành vi vi phạm gây cản trở giao thông hoặc là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến ùn tắc, tai nạn giao thông như xe tải chở quá khổ, quá tải, đi vào đường cấm, đi sai giờ; xe khách dừng đỗ đón trả khách sai quy định; Dừng đỗ, quay đầu không đúng quy định; vi phạm tốc độ, nồng độ cồn…

Ngoài ra, các tổ tuần tra sẽ giải quyết các tình huống phức tạp, các sự cố đột xuất, phát sinh trong quá trình tham gia giao thông như xảy ra các vụ va chạm, tai nạn giao thông; các vụ cháy, nổ; phương tiện chết máy, hỏng hóc trên đường gây cản trở giao thông…

Đồng thời, các Cảnh sát giao thông chủ động hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân trong mọi tình huống, người già, phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, người ngoại tỉnh, người nước ngoài qua đường, đi lạc, bị nạn hoặc gặp các khó khăn trong quá trình tham gia giao thông.

Lãnh đạo Phòng PC67 cũng yêu cầu, trong quá trình làm nhiệm vụ, khi dừng xe vi phạm, nếu đối tượng vi phạm phát hiện bỏ chạy, chèn ép phương tiện gây mất an toàn cho đối tượng vi phạm, người tham gia giao thông và bản thân cán bộ chiến sĩ, tổ công tác ghi nhận biển kiểm soát, đặc điểm phương tiện phục vụ công tác xác minh, xử lý.

Quá trình tiếp xúc, làm việc với quần chúng nhân dân phải có thái độ lịch sự, khiêm tốn, tận tình. Khi dừng phương tiện phải chấp hành đúng quy trình quy định và thông báo công khai hành vi vi phạm cho người điều khiển phương tiện biết, chấp hành.

Trường hợp đối tượng có hành vi không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát và có hành vi chống đối, lăng mạ, chửi bới lực lượng thi hành công vụ thì nhanh chóng gọi điện hoặc thông tin bằng bộ đàm cho chỉ huy đơn vị tăng cường lực lượng đến phối hợp đưa về trụ sở Công an phường gần nhất để giải quyết theo quy định của pháp luật.

Đặng Nhật
.
.
.