Phòng ngừa tình trạng “giết người do nguyên nhân xã hội”

Thứ Tư, 09/03/2011, 12:00
Một trong những nguyên nhân của các vụ giết người là do hành vi côn đồ càn quấy của một bộ phận thanh niên ở lứa tuổi 16 đến 25, ít học hoặc bỏ học, lười lao động. Các đối tượng này thường đem theo hung khí nguy hiểm như súng, dao nhọn, lê, mã tấu… sẵn sàng đâm chém người khác hoặc thanh toán nhau.

Chưa bao giờ, tình hình tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội lại được đưa ra để thảo luận một cách nóng bỏng và quyết liệt đến thế trong các cuộc họp của lực lượng Cảnh sát hình sự toàn quốc. Bởi theo thống kê của Cục CSĐT tội phạm về TTXH (C45), trong 2 năm 2009-2010, tình hình tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội có xu hướng tăng đột biến.

Năm 2009, toàn quốc xảy ra 1.180 vụ giết người do nguyên nhân xã hội, tăng 12% so với năm 2008. Đến năm 2010, con số này là 1.339 vụ, tăng 20,4%. Các vụ án giết người do nguyên nhân xã hội chiếm khoảng hơn 90% tổng số các vụ án giết người đã xảy ra, tính chất, mức độ ngày càng đặc biệt nghiêm trọng, hành vi hết sức dã man, tàn bạo, nguyên nhân đôi khi chỉ bắt nguồn từ những mâu thuẫn hết sức đơn giản mà các đối tượng đã có thể gí súng bắn vào đầu nhau.

Nguyên nhân chủ yếu do mâu thuẫn thù tức

Ngay trong 2 tháng đầu năm 2011, các vụ phạm pháp hình sự đã gây thiệt mạng 202 người, làm bị thương hơn 1.000 người. Trước tình hình đó, ngày 8/3, lực lượng Cảnh sát hình sự toàn quốc đã có kế hoạch thực hiện một số biện pháp cấp bách phòng, chống tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội.

Theo thống kê của Cục C45, tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội chủ yếu là do mâu thuẫn thù tức. Đó là những mâu thuẫn âm ỉ, kéo dài như mâu thuẫn trong nội bộ gia đình, mâu thuẫn về tranh chấp đất đai, nợ nần tiền bạc..., tình ái; hoặc là những mâu thuẫn bột phát nhất thời như các vụ án xảy ra vì va chạm giao thông, xích mích trong các cuộc rượu bia…

Chỉ vì hành vi sàm sỡ của một thanh niên trong quán bar VooDoo trên đường Đào Duy Từ mà dẫn đến việc thanh toán lẫn nhau giữa 2 nhóm. Nguyễn Quốc Hùng, tức Hùng "lô" đã dùng súng bắn vào đầu anh Đặng Việt Thắng (thuộc nhóm bên kia) tử vong. Gần đây nhất, ngày 3/3, chỉ vì một câu nói trong tiệc rượu, Nguyễn Văn Duy, tạm trú tại phường Thịnh Liệt đã dùng dao đâm chết cậu vợ của mình…

Lãnh đạo Cục C45 cho biết, các vụ giết người do nguyên nhân xã hội xảy ra còn do hành vi côn đồ càn quấy của một bộ phận thanh niên ở lứa tuổi 16 đến 25, ít học hoặc bỏ học, lười lao động. Bọn chúng thường tụ tập thành các băng nhóm chơi bời lêu lổng, thường có những hành vi thiếu văn hoá, côn đồ, càn quấy nơi công cộng.

Đáng chú ý, các đối tượng này thường đem theo hung khí nguy hiểm như súng, dao nhọn, lê, mã tấu… sẵn sàng đâm chém người khác hoặc thanh toán nhau. Loại tội phạm này tuy chiếm tỷ lệ không cao nhưng đang có xu hướng gia tăng, khiến người dân cảm thấy lo lắng.

