Những chiêu trò lừa đảo xin việc

Thứ Ba, 23/02/2016, 08:51
Các đối tượng đều "nổ" có quan hệ rộng và có thể chạy được việc làm hoặc xin đi học tại các trường của lực lượng vũ trang. Nhưng sau khi nhận tiền, các đối tượng đều không thực hiện thậm chí có kẻ còn bỏ trốn.


Những ngày đầu năm 2016, TAND TP Hà Nội liên tiếp mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản do những kẻ khoác lác thực hiện. Hành vi phạm tội của các đối tượng này đều được thực hiện dưới hình thức nhận hồ sơ xin việc làm và xin học vào các trường của lực lượng vũ trang cho người có nhu cầu. Nhưng sau khi nhận tiền của bị hại, các đối tượng không thực hiện như đã hứa mà chiếm đoạt tiền của họ để sử dụng vào mục đích cá nhân, thậm chí có kẻ còn bỏ trốn.

1. Tăng Thị Hường (41 tuổi, ở phố Hào Nam, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội) là công nhân bình thường. Không bằng lòng kiếm đồng tiền trong sạch với nghề đang có, Hường đã dùng chiêu trò khoác lác để kiếm tiền bất chính. Để thực hiện mục đích, Hường khoe quen biết nhiều “quan chức” nên có thể xin việc làm, chuyển công tác hoặc xin học cho những người có nhu cầu. 

Vì tin tưởng nên nhiều người đưa tiền nhờ người phụ nữ này xin việc làm và xin trường. Tùy vào mỗi trường hợp nhờ vào đâu mà Hường đưa ra mức giá từ 80 triệu đồng đến 400 triệu đồng. Để nắm được thông tin rõ ràng, Hường đều tìm hiểu về đơn vị tuyển dụng, sau đó thuê người làm giả một số loại giấy tờ như: giấy báo nhập học, quyết định tuyển dụng, phiếu lương, trợ cấp bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế... 

Khoảng tháng 5- 2014, chị Tỉnh, ở Hà Nội nhờ Hường xin vào làm kế toán ở Bộ Y tế. Hường thông báo chi phí hết 400 triệu đồng. Sau khi nhận 200 triệu đồng đặt cọc, Hường đưa cho chị Tình quyết định tuyển dụng giả của Bộ Y tế. Nhận giấy xác nhận rởm thông báo trúng tuyển, chị Tình đưa nốt tiền cho Hường. 

Tương tự, chị Huyền, ở Hà Nội cũng đưa 100 triệu đồng cho Hường để nhờ xin vào làm tại một cơ quan bảo hiểm của lực lượng vũ trang, nhưng sau khi nhận tiền, Hường không thực hiện được như đã hứa và cũng không trả lại tiền. Sau khi nhận được đơn tố giác hành vi phạm tội, cơ quan điều tra vào cuộc và xác định, Hường đã lừa đảo sáu người để chiếm đoạt tổng số tiền hơn 1,4 tỷ đồng. Xác định hành vi phạm tội của Hường là rất nghiêm trọng, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo 12 năm tù giam về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Các đối tượng (từ trái qua): Mai, Minh và Hường.

2. Nguyễn Công Minh (47 tuổi, ở phường Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội) không có nghề nghiệp ổn định và đã có một tiền án ba năm tù (án treo) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nhưng sau khi thi hành án, Minh không hướng thiện mà lại “ngựa quen đường cũ”. Để thực hiện hành vi lừa đảo, Minh tự nhận là cán bộ của một Tập đoàn Viễn thông và khoe có khả năng “chạy” cho nhiều người vào làm việc ở các ngân hàng. Do tin tưởng nên nhiều người đã đưa tiền nhờ Minh xin việc giúp. Tuy nhiên sau khi nhận của nhiều người số tiền hơn 2 tỷ đồng, Minh không thực hiện được như đã hứa và cũng không trả lại tiền cho họ. 

