“Nổ” là cháu lãnh đạo cao cấp để chiếm đoạt nhiều tỷ đồng

Thứ Ba, 23/03/2021, 18:07
Chiều 23/3, HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Yến (SN 1953, trú tại xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội) 14 năm tù và bị cáo Đỗ Văn Vững (SN 1953, trú tại xã Yên Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội) 11 năm tù cùng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo quy định tại Điều 174 BLHS năm 2015.


Theo bản án sơ thẩm, cuối tháng 4/2018, bị cáo Yến là cán bộ hưu trí tình cờ quen biết và bị cáo Vững, khi đó là Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ thương binh và bệnh binh Trường Sơn (viết tắt là Công ty Trường Sơn). 

Quá trình quen biết, bị cáo Vững rủ bị cáo Yến về làm việc tại Công ty Trường Sơn. Trong thời gian hợp tác làm việc cùng nhau, bị cáo Vững và bị cáo Yến đưa ra thông tin gian dối về việc bị cáo Yến là cháu của đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước nên có khả năng xin được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xin được kinh phí để xây dựng, tôn tạo chùa chiền, nghĩa trang liệt sĩ. 

Bị cáo Yến còn bịa đặt thông tin rằng, bà ta đã xin kinh phí xây dựng cho chùa ở tỉnh Nam Định, chùa ở huyện Ba Vì (Hà Nội), xin kinh phí tu tạo nghĩa trang liệt sỹ ở huyện Hải Hậu (tỉnh Nam Định)... 

Mục đích của việc bị cáo Yến đưa ra thông tin gian dối trên để khiến mọi người lầm tưởng vào những mối quan hệ của Yến mà nhờ giúp việc, từ đó Yến sẽ đưa họ vào bẫy để chiếm đoạt tài sản. 

Với chiêu trò gian dối trên, từ tháng 5 đến 12/2018, bị cáo Yến và bị cáo Vững đã câu kết thực hiện 5 vụ lừa đảo, chiếm đoạt tổng số tiền hơn 2,7 tỷ đồng của nhiều bị hại để sử dụng vào mục đích cá nhân. 

Để các bị hại tin tưởng mà đưa tiền nhờ lo việc, bị cáo Vững luôn lấy danh làm Giám đốc Công ty Trường Sơn và nói dối về việc bị cáo Yến là cháu lãnh đạo cấp cao nên có nhiều quan hệ, có thể giải quyết được nhiều việc liên quan đến tiền bạc, chế độ, chính sách...

Hai bị cáo Vững và Yến tại phiên xử.

Một trong số các bị hại là bà Đỗ Thị Mận (trụ trì Chùa An Sáo, huyện Quốc Oai). Quá trình tiếp xúc, bị cáo Yến biết bà Mận đang cần kinh phí xây dựng chùa nên nói dối rằng, mình là cháu ruột một đồng chí lãnh đạo Quốc hội và đang công tác tại Quỹ tu bổ Đền Hùng (tỉnh Phú Thọ). 

Bị cáo Yến hứa sẽ xin cho Chùa An Sáo được cấp Giấy chứng nhận di tích lịch sử và 20 tỷ đồng để xây dựng, tôn tạo chùa. Đổi lại, bà Mận phải chi tiền để Yến quan hệ đối ngoại và trích lại một phần kinh phí cho Công ty Trường Sơn. 

Tin tưởng bị cáo Yến nói thật, bà Mận đồng ý chi cho hai bị cáo Vững và Yến số tiền 2 tỷ đồng để lo công việc cho chùa. Ngày 26/10/2018, bị cáo Yến yêu cầu bà Mận chi thêm 82 triệu đồng với lời hứa, một năm sau bà Mận sẽ nhận được tiền kinh phí để xây dựng và tôn tạo chùa. 

Để tạo niềm tin đối với bà Mận, bị cáo Vững còn đóng dấu Công ty Trường Sơn vào giấy biên nhận tiền. Thêm một lần tin tưởng, bà Mận lại đưa cho hai bị cáo số tiền 82 triệu đồng. Quá thời hạn cam kết, bà Mận không nhận được Giấy chứng nhận di tích lịch cho chùa và số tiền 20 tỷ đồng như đã hứa. Tìm hiểu sự việc, bà Mận mới biết mình bị lừa nên đã làm đơn tố cáo. 

Một bị hại khác là bà Trần Thị Hoa (trú tại xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội). Chị chồng bà Hoa là bà Nguyễn Thị Mến từng tham gia Quân đội và bị tai nạn chết khi làm nhiệm vụ. Do đó, giấy báo tử của bà Mến ghi “từ trần” nên bà Mến không được công nhận liệt sỹ. 

Tháng 6/2018, qua quan hệ xã hội, bà Hoa nhờ bị cáo Vững làm giúp thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền công nhận liệt sỹ đối với bà Mến. Bị cáo Vững đã đưa bị cáo Yến đến nhà bà Hoa. Tại đây, bị cáo Vững giới thiệu với bà Hoa rằng, bị cáo Yến là cán bộ Quân đội nghỉ hưu và là cháu ruột một đồng chí lãnh đạo Quốc hội nên có nhiều mối quan hệ. 

Bị cáo Vững hứa hẹn rằng, bị cáo Yến sẽ giúp gia đình bà Hoa làm thủ tục công nhận liệt sỹ cho bà Mến. Đổi lại, gia đình bà Hoa phải đưa tiền để bị cáo Yến đi quan hệ, thay mặt gia đình đi giải quyết các thủ tục. Tin tưởng bị cáo Vững nói thật, bà Hoa đã đưa số tiền 85 triệu đồng để nhờ bị cáo Yến xin công nhận liệt sỹ cho chị chồng mình. Sau khi nhận tiền từ bà Hoa, bị cáo Yến và bị cáo Vững chiếm đoạt sử dụng cá nhân hết. Khi biết mình bị lừa đảo, bà Hoa đã làm đơn tố cáo. 

Quá trình điều tra, bị cáo Vững và bị cáo Yến khai, trong thời gian giữa năm 2018, hại bị cáo có hành vi đánh bạc dưới hình thức chơi lô, chơi đề với bà Nguyễn Thị Hiền (tức Nguyễn Thị Dung, SN 1968, trú tại xã Yên Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội) và bị thua số tiền gần 250 triệu đồng. Do vậy, bị cáo Vững và bị cáo Yến phải viết giấy nhận nợ với bà Hiền nhưng được thể hiện dưới hình thức là Giấy vay số tiền 280 triệu đồng. Quá trình điều tra, do chưa đầy đủ tài liệu kết luận sự việc này nên cơ quan điều tra không đề cập xử lý đối với hai bị cáo và bà Hiền về hành vi đánh bạc.  

Tại phiên xử, bị cáo Vững và bị cáo Yến thừa nhận hành vi phạm tội như trên. HĐXX khẳng định, hành vi phạm tội của hai bị cáo là rất nghiêm trọng, gây mất trật tự trị an nên cần áp dụng hình phạt nghiêm khắc để phòng ngừa chung trong xã hội. Ngoài hình phạt tù, HĐXX còn buộc hai bị cáo phải bồi thường cho các bị hại toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt theo quy định của pháp luật.

Nguyễn Hưng
.
.
.