Nỗi đau từ vụ việc chấn động ở Yên Bái

Thứ Bảy, 14/11/2015, 13:18
Nếu người đàn ông ở Thanh Hóa do nợ nần chồng chất thì đối tượng Thành ở Yên Bái lại nhẫn tâm cướp đi mạng sống của hai cậu con trai vô tội chỉ vì nguyên nhân… do vợ bỏ đi. Cách hành xử rất đáng bị lên án.
Khi dư luận cả nước còn chưa hết bàng hoàng sau vụ việc 4 người chết đau lòng xảy ra tại Thanh Hóa thì chiều 12/11, tại thôn 13, xã Đại Lịch, huyện Văn Chấn (Yên Bái), một vụ việc đau lòng khác cũng đã lại xảy ra. Nếu người đàn ông ở Thanh Hóa do nợ nần chồng chất thì đối tượng Thành ở Yên Bái lại nhẫn tâm cướp đi mạng sống của hai cậu con trai vô tội chỉ vì nguyên nhân… do vợ bỏ đi. Cách hành xử của Thành là rất đáng bị lên án.

Khi chúng tôi viết bài báo này thì công tác khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi đã được Công an huyện Văn Chấn phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an tỉnh Yên Bái hoàn tất theo đúng quy định. Kết quả khám nghiệm ban đầu xác định, cả ba nạn nhân đều có triệu chứng lâm sàng, tử vong do ngạt thở. Quá trình khám nghiệm, cơ quan Công an còn phát hiện trong nội tạng của Thành và hai con trai có chất diệt cỏ…


Mẹ của Thành đau đớn trước nỗi đau mất con, cháu.

Nguyên nhân cái chết của Thành và hai con do đâu, còn phải chờ đến kết luận cuối cùng của cơ quan giám định. Song với kết quả khám nghiệm hiện trường ban đầu; việc đối tượng gây án để lại một lá thư tuyệt mệnh dài 9 trang, đồng nghĩa với việc sẽ khép lại vụ án khi đối tượng gây án đã tự tử. Thế nhưng phía sau vụ việc đau lòng này còn đọng lại nhiều điều phải suy ngẫm, đó là đạo lý làm người; là kỹ năng xử lý các mâu thuẫn trong cuộc sống nảy sinh…

Trong vụ án này, hai con trai của Thành là cháu Phạm Duy Công (SN 2005) và cháu Phạm Tiến Đạt (SN 2008) hoàn toàn vô tội. Ngay cả người em vợ của Thành là anh Đào Duy Phúc (SN 1990, trú cùng thôn 13, xã Đại Lịch) cũng không có lỗi gì trong mâu thuẫn của vợ chồng Thành. Song anh Phúc còn may mắn hơn những đứa cháu vô tội, khi đã giữ được mạng sống. 

Để lý giải phần nào nguyên nhân dẫn đến hành động cùng quẫn của Thành, chúng tôi đã tìm vào thôn 13 xã Đại Lịch. Cơn mưa bất ngờ ập đến khiến đường vào thôn vốn dĩ không dễ dàng càng trở nên khó khăn. Đi xe máy phải mất vài giờ đồng hồ…

Người dân sinh sống ở thôn 13, hầu hết đều từ nơi khác về khai hoang, đời sống vật chất và tinh thần còn gặp nhiều khó khăn. Trong căn nhà của Thành, sự nghèo khó hiện hữu. Căn nhà nằm trơ trọi trên một mảnh đất hoang, bên trong chỉ có một chiếc nồi cùng 3 chiếc bát vứt lỏng chỏng, trần và tường nhà bám đầy bùn đất do thiếu vắng bàn tay chăm sóc của người đàn bà. Ở nơi đây, có lẽ cái sự nghèo chẳng có thể diễn đạt được bằng ngôn từ. Về phần Thành, anh ta học chưa hết cấp hai rồi cũng lang thang làm thê, làm mướn…

Được biết, bố Thành qua đời khi anh ta còn rất nhỏ, trong một lần ông đang phun thuốc trừ sâu ở ngay sau nhà. Sau khi bố mất, mẹ Thành và người anh trai vào Đồng Nai lập nghiệp, để lại Thành ở quê nhà. Khoảng 20 tuổi, Thành và chị Chí nên nghĩa vợ chồng. Hai đứa con liên tiếp chào đời, kinh tế chẳng khá giả nên cuộc sống vợ chồng không tránh khỏi những lúc “cơm không lành, canh không ngọt”.

