Cuộc sống chát đắng của đối tượng 18 năm trốn truy nã về tội hiếp dâm

Thứ Năm, 21/09/2017, 08:18
Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (PC52) Công an tỉnh Vĩnh Phúc cho biết vừa bắt giữ đối tượng Chu Văn Oanh (41 tuổi, trú tại huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc) bị cơ quan CSĐT hình sự Quân đoàn 2 Bộ Quốc phòng ra quyết định truy nã từ ngày 22-9-1999, đồng thời di lý đối tượng từ tỉnh Lâm Đồng về Công an tỉnh.    


Trước đó, đầu năm 2017, Công an tỉnh Vĩnh Phúc nhận được quyết định truy nã Oanh do cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng gửi đến đề nghị phối hợp truy nã đối tượng. Sau nhiều tháng sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, Phòng PC52 Công an tỉnh đã xác định được đối tượng đang lẩn trốn tại tỉnh Lâm Đồng.

Ngay sau đó, tổ công tác của Phòng PC52 vào TP Hồ Chí Minh và vượt hơn 300km  đến TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng triển khai phương án, bắt giữ Oanh trước sự ngỡ ngàng của đối tượng.

Tại cơ quan Công an, Oanh khai nhận, vào năm 1999, Oanh là chiến sỹ nghĩa vụ phục vụ trong một đơn vị quân đội đóng quân ở huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Thời gian trong quân ngũ, Oanh quen và yêu một cô gái nhưng chưa đủ tuổi thành niên.

Trong buổi liên hoan chuẩn bị ra quân, Oanh đã uống rượu say, có hành vi không đúng với bạn gái để rồi bị Tòa án quân sự xử phạt 12 năm tù về tội hiếp dâm trẻ em. Trong thời gian tạm giam chờ thi hành án, Oanh đã bỏ trốn.

Nhìn lại 18 năm trốn truy nã, Oanh bật khóc khi nói về quãng thời gian phải giấu thân phận với vỏ bọc làm nghề thợ mộc. Khi vào tỉnh Lâm Đồng làm nghề mộc, với tay nghề khéo léo, lại là người có sức khỏe, biết giao tiếp, thu nhập của Oanh không những đủ để sống mà Oanh còn tiết kiệm được tiền để mua một mảnh đất với dự định lập nghiệp lâu dài ở đó.

Tuy nhiên, mảnh đất lại nằm trong diện giải tỏa nên Oanh đã bị mất trắng vì không có giấy tờ tùy thân nên không thể đứng tên hợp pháp trong các giao dịch. Đó là thời điểm Oanh nhận rõ nhất cái giá phải trả cho thân phận trốn truy nã.

Cũng vì thế mà trong quá trình sinh sống ở Lâm Đồng, Oanh được nhiều người yêu mến, có những người con gái muốn gắn bó lâu dài với Oanh nhưng Oanh đã không dám tiếp nhận tình cảm chân thành của họ, bởi nếu lấy vợ, sinh con thì Oanh sẽ không thể cho họ một cuộc sống đàng hoàng trước pháp luật.

Những năm sống ngoài vòng pháp luật, bên cạnh sự thấp thỏm lo âu, những thiệt thòi phải gánh chịu do không có giấy tờ tùy thân hợp pháp thì nỗi nhớ gia đình, người thân, tình thương với mẹ cha là điều khiến Oanh day dứt nhất. Ít nhất hai lần, Oanh đã muốn ra đầu thú để được có ngày trở về nhà một cách đàng hoàng. Nhưng, Oanh đã không đủ bản lĩnh để làm điều đó.

Và đấy chính là điều Oanh rất hối tiếc. Bởi lẽ, 18 năm, nếu Oanh không trốn truy nã thì Oanh đã chấp hành xong án phạt tù, đã có thể về bên gia đình. Muộn còn hơn không, tin rằng, thấm thía sâu sắc những lỗi lầm đã qua, Chu Văn Oanh sẽ lao động cải tạo tốt để sớm được trở về làm lại cuộc đời.

Minh Hiền
.
.
.