Phòng, chống tội phạm sử dụng vũ khí nóng vùng giáp biên Tây Ninh

Thứ Tư, 24/12/2014, 09:51
Tây Ninh có đường biên giới tỉnh dài 240km tiếp giáp với 3 tỉnh Svay Rieng, Prayven và Tboug Khomum, Vương quốc Campuchia; có 2 cửa khẩu quốc tế là Mộc Bài và Xa Mát, 3 cửa khẩu quốc gia là Phước Tân, Ka Tum, Chàng Riệc, với nhiều đường tiểu ngạch qua lại biên giới.

Dân cư một số khu vực sinh sống không tập trung, chủ yếu là trồng cây cao su, rẫy, mía, nổi lên nhiều trang trại, dân lao động ở các địa phương khác tập trung về khu vực biên giới làm thuê và thường di chuyển, buôn bán…

Đây là điều kiện thuận lợi cho Tây Ninh phát triển giao thương với các tỉnh Vương quốc Campuchia, nhưng cũng tiềm ẩn phát sinh các loại tội phạm về cướp có vũ trang, buôn lậu, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, đánh bạc…

Những năm gần đây, phía nước bạn Campuchia xây dựng 15 casino, 4 trường gà, vũ trường dọc theo tuyến biên giới Việt Nam nên đã thu hút số lượng lớn người Việt sang đánh bạc. Hoạt động của các casino được tổ chức rất chặt chẽ với một quy trình khép kín.

Hằng ngày, có khoảng từ 100 đến 200 người Việt Nam sang Campuchia đánh bạc, có ngày cuối tuần có khoảng từ 400 đến 500 người. Khách có nhu cầu đến casino đánh bạc đều có xe đưa, rước; mọi chi phí đi lại ăn, uống, nghỉ ngơi, chi phí nhập cảnh sẽ do các chủ casino chi trả. Đặc biệt, mỗi con bạc vào đánh bạc trực tiếp sẽ được chủ casino chi cho 100 USD “ảo”.

Khi hết tiền thì chúng sẽ đứng ra cho vay lãi nặng. Nếu không có tiền trả nợ, các chủ sổ sẽ bắt giữ người, sau đó dùng mọi thủ đoạn để ép buộc gia đình trả nợ bằng cách hăm dọa chặt tay, bán thận… Đây là nguyên nhân phát sinh tội phạm trong thời gian qua.

Lực lượng chức năng ngày đêm tuần tra tuyến biên giới.

Từ đầu năm 2014 đến nay, tình hình ANTT trên tuyến biên giới tương đối ổn định. Tuy nhiên, tình hình ANTT thuộc biên giới Campuchia giáp biên giới Việt Nam còn diễn biến phức tạp, liên tiếp xảy ra các vụ cướp có vũ khí, tính chất hết sức nguy hiểm. Đối tượng sử dụng súng khống chế, uy hiếp tinh thần của người dân Việt Nam hay Campuchia buôn bán để cướp tài sản và sẵn sàng nổ súng để giết người nếu bị kháng cự.

Theo Công an huyện Tân Biên, trong khoảng thời gian từ ngày 22/8 đến 7/9, phía biên giới Campuchia tiếp giáp với huyện Tân Biên đã xảy ra 3 vụ cướp có vũ khí. Điển hình, khoảng 18h ngày 7/9, một nhóm cướp gồm 6 đối tượng đi trên 2 xe máy, trang bị theo 3 khẩu AK và 2 khẩu súng ngắn.

Chúng tổ chức cướp tiệm vàng tại xã Prey Pnov, huyện Pea Peang, tỉnh Prey Veng (cách xã Tân Bình, huyện Tân Biên, Tây Ninh) khoảng 70km. Tài sản bị cướp là 500.000.000 ria, 30 lượng vàng, 5.000 USD và 2.000.000 bath.

Tiếp đó, tại trung tâm huyện Komchay Mea, tỉnh Prey Veng (cách Đồn Biên phòng 823 khoảng 20km) một nhóm cướp gồm có 5 đối tượng đi trên 2 xe môtô, trang bị 2 khẩu AK khống chế chủ tiệm, vàng cướp dây chuyền và nhẫn vàng. Khi chủ tiệm vàng tri hô, bọn cướp bắn một phát súng nhưng nạn nhân may mắn thoát nạn.

Trung tá Nguyễn Minh Phụng, Phó trưởng Công an huyện Tân Biên, cho biết: Trong năm 2014, phía Campuchia giáp với địa bàn Tân Biên đã xảy ra 8 vụ cướp, đa số là các đối tượng sử dụng vũ khí nóng. Khi xảy ra các vụ cướp thì lực lượng Công an kịp thời nắm thông tin, phối hợp với Công an các huyện phía bạn, xác minh hỗ trợ về đối tượng cướp, cung cấp thông tin nếu đối tượng liên quan đến Việt Nam.

Xác định công tác phòng, chống tội phạm trên tuyến biên giới là công tác trọng tâm, phải tiến hành thường xuyên, thực hiện Quy chế phối hợp số 4057 ngày 21/10/2010 của Tổng cục Cảnh sát PCTP - Bộ Công an và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự, Ban Giám đốc Công an tỉnh Tây Ninh và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tăng cường chỉ đạo, phối hợp triển khai kế hoạch phòng, chống tội phạm trên tuyến biên giới, nhất là phối hợp phòng, chống cướp biên giới.

Công an các huyện biên giới thường xuyên tiến hành gặp gỡ, trao đổi thông tin tình hình tội phạm để phối hợp bắt giữ với Công an các huyện của 3 tỉnh: Svay Riêng, Prayven và tỉnh Tboug Khomum, Vương quốc Campuchia. Đồng thời tuyên truyền về tình hình trộm cắp, cướp tài sản cho các doanh nghiệp, tiểu thương, nông trại và nhân dân trên địa bàn.

Vận động người dân trang bị các thiết bị phòng, chống trộm, cướp, để bảo vệ tài sản của chính mình. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền mà nhân dân đã nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Để phòng ngừa những vụ cướp trên tuyến biên giới có thể xảy ra, các xã giáp biên đã thành lập các tổ phòng, chống tội phạm có vũ khí, với sự tham gia phối hợp giữa 3 lực lượng gồm: Công an - Quân sự - Biên phòng, đồng thời huy động lực lượng tuần tra nhân dân tham gia.

Những thành viên trong tổ thường xuyên gặp mặt, trao đổi thông tin về tình hình ANTT, triển khai các phương án tác chiến khi có tình huống xấu xảy ra. Tổ chức tuần tra vũ trang, bảo vệ ANTT tuyến biên giới. Nhờ duy trì hoạt động đều đặn, có tổ chức, mà tình hình an ninh trật tự trên địa bàn được ổn định.

T. Nhung - N.Minh
.
.
.