Sau khi chị Chí bỏ nhà đi, Thành cũng cắt khẩu hai con rồi vào Đồng Nai lập nghiệp. Gần nửa tháng nay, Thành dắt con về thôn 13, nhưng cơm thì bữa nấu, bữa không, hai đứa nhỏ lại sang nhà người bác ruột của Thành ăn nhờ. Nhìn gia cảnh của Thành ai cũng thấy bùi ngùi… Ở cả thôn 13, chẳng mấy ai dư dả gì hơn anh ta. Thế nhưng, bà con trong thôn vẫn sống chan hòa, yêu thương lẫn nhau. Ngay cả bác của Thành, sau khi sự việc xảy ra, ông đã đứng ra làm ma chay cho con, cháu. Chính quyền địa phương phối hợp với quần chúng đóng góp, lo cho họ về nơi an nghỉ cuối cùng.

Người dân đến tiễn đưa 3 người xấu số.

Trước đó, vào hồi 16h ngày 12/11, Công an huyện Văn Chấn nhận được tin báo của Công an xã Đại Lịch: Tại thôn 13, xã Đại Lịch xảy ra vụ chết 3 người chưa rõ nguyên nhân. Sau khi xác minh sự việc chết người là có thật, Công an huyện Văn Chấn đã báo cáo Ban Giám đốc Công an tỉnh.

Ngay khi nhận tin báo, Công an tỉnh đã cử lực lượng nghiệp vụ phối hợp với Công an huyện Văn Chấn, đồng thời cử lực lượng Kỹ thuật hình sự tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi theo đúng quy định của pháp luật để điều tra làm rõ vụ việc. Qua công tác xác minh ban đầu đã xác định: 3 người chết cùng trong tư thế treo cổ trong nhà gồm Thành, Công và Đạt.

Tiến hành xác minh về lai lịch của Phạm Văn Thành được biết: Phạm Văn Thành có vợ là chị Đào Thị Chí, sinh năm 1985, cùng trú tại thôn 13, xã Đại Lịch, huyện Văn Chấn. Hai vợ chồng có 2 con trai là Phạm Duy Công và Phạm Tiến Đạt. Từ ngày 27/7, do mâu thuẫn với chồng, vợ Thành bỏ nhà đi đến nay không về. Khoảng nửa tháng sau, Thành cùng 2 con cắt hộ khẩu, chuyển vào Đồng Nai ở cùng với mẹ đẻ của Thành. Cách đây khoảng 15 ngày, Thành lại đưa 2 con về nhà cũ ở thôn 13.

Khoảng 15h30 chiều 12/11, Thành rủ em vợ là Đào Duy Phúc lên đồi cây phía sau nhà Thành để chặt hộ cây. Tuy nhiên, khi lên đến đồi cây, Thành dùng dao chém Phúc nhiều nhát vào đầu, vào chân. Phúc cố bỏ chạy, kêu cứu, được người dân phát hiện đưa đi Bệnh viện Nghĩa Lộ cấp cứu…

Sau khi gây án, Thành bỏ về nhà. Đến khoảng 16h cùng ngày, người dân cùng thôn phát hiện Phạm Văn Thành cùng 2 con là Phạm Duy Công và Phạm Tiến Đạt chết trong tư thế treo cổ tại nhà của Thành.  Thôn 13, xã Đại Lịch, chiều 13/11, nhuộm một màu tang thương. Những người có mặt không cầm được nước mắt trước cảnh người đầu bạc phải tiễn đưa người tóc còn xanh…

Nghe tin dữ, mẹ và anh trai Thành vội từ Đồng Nai trở ra Bắc. Suốt đêm khóc thương hai đứa cháu nội vô tội, mẹ Thành như chết đi sống lại. Càng thương cháu nội bao nhiêu thì bà lại giận con trai bấy nhiêu. Nghe tin dữ, vợ Thành cũng vội về nhà nhưng không đủ can đảm để tiễn đưa chồng và con… Trong vụ việc này, Thành đã quá ích kỷ. Dù đã chọn cái chết nhưng hành động của anh ta đáng bị lên án.

Trong lá thư tuyệt mệnh được viết bằng những dòng chữ ngoằn ngoèo để lại tại hiện trường, Thành than vãn rồi trách gia đình nhà vợ. Thành cho biết anh ta phải giết chết hai đứa con để vợ của Thành cảm thấy day dứt suốt cả cuộc đời này… Thế nhưng cuối thư, anh ta lại nói rằng rất yêu vợ và không thể lấy được ai nữa. Rồi Thành lại dùng những lời lẽ đầy tình cảm nói rằng suốt đời này chỉ yêu chị Chí và hẹn ở kiếp sau. Yêu một người là mong người đó có một cuộc sống thật hạnh phúc. Nhưng Thành lại không hành động như vậy, trái lại, nhẫn tâm làm điều tàn ác, để không chỉ người vợ phải đau đớn, day dứt suốt cả cuộc đời mà người đời cũng khó mà tha thứ…

Xuân Mai
.
.
.