Một trong những nạn nhân là chị Nguyễn, ở Hà Nội. Chị Nguyễn đã đưa cho Minh 90 triệu đồng để nhờ xin vào Viettel - chi nhánh Hải Phòng làm việc. Đến hẹn không thấy có quyết định đi làm, chị Nguyễn đòi tiền thì Minh khất lần và sau đó chỉ trả 20 triệu đồng. Bức xúc vì việc này nên chị Nguyễn đã làm đơn tố cáo hành vi của Minh. 

Kết quả điều tra cho thấy, Minh đã nhận 61 hồ sơ xin việc với tổng số tiền là hơn 2 tỷ đồng. Sau khi nhận hồ sơ xin việc và tiền của họ, Minh không xin việc được cho bất cứ một trường hợp nào mà sử dụng tiền của họ vào mục đích cá nhân. HĐXX đã tuyên phạt Minh 14 năm tù giam vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

3. Nguyễn Thị Mai (45 tuổi, ở xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội) là lao động tự do và đã từng bị Tòa án xử phạt 2 năm 6 tháng tù (án treo) về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Sau thời gian chấp hành hình phạt, Mai không phục thiện mà tiếp tục phạm tội. 

Để người có nhu cầu xin việc làm tin tưởng, Mai tự nhận có quan hệ với nhiều lãnh đạo ở một số trường của lực lượng vũ trang và một số Bộ, ngành nên có khả năng xin việc làm cho nhiều người. 

Bà Yến, ở Cao Bằng nhờ Mai giúp đỡ cháu mình thi đỗ vào một trường đại học của lực lượng vũ trang. Mai thỏa thuận chi phí thi đỗ vào trường là 12.000 USD và phải chuyển tiền ngay để lo việc. Tin tưởng nên bà Yến đã đưa cho Mai số tiền trên. Ít ngày sau, bà Trương, ở Cao Bằng gặp Mai để nhờ xin cho con vào học ở một trường đại học của lực lượng vũ trang. Lần này, Mai yêu cầu bà Trương phải đưa gần 400 triệu đồng để chi phí. 

Ngoài nhận tiền lo việc cho các trường hợp có nhu cầu vào học ở các trường trong lực lượng vũ trang, cơ quan điều tra còn làm rõ, Mai còn nhận của ông Vũ, ở Hà Nội số tiền 12.000 USD để nhờ xin cho con ông vào công tác ở Bộ Ngoại giao. Đến hẹn, Mai không thực hiện được như đã hứa, cũng không trả lại tiền mà bỏ trốn. Sau đó, các bị hại đã làm đơn tố cáo hành vi phạm tội của Mai. 

Kết quả điều tra thể hiện, Mai đã chiếm đoạt của nhiều bị hại với tổng số tiền gần 900 triệu đồng. HĐXX đã tuyên phạt bị cáo 12 năm 6 tháng tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cộng bản án cũ, HĐXX buộc Mai phải chấp hành hình phạt chung cho cả hai bản án là 15 năm tù giam.

Từ những vụ án trên cho thấy, những kẻ phạm tội đã bị Tòa án xử phạt xứng với tội danh. Ngoài ra, Tòa án cũng buộc kẻ phạm tội phải hoàn trả số tiền đã chiếm đoạt cho các bị hại. Tuy nhiên thực tế cho thấy, dù Tòa án đã tuyên án rõ ràng như vậy, nhưng bị hại rất khó có thể nhận được tiền từ kẻ phạm tội đang phải thi hành án. Lý do mà kẻ phạm tội hoặc gia đình của họ đưa ra là chưa có” hoặc “ai làm người ấy chịu”. Vậy là người chịu thiệt thòi vẫn là các bị hại trong vụ án. Mong rằng, bài học từ những vụ án trên sẽ giúp mỗi người nêu cao cảnh giác để tránh mắc phải hậu quả tương tự.

Nguyễn Hưng
.
.
.