Cần triển khai những giải pháp cấp bách để phòng ngừa

Một trong những biện pháp đầu tiên được lãnh đạo Cục C45 đưa ra là tổ chức công tác tuyên truyền, phát động toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm do nguyên nhân xã hội. CSHS cần có kế hoạch phối hợp với các lực lượng và với các cơ quan truyền thông đại chúng để tiến hành công tác tuyên truyền, vận động và hướng dẫn quần chúng tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội gắn với việc xây dựng gia đình văn hoá mới, khối phố, bản, làng, phường, xã an toàn về ANTT.

Bởi nguyên nhân chủ yếu của các vụ việc là do mâu thuẫn thù tức. Vì thế việc phát hiện và giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân được đưa lên hàng đầu. Bằng công tác nghiệp vụ, nắm tình hình, lực lượng Cảnh sát hình sự cũng như Công an cơ sở phải nắm được các mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong dân cư, từ đó tham mưu cho các tổ chức hoà giải, không để mâu thuẫn phát sinh kéo dài, phức tạp dẫn đến hậu quả xấu.

Khi các mâu thuẫn, xô xát xảy ra, lực lượng Cảnh sát phải trực tiếp giải quyết và có phương án phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ xảy ra các vụ án nghiêm trọng hơn như: giết người, cố ý gây thương tích… Đối với những vụ việc vi phạm hành chính về ANTT, chưa đến mức vi phạm pháp luật hình sự thì cần giáo dục, cảm hoá, đồng thời đề xuất chính quyền địa phương, cơ quan chức năng giải quyết triệt để nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn.

Đối với những đối tượng phát sinh mâu thuẫn, xô xát kéo dài có nguy cơ gây ra vụ án giết người, gây thương tích…, lực lượng Cảnh sát hình sự cần áp dụng các biện pháp cưỡng chế, răn đe và phòng ngừa cá biệt nhằm tước bỏ các điều kiện mà đối tượng có thể lợi dụng để thực hiện tội phạm.

Việc phát hiện, đấu tranh, triệt xoá các băng, nhóm côn đồ, các băng nhóm tội phạm hình sự dễ phát sinh tội phạm cũng được lực lượng Cảnh sát hình sự chú trọng.

Lãnh đạo các đơn vị Cảnh sát hình sự đều thống nhất giải pháp, khi có vụ án giết người xảy ra, lực lượng Cảnh sát hình sự phải khẩn trương phối hợp với các đơn vị chức năng tiến hành công tác điều tra khám phá.

Bên cạnh việc đưa ra xét xử nghiêm minh nhằm răn đe, trấn áp tội phạm, trong mỗi vụ án, cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc giải quyết các khiếu kiện, tranh chấp. Có như vậy mới không xảy ra tình trạng "cha chung không ai khóc" và rút ra những bài học kinh nghiệm trong phòng ngừa tội phạm.

Thượng tá Đào Thanh Hải, Phó phòng PC45 Công an TP Hà Nội cho biết, tại Hà Nội, số vụ giết người do nguyên nhân xã hội xảy ra tại các quán bar, vũ trường, quán ăn đêm… thời gian qua có xu hướng gia tăng. Chính vì vậy, lực lượng hình sự Công an TP Hà Nội đã phối hợp với các lực lượng liên quan triển khai một biện pháp rất sáng tạo. Đó là thường xuyên kiểm tra các phương tiện giao thông của khách đậu trước các địa điểm kinh doanh nhạy cảm này, qua đó đã phát hiện, xử lý nhiều trường hợp mang theo vũ khí trong xe. Điều này vừa nhằm ngăn chặn các vụ thanh toán có thể xảy ra do mâu thuẫn giữa các nhóm, vừa trấn áp các đối tượng, khiến chúng không dám công khai mang vũ khí, hung khí trong người.

Thượng tá Đỗ Văn Khách, Trưởng phòng PC45 Công an tỉnh Hải Dương đóng góp giải pháp, đó là phải tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát trên các tuyến giao thông, đồng thời phải có sự phối hợp thường xuyên giữa Công an các địa phương trong công tác phòng, chống tội phạm. Bởi thực tế cho thấy, có những vụ án giết người do nguyên nhân xã hội, đối tượng và bị hại đều là người Hải Dương, nhưng địa điểm gây án lại ở Hải Phòng, sau khi gây án đối tượng lại trốn về địa bàn Uông Bí.

T. Hoà
.
.
.